Cứ làm và chấm đề tài, sáng kiến như hiện nay thì...nên bỏ

03/04/2017 07:18
Sông Trà
(GDVN) - Muốn duy trì và phát huy tốt sáng kiến trong mọi hoạt động giáo dục thì các cấp quản lý cần sớm đổi mới, cải tiến cách làm và sử dụng sáng kiến, đề tài.

LTS: Sáng kiến, đề tài khoa học hiện nay được các giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý thực hiện theo hình thức đối phó. 

Thực trạng này đã được phản ánh nhiều trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tác giả Sông Trà cho rằng cần thay đổi cách thức thực hiện và sử dụng sáng kiến, đề tài sao cho thật hiệu quả.

Nếu không thì việc "khai tử" hoạt động này là cần thiết, tránh lãng phí và bức xúc trong giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Theo qui định của nhà nước, ngành giáo dục thì ở từng năm học, mỗi cán bộ quản lý, mỗi giáo viên, giảng viên từ bậc mầm non đến đại học, cao đẳng đều có ít nhất một công trình khoa học, đề tài, đề án hoặc sáng kiến. 

Sản phẩm này được xem là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Đồng thời, đây cũng là điều kiện cần để công nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ...

Xét về mặt mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu, đòi hỏi mang tính chất ràng buộc của cấp trên về nhiệm vụ trên đối với cán bộ quản lí, đội ngũ thầy, cô giáo là rất đúng đắn và cần thiết.

Bởi lẽ làm công tác giáo dục, quản lý ở các cơ sở giáo dục cần được đúc kết, luôn phải đổi mới, sáng tạo không ngừng, chẳng những phục vụ cho mình mà còn có ích cho người khác khi được đem ra thảo luận, chia sẻ, học tập lẫn nhau. 

Việc làm và chấm sáng kiến giảng dạy chỉ mang tính hình thức. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Việc làm và chấm sáng kiến giảng dạy chỉ mang tính hình thức. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Để có được một cái sáng kiến theo đúng nghĩa đích thực của nó, người làm phải tốn khá nhiều thời gian công sức và tâm huyết.

Vì càng ngày việc đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến không được chú trọng mấy, chỉ mang tính hình thức, đối phó nên tình trạng xào xáo, sao chép ở tài liệu này, sách kia hoặc nhờ cậy lẫn nhau để hoàn thành công trình "sáng kiến" là chuyện khá phổ biến trong cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên lâu nay. 

Mặc dù cuối phần tập đề tài, sáng kiến thường có mục cam kết của người viết “Tôi xin cam đoan đây là đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến bản thân thực hiện, không sao chép nội dung của người khác, nếu vi phạm chịu xử lý theo quy định" (theo một mẫu quy định, hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến của một Sở Giáo dục và Đào tạo). 

Thậm chí có lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo còn “dọa” sẽ bêu tên những thầy cô giáo vi phạm bản quyền trên trang mạng nội bộ, gọi danh sách về đơn vị… 

Nhưng khi chấm, thẩm định, các giám khảo lại phát hiện khá nhiều “sản phẩm” giống tuyệt đối 100% từ internet, google…. 

Thực tế, chỉ có rất ít giáo viên, cán bộ quản lý tâm huyết, cố gắng và say sưa với tự làm, tự thể hiện những điều mình ấp ủ, thai nghén. 

Cứ làm và chấm đề tài, sáng kiến như hiện nay thì...nên bỏ ảnh 2

Ngân sách đang tiêu tốn một số tiền lớn cho Sáng kiến kinh nghiệm

Hằng năm, mỗi trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo ở từng địa phương thu nhận được hàng nghìn, hàng vạn sáng kiến của các giáo viên gửi lên cùng các bản báo cáo thành tích, thi đua. 

Mỗi sáng kiến là cả tập, cỡ từ mười mấy trang đến bảy, tám chục trang, lại được đóng tập, in ấn vi tính, bìa bọc rất đẹp đẽ, nhìn vào đủ thấy mê. 

Có lẽ, do số lượng sáng kiến quá nhiều, vả lại các trường, phòng, sở giáo dục cũng chẳng có mấy người đâu dỗi hơi, dỗi việc mà ngồi đọc và nhận xét tất cả thứ ấy được. 

Người làm ra nó là thầy cô giáo, cán bộ quản lí cấp dưới khi nộp lên thì cũng rất mong đợi đứa con tinh thần của mình được sự đánh giá, trân trọng của cấp trên, nhưng theo thời gian, cấp trên có nói gì đâu, thậm chí không hề lật, mở ra xem nó có mấy trang, như thế nào.

Hằng năm, tất cả sáng kiến ấy, người ta lặng lẽ cho nó vào trong tủ hồ sơ cất giữ hoặc bán giấy vụn, không bao giờ nhắc tới nó nữa. 

Thầy cô giáo, cán bộ quản lí ở các cơ sở giáo dục bắt đầu hoài nghi, chán nản trước sự hờ hững của cấp quản lí mình, nên làm, nộp lên phần nhiều theo dạng đối phó, làm cho có. 

Có người cho rằng, nên bỏ làm và nộp sáng kiến đi, vì lãng phí thời gian, công sức và lại hết sức vô bổ. Ý kiến cực đoan như vậy, không phải không có cơ sở. 

Theo nhiều giáo viên, quy định ở Nghị định 56-CP, hằng năm mỗi công chức, viên chức ở lĩnh vực giáo dục nói riêng đều phải có ít nhất một đề tài, sáng kiến thành tiêu chí, căn cứ để đánh giá, phân loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên là khó khả thi, không phù hợp với đặc thù ngành giáo dục, cần có một số điều chỉnh về thời gian và đối tượng thực hiện. 

Cứ làm và chấm đề tài, sáng kiến như hiện nay thì...nên bỏ ảnh 3

Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì...sáng kiến kinh nghiệm

Bởi vì, sản phẩm đề tài, sáng kiến của đội ngũ nhà giáo thường “vô hình”, rất khó kiểm định, đánh giá, khác với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính chất “hữu hình”, cụ thể, dễ kiểm nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất. 

Muốn duy trì và phát huy tốt sáng kiến trong mọi hoạt động giáo dục thì các cấp quản lý cần sớm đổi mới, cải tiến cách làm và sử dụng sáng kiến, đề tài. 

Trước hết, không chạy đua theo số lượng, không cần thiết năm nào cũng phải có. 

Nên nới rộng thời gian làm sáng kiến, đề tài, cứ 3 năm một lần thì mỗi giáo viên phải có cho một sản phẩm.

Thời gian như vậy để họ có điều kiện đầu tư, suy nghĩ làm cho thật tốt, đem lại hiệu quả cao nhất, có tác dụng tích cực thiết thực đối với công tác quản lý và giảng dạy của chính họ và đồng nghiệp. 

Mặt khác, các đơn vị từ cấp trường cho đến cấp sở cần phải tổ chức thẩm định, đánh giá, công nhận một cách nghiêm túc, khoa học, bài bản, tránh lối đánh giá, ghi điểm qua loa chiếu lệ cho lấy có;

Kiên quyết loại bỏ, không cho điểm đạt yêu cầu đối với sáng kiến kém chất lượng, có dấu hiệu vi phạm bản quyền;

Đồng thời phải có hình thức khen thưởng thỏa đáng những cá nhân, đơn vị làm tốt, làm có chất lượng đem lại tác dụng lớn cho nhiều người học tập. 

Cứ hai, ba năm ở cấp Phòng, cấp Sở Giáo dục và Đào tạo, kể cả cấp Trung ương cũng nên có hội nghị tổng kết đánh giá, khen thưởng và có chương trình triển khai vận dụng những sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao. 

Làm được như vậy chắc chắn tất cả các giáo viên cán bộ quản lý cũng đều đồng tình hưởng ứng và làm theo. 

Còn không thay đổi, giữ lề lối như hiện nay, theo chúng tôi nên khai tử hoạt động đề tài, sáng kiến. Nó hình thức, lãng phí và vô bổ, gây nhiều nỗi bức xúc trong giáo viên có tâm huyết và dư luận xã hội.

Sông Trà