Đà Nẵng giảm một nửa lớp VNEN, vẫn phân vân chưa biết nên tiếp tục hay dừng

28/12/2017 06:39
Tấn Tài
(GDVN) - Hiệu trưởng nhà trường cũng băn khoăn, lo lắng không biết nên dừng hay tiếp tục khi hầu hết các trường trên địa bàn đã bỏ VNEN.

LTS: Từ chỗ có hơn 20 trường thực hiện mô hình trường học mới VNEN, đến nay Đà Nẵng chỉ còn 10 trường tiểu học thực hiện mô hình này.

Qúa trình thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực thì VNEN cũng đang khiến nhiều trường băn khoăn, liệu có nên tiếp tục hay dừng mô hình này bởi những mặt hạn chế của nó.

“Nếu phòng giáo dục có chỉ đạo dừng VNEN vào năm học tới thì trường sẽ dừng nhưng sẽ vận dụng phương pháp dạy học hay của mô hình này vào chương trình hiện hành”.

Đó là khẳng định của cô Lương Mỹ Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bạch Đằng, trường tiểu học duy nhất của quận Hải Châu (Đà Nẵng) còn giữ lại mô hình VNEN.

Băn khoăn nên dừng hay tiếp tục

Trường tiểu học Bạch Đằng là một trong những trường đầu tiên của quận Hải Châu “xung phong” đăng ký dạy học theo mô hình VNEN từ năm học 2014-2015.

Một nhóm học theo mô hình VNEN tại trường tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT
Một nhóm học theo mô hình VNEN tại trường tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT

Theo đánh giá thì trường có lợi thế là sĩ số học sinh ít, chỉ khoảng 30-33 học sinh/lớp, cơ sở vật chất khá hoàn thiện. Hiện toàn trường có 13 lớp (thuộc các khối 2, 3, 4) đang học VNEN.

Đánh giá về chất lượng của mô hình này, cô Huệ nói, trong năm đầu tiên thực hiện mô hình này (2014-2015) thì giáo viên còn rập khuôn theo tài liệu nên chất lượng học sinh giảm sút.

Đà Nẵng giảm một nửa lớp VNEN, vẫn phân vân chưa biết nên tiếp tục hay dừng ảnh 2Vì sao giáo viên không chấp nhận VNEN, tiếng nói người trong cuộc

“Thời điểm này, giáo viên chưa có kinh nghiệm, việc đầu tư cho bài giảng không nhiều nên chất lượng học sinh học VNEN kém hơn học sinh học chương trình hiện hành.

Nhưng các năm về sau, giáo viên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn, vận dụng linh hoạt bài giảng trong sách VNEN chứ không rập khuôn 10 bước như trước đây”.

Cô Huệ nói thêm, mô hình VNEN khiến giáo viên rất vất vả. Nếu giáo viên cứ áp dụng dạy theo quy trình bước 1, bước 2… thì sẽ bê bết hết.

Nên thầy cô phải có sự đầu tư nghiên cứu để có thể điều hành các hoạt động học tập của học sinh một cách tốt nhất”.

Nếu so sánh học sinh học VNEN và học sinh học chương trình hiện hành (trong cùng một trường) thì chuẩn kiến thức như nhau nhưng học sinh VNEN linh hoạt, năng động và tự tin hơn – cô Huệ cho hay.

Theo tìm hiểu, một số phụ huynh lo sợ con em không theo kịp kiến thức chung nên ngoài sách VNEN thì còn mua thêm một bộ sách giáo khoa để theo dõi, “kèm cặp thêm”.

Phụ huynh HTN. (có con học lớp 3 mô hình VNEN) chia sẻ: “Nhiều tỉnh thành khác đã dừng VNEN vì nhiều hạn chế của mô hình này. Gia đình lo cháu không tiếp thu được các kiến thức cơ bản nên phải mua thêm mộ bộ sách giáo khoa nữa để theo dõi, kèm cặp thêm”.

Cô Huệ cho biết, phụ huynh lo lắng nên mới phải tốn tiền mua thêm sách giáo khoa hiện hành còn thực tế các kiến thức, bài học trong sách VNEN cũng tương tự, chỉ khác ở đây là cách viết, cách trình bày.

Trong khi xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều về VNEN, trong đó nhiều địa phương đã đề nghỉ bỏ hẳn mô hình này bởi nó chỉ có thể đào tạo ra “những công nhân hái cà phê” thì nhà trường cũng đứng trước nhiều băn khoăn, lo lắng.

Cô hiệu trưởng cũng chỉ ra những khó khăn khi học theo mô hình là học sinh phải đăng ký sách VNEN từ đầu năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành. Những trường hợp chuyển đến trường vào giữa năm học sẽ không có sách học.

“Ngày trước, khi trên địa bàn quận có 4 trường dạy VNEN như: Phù Đổng, Phan Thanh… thì phòng giáo dục thường tổ chức trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn về mô hình này.

Nhưng giờ chỉ còn mỗi trường Bạch Đằng triển khai nên tôi cũng rất lo lắng”, cô Huệ chia sẻ.

Lo “đầu ra” cho học sinh VNEN

Cùng chung tâm trạng của cô Huệ, nhiều phụ huynh cũng lo lắng khi theo học VNEN thì lên bậc trung học cơ sở sẽ không có “đầu ra” cho học sinh.

Cụ thể, khi hoàn thành bậc tiểu học, lên lớp 6 thì trên các em sẽ không có trường trung học cơ sở nào trên địa bàn quận Hải Châu dạy VNEN.

Đà Nẵng giảm một nửa lớp VNEN, vẫn phân vân chưa biết nên tiếp tục hay dừng ảnh 3VNEN và sự vô cảm với thày cô

Để giải tỏa cho nỗi lo của phụ huynh có con em học VNEN ở bậc tiểu học, phòng giáo dục cũng đã chỉ đạo các lớp học dần dần chuyển đổi phương pháp, trở về phương pháp giảng dạy cũ.

Mục đích là để khi vào học lớp 6 thì các em có thể tiếp thu bài học một cách hiệu quả, không bị bỡ ngỡ.

Về những lo lắng của phụ huynh của một số trường đang thực hiện VNEN nhưng khi chuyển cấp sẽ không học theo mô hình đó nữa khiến con em họ bị ảnh hưởng, bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng tiểu học (sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng) cho biết:

Việc học sinh đang học VNEN khi chuyển sang chương trình học đại trà thì vẫn bình thường, không có ảnh hưởng gì.

Bởi dù học theo VNEN thì học sinh cũng đã được trang bị những kiến thức kỹ năng căn bản, cần thiết cho tầng bậc học, chỉ khác ở phương pháp truyền thụ, tiếp nhận lượng kiến thức đó.

“Nếu ở bậc tiểu học học theo VNEN khi lên cấp trung học cơ sở mà không học được là một sự lãng phí cho các em chứ không ảnh hưởng đến chất lượng kiến thức học sinh.

Những phương pháp mà các em đã học ở tiểu học sẽ được vận dụng ở bậc trung học cơ sở như: phương pháp tự học, học theo nhóm… Nó chỉ khác ở tài liệu học tập”, cô Bình cho hay.

Còn cô Huệ khẳng định: “Nếu phòng giáo dục có chỉ đạo dừng VNEN vào năm học tới thì trường sẽ dừng nhưng sẽ vận dụng phương pháp dạy học hay của mô hình này vào chương trình hiện hành”.

Tấn Tài