"Cuộc chiến tuyển sinh" đủ mọi "chiêu trò" lôi kéo thí sinh

12/09/2012 10:47
Khi lần đầu nhận giấy báo trúng tuyển, cả nhà đều mừng, vội vàng mở thư ra xem. Thì ra là giấy báo trúng tuyển được gửi từ trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Việt - Úc (có địa chỉ ở Hà Nam).
Những thí sinh trượt ĐH theo NV 1 đang suy nghĩ cho những dự định tương lai theo NV 2. Tuy nhiên, việc “tới tấp” nhận được những giấy báo trúng tuyển từ các trường CĐ, TC mà mình không có nhu cầu, với nhiều thí sinh và gia đình, đây thực sự là “những vị khách” không mời mà tới – gây cho họ những phiền hà. Những gì đang xảy ra, có vẻ như các trường đang trong cuộc “đua tranh” để “giành giật” thí sinh nhập học, “cuộc đua” này cũng không ít “chiêu” trò.

Liên tiếp nhận được “giấy báo trúng tuyển” cũng khiến thí sinh thấy phiền hà và hoang mang.
Liên tiếp nhận được “giấy báo trúng tuyển” cũng khiến thí sinh thấy phiền hà và hoang mang. 

Bỏ quên Quy định của Bộ GD&ĐT
Mặc dù, theo quy chế tuyển sinh, các trường không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh (TS) không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Thế nhưng, nhiều đơn vị đào tạo vẫn “bỏ quên” quy định và công khai vi phạm. Nhận được kết quả thi tuyển vào trường ĐH Công đoàn khối D với 14 điểm, Vũ Hồng ở Bắc Ninh không trúng tuyển với NV 1 của mình. Đang băn khoăn suy nghĩ để lựa chọn cho mình NV 2 phù hợp thì Hồng nhận được khá nhiều giấy báo “trúng tuyển” từ các trường CĐ,TC.
Khi lần đầu nhận giấy báo trúng tuyển, cả nhà đều mừng, vội vàng mở thư ra xem. Thì ra là giấy báo trúng tuyển được gửi từ trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Việt - Úc (có địa chỉ ở Hà Nam). Xem hết nội dung, cả nhà Hồng chán nản, vứt vào góc tủ vì đây không phải là trường mà Hồng muốn vào học. Ngay ngày hôm sau, gia đình em lại nhận được không phải là 1 mà là 2 giấy báo trúng tuyển của một trường CĐ về du lịch ở miền Trung và của trường TC Công thương Hà Nội. Những ngày sau đó là liên tiếp các giấy “gọi nhập học” từ các trường TC, CĐ, thậm chí tận miền Nam cũng gửi ra. 
“Có giấy báo trúng tuyển, nhân viên bưu điện không mang đến nhà mà gia đình được thông báo ra bưu điện trung tâm để nhận. Em và gia đình đã sẵn dự định cho NV 2. Tuy nhiên, khi những giấy báo của các trường CĐ, TC cứ “tới tấp” gửi về khiến tâm trạng em như bấn loạn lên, không tập trung để suy nghĩ được…” – Hồng cho biết. Cũng như Hồng, không ít gia đình TS không trúng tuyển NV 1, thời điểm này phải bất đắc dĩ đón tiếp những “vị khách” hết sức khó chịu: “Giấy báo trúng tuyển” từ các trường CĐ, TC, ở khắp mọi miền đất nước gửi về.
Đang đi thi đã bị… ‘‘gọi nhập học”
Có một thực tế đã xảy ra từ đầu tháng 7 – 2012, khi còn đang “toát mồ hôi” với các môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, nhiều thí sinh đã nhận được giấy báo “trúng tuyển” của một số trường. Có thể nói đây là những giấy báo trúng tuyển khống, chỉ cần thí sinh điền tên vào có thể đến nhập học.
Một số thí sinh ngay khi đi thi ĐH đã nhận được giấy báo tập trung của Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà do hiệu trưởng ký và đóng dấu đỏ. Nội dung giấy báo này nêu rõ: “Anh/chị… đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào bậc CĐ chính quy… Vậy nhà trường thông báo để anh chị được biết có mặt kịp thời để nộp hồ sơ và làm thủ tục nhập học”. Thời gian nộp hồ sơ nhập học được thông báo từ 20-8 đến 20-9 đối với đợt 1 và từ 23-9 đến 23-10 đối với đợt 2. 
Nhiều TS và phụ huynh phàn nàn, trước khi bước vào phòng thi việc phải tiếp nhận những thông tin như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý TS, dễ khiến họ nảy sinh chủ quan, hoặc có những đánh giá không đúng về kì thi.  
Vi phạm những quy định đào tạo
Ngoài những giấy báo kiểu như trên, nhiều TS còn nhận được các thông báo tuyển sinh với hình thức xét tuyển vào ĐH rất dễ dãi. Đơn cử là thông báo tuyển sinh của trường ĐH Công nghệ Đông Á. Theo thông báo của trường (do hiệu trưởng ký và đóng dấu), đối tượng xét tuyển là những TS đã tốt nghiệp THPT và bổ túc. Hình thức xét tuyển căn cứ vào học bạ: Đối với ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng xét tuyển 2 môn (Toán, Văn) có điểm trung bình từ 5,0 trở lên và không có môn nào dưới 6.0; Đối với ngành Công nghệ thông tin, Xây dựng xét tuyển 2 môn (Toán, Lý) có điểm trung bình từ 6,0 trở lên. 
Mặt khác thông báo cũng thể hiện ĐH Công nghệ Đông Á và trường TC Kinh tế kỹ thuật Thăng Long phối hợp tuyển sinh hệ đào tạo “ĐH chính quy chuyển tiếp”. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đào tạo 2 năm chương trình TCCN. Giai đoạn 2, đào tạo 3 năm với hình thức chính quy và được cấp bằng chính quy của trường ĐH Công nghệ Đông Á. Đối tượng tuyển sinh của chương trình này là học sinh tốt nghiệp PTTH và bổ túc. Có thể thấy nội dung thông báo trên đã vi phạm các quy định về đào tạo liên thông. Theo quy định, muốn học liên thông, ít nhất người học cũng phải hoàn thành một chương trình của TC hoặc CĐ. Sau đó có học lực khá giỏi mới được thi liên thông lên ĐH. Nếu học lực trung bình thì phải có thời gian đi làm một năm mới được dự thi. 
Trong vai một TS xin học chương trình liên thông “ĐH chính quy chuyển tiếp”, của ĐH Công nghệ Đông Á, PV báo PL&XH được tư vấn học 2 ngành mới mở: Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Xây dựng công trình giao thông. Hiện lớp học đã mở và trường đang tuyển sinh bổ sung NV 2. Khi PV bày tỏ lo ngại mình mới tốt nghiệp THPT và vừa tham dự kỳ thi tuyển sinh 2012, sẽ không thuộc đối tượng của chương trình này, theo quy định của Bộ GD&ĐT, người đại diện tuyển sinh tại đây trấn an: “Không cần, em cứ nộp giấy báo điểm cho trường là được vào học”, đồng thời không quên dặn dò “thí sinh” nên nộp hồ sơ sớm.  Việc này cho thấy, dường như sự quản lý đào tạo liên thông thời gian qua khá lỏng lẻo nên vô tình đã “tạo điều kiện” cho phép TS không đủ năng lực vẫn được học ĐH, CĐ.
Trao đổi với PV báo PL&XH, nhiều phụ huynh có con em tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho rằng, những trường có “chiêu” gửi giấy báo trúng tuyển phần lớn là những trường kém sức hấp dẫn, nhu cầu của người học không cao. Vì vậy, với việc sử dụng hình thức gửi giấy báo trúng tuyển tới TS, theo nhiều phụ huynh đánh giá, đây là cách làm vừa tốn kém về kinh phí để in ấn, giấy tờ, cước bưu điện, lại vừa làm phiền người khác. 
Bộ GD&ĐT cần có những hành động cụ thể để chấn chỉnh tình trạng hiện nay: không ít trường CĐ, ĐH đang bày đủ “chiêu trò” lách luật, phớt lờ quy định để lôi kéo TS.