Đã bao lâu chúng ta không đến thăm nhà học sinh?

10/12/2018 09:02
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều năm trở lại đây, chuyện thầy cô đến vãng gia nhà học sinh chỉ còn trong kí ức. Phần vì cần gì đã có điện thoại, phần vì có muốn đi cũng chẳng thể.

LTS: Cho rằng, thói quen vãng gia nhà học sinh của mình vào đầu năm học hay những khi cần của một số thầy cô giáo hiện nay đã không còn.

Qua đó, nhà giáo Phan Tuyết đưa ra bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một người bạn của tôi sống bên Nhật kể lại rằng, vào đầu năm khi nhận lớp chủ nhiệm các thầy cô giáo bên này đều đi thăm nhà tất cả học sinh  của lớp mình.

Cuộc thăm hỏi được báo trước để gia đình chủ động sắp xếp. Thế nên mỗi khi thầy cô đến đều gặp đông đủ các thành viên trong nhà.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy, giáo viên sẽ lắng nghe gia đình nói chuyện về học sinh và chính những mong ước của các em với thầy cô giáo.

Thầy cô cũng kể cho gia đình các em nghe những biểu hiện ở trường của học sinh trên tinh thần quan tâm và đầy yêu thương.

Giáo viên tới nhà thăm học sinh, phụ huynh (Ảnh minh họa: taogiaoduc.vn).
Giáo viên tới nhà thăm học sinh, phụ huynh (Ảnh minh họa: taogiaoduc.vn).

Có lẽ vì điều này mà việc giáo dục học sinh giữa nhà trường với gia đình hiệu quả hơn. Tình cảm của giáo viên với phụ huynh cũng thân thiện, bền chặt hơn nhiều.

Nghe chuyện bạn, nghĩ chuyện mình mà cảm thấy buồn vì các thầy cô giáo chúng ta chưa làm được những chuyện như thế.

Trong nhiệm vụ công tác chủ nhiệm của giáo viên vẫn có từ “vãng gia” nhưng vì nhiều lý do hình như chúng ta đã quên mất từ đó?   

Trước đây công tác vãng gia cũng là nhiệm vụ

Cách đây hơn 30 năm khi còn là học sinh cấp 3, tôi đã có vinh dự cùng cô giáo chủ nhiệm đến thăm nhà 40 bạn trong lớp.

Tôi nhớ mãi câu nói của cô “làm chủ nhiệm phải hiểu rõ hoàn cảnh của từng học sinh mới giúp cho việc dạy và giáo dục các em tốt được”.

Ngày ấy làm gì có điện thoại, cũng chẳng có xe máy, chỉ bằng chiếc xe đạp tàng tàng, cọc cạch nhưng tôi và cô đã đến thăm từng nhà các bạn trong lớp.

Mấy năm sau, khi tôi mới ra trường được phân công giảng dạy tại một vùng ven biển. Tôi và nhiều thầy cô giáo đồng nghiệp vẫn giữ thói quen vãng gia nhà học sinh của mình vào đầu năm học và những khi cần.

Đã bao lâu chúng ta không đến thăm nhà học sinh? ảnh 2Những người thầy vượt khó, gắn bó với học sinh vùng sâu

Có đến tận nơi mới biết và hiểu hoàn cảnh sống của từng em để có sự thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ các em khi cần thiết.

Có em gia đình kinh tế vô cùng cơ cực nhưng lại chẳng bao giờ nghe các em nói về điều ấy. Em thì sống thiếu tình yêu của cha, có em mất mẹ từ nhỏ, em sống trong gia đình cha mẹ đều bị bệnh đau ốm quanh năm. Có em gia đình khá giả lại được nuông chiều từ bé…

Biết và hiểu rõ càng thấy thương các em nhiều hơn mỗi khi các em vi phạm điều gì đó.

Điều làm chúng tôi vui nhất, cha mẹ học sinh mỗi khi thấy chúng tôi đến nhà họ rất vui mừng và đón tiếp vô cùng chân tình.

Chúng tôi nhớ nhất những lần được phụ huynh mời uống nước dừa, ăn khoai lang, khoai mì luộc…(toàn là thứ cây nhà lá vườn).

Khi về, nhiều phụ huynh còn bắt đèo thêm mấy trái dừa dù từ chối vẫn không thể được với lý do “thầy cô về uống cho mát”. Hay kí me chua “thầy cô về nấu canh chua ngon lắm”…

Được phụ huynh, học sinh yêu quý, thầy cô vì thế cũng hết lòng hơn với học sinh của mình. Mối quan hệ khăng khít ấy đã giúp cho môi trường giáo dục của chúng tôi khi ấy khá thoải mái và bình yên.

Từ vãng gia đã không còn trong từ điển

Nhiều năm trở lại đây, chuyện thầy cô đến vãng gia nhà học sinh chỉ còn trong kí ức. Phần vì cần gì đã có điện thoại chuyển thông tin, phần vì có muốn đi cũng chẳng thể vì giáo viên hiện nay không có một chút thời gian rảnh nào cả.

Ngoài hai buổi đến trường, ngày thứ bảy cũng họp và dự giờ kín lịch, tối về còn phải biết bao hồ sơ sổ sách.

Đã bao lâu chúng ta không đến thăm nhà học sinh? ảnh 3Ai đang gây áp lực lên giáo viên?

Nếu có rảnh chút nào cũng “ba chân bốn cẳng” lo làm thêm nghề tay trái để kiếm tiền nuôi con vì đồng lương quá eo hẹp.

Công việc điều tra lý lịch học sinh vẫn còn nhưng hoặc là thầy cô hỏi học sinh trong lớp, hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp trên hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp dưới.

Có không ít học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng chẳng bao giờ thổ lộ. Ngược lại có em gia đình không đến nỗi nào nhưng trình bày bi đát lắm. Thế nên lấy thông tin từ học sinh chẳng mấy phần chính xác.

Nếu gặp thầy cô lớp dưới điều tra kĩ còn đỡ, gặp thầy cô làm qua loa thì việc nắm hoàn cảnh từng học sinh cũng khá mơ hồ.

Thế mới có chuyện em thật sự khó khăn lại chẳng bao giờ được nhận sự giúp đỡ của nhà trường. Em gia đình khá hơn lại thường xuyên nhận trợ cấp.

Hay như việc có em có cha mẹ nhưng cả năm không hề gặp một lần. Thiếu sự chăm sóc, chăm nom, em học yếu và thường xuyên đi trễ…nhưng không nhận được sự cảm thông từ thầy cô…

Không vãng gia, cả năm có khi thầy cô không có dịp gặp mặt phụ huynh lần nào ngoài những lần gọi điện để “tố tội” học trò.

Có lẽ vì thế mà khoảng cách giữa giáo viên với phụ huynh ngày càng xa, càng nhạt nhòa nên dễ thiếu sự đồng cảm và sinh ra xoi mói, xét nét... dẫn đến chỉ một sự hiểu lầm nhỏ cũng đủ bùng lên thành một ngọn lửa lớn.

Phan Tuyết