Công việc vất vả, tù túng, chế độ kém, nhiều thầy cô không muốn đi coi thi nữa

27/06/2017 06:37
HỮU SƠN
(GDVN) - Công việc vất vả, tù túng, chế độ bồi dưỡng không thỏa đáng nên không ít thầy cô sau khi đi làm nhiệm vụ đã vô cùng chán nản và tìm cách từ chối vào năm sau.

LTS: Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đã kết thúc và bước đầu ghi nhận được nhiều tín hiệu đáng mừng.

Bên cạnh đó, đằng sau thành công của cuộc thi là vô vàn những khó khăn, vất vả, áp lực của các thầy cô khi tham gia trực tiếp vào công tác chấm thi.

Tác giả Hữu Sơn đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những suy nghĩ của mình về vấn đề bồi dưỡng trong công tác chấm thi hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mức chi, phụ cấp, bồi dưỡng cho tất cả cán bộ, thầy cô giáo làm công tác coi thi, chấm thi trong kỳ thi quốc gia năm nay tại tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện bởi Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 27/2/2013. 

Thầy cô thực hiện công tác chấm thi. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Thầy cô thực hiện công tác chấm thi. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Theo đó, trưởng điểm thi: 265.000 đồng/ngày; phó trưởng điểm thi: 250.000 đồng/ngày; cán bộ coi thi, giám sát thi: 210.000 đồng/ngày; các nhân viên, bộ phận phục vụ khác: 100.000 đồng/ngày. 

Nhiều cán bộ, giáo viên tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: quy định về mức chi cho các hoạt động giáo dục nói chung và kỳ thi quốc gia nói riêng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã áp dụng cách đây hơn 5 năm. Đến nay, trước những biến động về vật giá leo thang trong thời gian dài như vậy là chưa phù hợp, không động viên, khích lệ được cán bộ, giáo viên làm công việc khó khăn, vất vả như thế này. 

Một giáo viên được điều động vào ban in sao đề thi tại địa phương, 12 ngày ròng rã bị “nhốt”, cách biệt với thế giới bên ngoài, làm việc, in sao, sắp xếp, phân loại, đóng gói đề thi trong điều kiện vô cùng áp lực, nhưng khi ra về chỉ nhận được chế độ bồi dưỡng 2,7 triệu đồng. 

Chính vì công việc vất vả, điều kiện tù túng, chế độ bồi dưỡng chưa thỏa đáng, tương xứng nên không ít thầy giáo sau một lần đi làm nhiệm vụ in sao đề đã vô cùng chán nản. Họ chia sẻ: “những năm tới, cấp trên có mời chắc cũng tìm cách từ chối, né tránh”. 

Quyết định số 433/QĐ-SGDĐT, ngày 18/5/2017 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi về việc thành lập ban coi thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 có nêu rõ: “Lãnh đạo ban coi thi làm việc từ ngày 19/6, toàn thể thành viên của các điểm thi làm việc từ 8 giờ ngày 21/6/2017 đến khi hoàn thành nhiệm vụ ( hết ngày 24/6)”. 

Công việc vất vả, tù túng, chế độ kém, nhiều thầy cô không muốn đi coi thi nữa ảnh 2

Thầy Đỗ Tấn Ngọc kể "bí mật" của Hội đồng in sao đề thi quốc gia

Như vậy, lãnh đạo ban coi thi (trưởng điểm, phó điểm thi) sẽ làm việc 6 ngày liên tục, chuẩn bị, lo lắng đủ thứ việc…nhưng đến khi chi trả chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, các kế toán điểm thi chỉ thanh toán 4 ngày giống như các bộ phận khác, khiến nhiều người không đồng tình. 

Năm 2016, tại Quảng Ngãi, các cụm thi đại học do Trường đại học sư phạm Đà Nẵng chủ trì, bộ phận phục vụ ở các điểm thi nhận chế độ bồi dưỡng giống như các cán bộ coi thi: 780.000 đồng/người, khiến nhiều anh, chị, em rất vui và bất ngờ vì những năm trước đó chỉ nhận được: 300-400 ngàn đồng/người. 

Còn năm nay, bộ phận phục vụ thi ở đây (hàng trăm con người) chế độ bồi dưỡng cả đợt lại thấp giống như các năm trước. 

Chế độ phụ cấp cho các thầy cô giáo làm công tác giám khảo, chấm thi các môn tự luận ở các kỳ thi quốc gia, mỗi nơi, tính mỗi kiểu khác nhau.  
Năm 2015, ban chấm thi trung học phổ thông quốc gia đặt tại Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định), sau 10 ngày chấm, mỗi giám khảo chấm môn tự luận nhận được một khoản bồi dưỡng kha khá (trên 6 triệu đồng) chưa kể chế độ công tác phí, lưu trú đối với giám khảo ở xa. 

Nhưng đến năm 2016, ban chấm thi trung học phổ thông quốc gia (cụm đại học) đặt tại Trường đại học Phạm Văn Đồng do Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng chủ trì, cũng từng đó thời gian chấm thi (10 ngày), mỗi giám khảo chỉ nhận được hơn 2,5 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, nhiều giám khảo ở các huyện xa của tỉnh Quảng Ngãi rất bức xúc khi Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng (đơn vị chủ trì) không thanh toán công tác phí cho họ.

Công việc vất vả, tù túng, chế độ kém, nhiều thầy cô không muốn đi coi thi nữa ảnh 3

Ba công việc vất vả, áp lực nhất đối với giáo viên cuối năm học

Thầy Trần Đức Sơn - giáo viên Trường trung học phổ thông số 2 huyện Mộ Đức, giám khảo môn Ngữ văn tại ban chấm thi này  cho biết:

“Trong phiên họp tổng kết hội đồng chấm thi, tôi và nhiều giáo viên ở các huyện có đủ điều kiện được tính công tác phí, đã có ý kiến đề nghị đơn vị chủ trì, điều động (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) thanh toán chế độ công tác phí được áp quy định tại Thông tư 97 năm 2010 của Bộ Tài chính.

Khi nghe giáo viên phản ánh, lãnh đạo ban chấm thi (xin được giấu tên) tỏ ra lúng túng, bối rối và hứa hẹn sáng hôm sau (tức ngày 13/7) đơn vị chủ trì sẽ bàn bạc, thống nhất và thanh toán chế độ công tác phí cho các giám khảo ở xa. 

Thế nhưng, mãi đến hôm nay ( sau gần 1 năm) chúng tôi vẫn không thấy Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng có thông báo trả lời về vấn đề đó”. 

Năm nay, ban chấm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã điều động 100 thầy, cô giáo tại các Trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh làm giám khảo môn tự luận Ngữ văn đặt tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết.

Với quy định mức chi: 15.000 đồng/bài ở Quyết định 12 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thì các giám khảo chấm thi tự luận năm nay, cũng khó có được chế độ bồi dưỡng chấm thi thỏa đáng. 

Tự hỏi, không biết các tỉnh thành trên cả nước trong những kỳ thi quốc gia có bồi dưỡng, chi phụ cấp cho cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi giống như ở địa phương, các đơn vị nêu trên?   

HỮU SƠN