Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa: Hiệu Phó ĐH Ngoại thương không nên nói bừa

06/06/2012 13:41
Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Minh Quang
(GDVN) - Thầy là phó hiệu trưởng, đứng dưới một người mà trên vạn người thì thầy cũng phải hiểu phát ngôn của thầy rất đáng được tiếp nhận. Vì vậy, thầy nói trước thì cũng phải nghĩ sau chứ sao lại có thể cứ nói... bừa như thế được. Thật là đáng buồn cho một ngôi trường danh giá.
Thời gian vừa qua, một clip ngắn do Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội "dè bỉu" SV ĐH Bách Khoa được tung lên mạng, đã gây sóng gió trong cộng đồng sinh viên ĐH Ngoại thương và sinh viên ĐH Bách Khoa. Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được thư của bạn Minh Quang, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa nói lên những nhận định của riêng mình.

Là một cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, tôi hoàn toàn phản đối thái độ và lời giảng của Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương khi nói về cách học luật trong Trường ĐH Bách Khoa. Ngay từ khi học năm thứ nhất chúng tôi đã được học môn Pháp luật Đại cương. Tôi nghĩ rằng, bằng đầu óc thông minh vốn có, sinh viên ĐH Bách Khoa có thể học luật một cách dễ dàng. Và hơn hết, sinh viên ĐH Bách Khoa hiểu tầm quan trọng của luật cũng như cách học luật như thế nào là vừa đủ và hữu ích. Bằng chứng là tôi và bạn bè sau khi ra trường đều có những công việc đáng được mơ ước.

Tôi không thể phủ nhận Ngoại Thương là một trường đại học lớn, sinh viên Ngoại Thương hầu hết đều là những sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên không phải vì thế mà từ lãnh đạo nhà trường đến sinh viên có thể “tâng bốc” trường mình bằng cách “dề bỉu” trường khác như thế. Tôi hoàn toàn phản đối bài giảng của thầy phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương dè bửu sinh viên Bách Khoa.

Với cương vị là Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương, thầy không nên có những lời lẽ cảm tính và coi thường người khác như vậy. Bởi ĐH Bách Khoa đã là ngôi trường về khoa học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam. 

Đoạn clip dài 2 phút 04 giây có nội dung nói đến việc học môn Luật tại các trường đại học hiện nay của Việt Nam, và đã có nhắc cụ thể rằng Đại học Bách Khoa “không biết luật là gì”. Cụ thể, hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương nói như sau “Thậm chí một số trường không biết pháp luật đại cương là gì. Ví dụ như các sinh viên tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa, đó là điều ngạc nhiên. Trên thế giới, tất cả các trường ĐH đều học luật, riêng trường ĐH Bách khoa lại không biết luật là gì. Đấy là một trong những nguyên nhân lí giải tại sao Bách khoa đã nghiên cứu rất nhiều công trình nhưng không thương mại hóa được, không thực hiện được giá trị thương mại của các sản phẩm vì không biết luật, không biết luật thì làm sao chuyển nhượng cái nọ, chuyển nhượng cái kia được”

Ảnh chụp từ clip giờ giảng bài của Hiệu phó trường Ngoại thương.
Ảnh chụp từ clip giờ giảng bài của Hiệu phó trường Ngoại thương.

Thêm nữa, trong lời giảng, thầy kể lại câu chuyện cách đây 10 năm trong một hội nghị đào tạo luật ở các trường Đại học để chê bai và hạ thấp ĐH Bách Khoa. Thế nhưng, thầy đưa cái từ 10 năm trước vào mà áp dụng đến thời điểm hiện tại thì thật vô lý. Theo thời gian. mọi sự vật không ngừng biến đổi nữa là 10 năm đã trôi qua mà thầy vẫn nhìn nhận bằng con mắt đấy. Phải chăng ý kiến của thầy rất chủ quan, xuất phát từ việc: "Con gà tức nhau tiếng gáy".

Theo như thầy nói trong video thì có vẻ như sinh viên Bách Khoa không có nổi “tư duy tối thiểu” trong cuộc sống như sinh viên Ngoại thương? Có lẽ thầy đã quá ngạo mạn, bởi sinh viên Ngoại thương chưa chắc đã vượt trội so với các trường khác. Trong cuộc thi tuyển và nhận học bổng hàng năm của Hiệp Hội Thương Mại Mỹ (American Chamber of Commerce) những năm gần đây, số lượng sinh viên Ngoại thương chiến thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi phần lớn giải thưởng lại thuộc về sinh viên ĐH Bách Khoa, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là một cuộc thi khá toàn diện, khi đã kiểm tra được khả năng tiếng Anh, chỉ số IQ, EQ cũng như nhiều kỹ năng thực tế khác. 

Sinh viên Bách Khoa là dân kỹ thuật, nhưng không ít người khi học xong vẫn có thể trở thành người làm kinh tế tài giỏi, thế nhưng sinh viên Ngoại thương thử làm kỹ thuật xem nào.

Tôi nghĩ rằng bài giảng của thầy Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương chẳng khác nào là bài "ru ngủ" sinh viên trường đó trong sự kiêu hãnh và coi thường các “đối thủ'’ khác. Tôi nhận thấy rằng từ lãnh đạo đến sinh viên Ngoại thương đều có một niềm tự hào kiểu như vậy. Mới cách đây không lâu, độc giả còn bức xúc về vụ việc sinh viên Ngoại thương từ chối làm việc với mức lương dưới 1000 USD thì bây giờ Phó hiệu trưởng nhà trường lại có những phát ngôn gây sốc. Phải chăng trường ĐH Ngoại thương muốn được nổi tiến bằng sự kiêu hãnh?
 
Thầy Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngọai thương chỉ lấy ví dụ những cá nhân mà đánh giá cả Trường ĐH Bách Khoa như thế thì tôi cũng đến...“bó tay”. Nếu như vậy thì tôi cũng có cách đánh giá như thế này, sinh viên ĐH Ngoại thương chăm học luật, coi thường người khác mà không biết nghĩ đến câu chuyện Nguyễn Đức Nghĩa cũng đã từng là sinh viên trong trường hay sao? Anh ta phải hiểu luật như thế nào thì mới có thể giết người một cách man rợ, vô nhân tính như vậy chứ? 

Là Hiệu phó, đứng dưới một người mà trên vạn người thì thầy cũng phải hiểu phát ngôn của thầy rất đáng được tiếp nhận. Vì vậy, thầy nói trước thì cũng phải nghĩ sau chứ sao lại có thể cứ nói... bừa như thế được. Thật là đáng buồn cho một ngôi trường danh giá.

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa: Hiệu Phó ĐH Ngoại thương không nên nói bừa ảnh 2
Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Minh Quang