Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ thêm về kết quả lấy ý kiến Luật Giáo dục

21/02/2019 16:29
Đỗ Thơm
(GDVN) - Về việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa, Chính phủ lấy ý kiến đạt 99,5%”...

Ngày 21/2, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục.

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu một số ý kiến về dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội băn khoăn là tất cả vấn đề lấy ý kiến Nhân dân đều tỷ lệ rất cao.

Vậy có phải việc lựa chọn vấn đề có trúng và đúng không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quochoi.vn

Bởi vì đã lấy ý kiến tức là phải đang gây tranh cãi 60-40 mới phải đem lấy ý kiến.

Vậy đối tượng, phương pháp lấy đã bao quát tổng hợp tất cả tầng lớp ý kiến Nhân dân chưa?"

Đi vào các vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu băn khoăn về hai nhóm vấn đề.

Liên quan đến chương trình sách giáo khoa, việc luật hóa Nghị quyết 88 của Quốc hội. Báo cáo nêu đã có 10 hội nghị, hội thảo, tọa đàm của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phân tích, chủ yếu lấy ý kiến từ các trường đại học. Khối phổ thông lấy từ trường Hà Nội Amsterdam và Trường Phổ thông dân tộc nội trú nhưng tổ chức tọa đàm ở trường Đại học Thái Nguyên.

Các ý kiến trích dẫn đều là của các giáo sư giảng dạy ở các trường đại học.

"Tôi băn khoăn là ở đại học không có sách giáo khoa. Ở đại học chỉ có giáo trình và sách giáo khoa chủ yếu ở phổ thông, cấp 1, 2, 3.

Đối tượng dùng sách giáo khoa là học sinh, đối tượng mua là phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa cho con em mình.

Có thể một tọa đàm, chúng ta lồng ghép nhiều nội dung thì đối tượng lấy ý kiến về sách giáo khoa chưa được bao quát".

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cung cấp một số liệu cũng liên quan đến giao quyền lựa chọn sách giáo khoa. Có sự chênh lệch kết quả giữa các đơn vị tổ chức lấy ý kiến

"Việc này liên quan đến đối tượng lấy ý kiến, nó có thể ảnh hưởng đến kết quả", đại biểu Thanh Hải nói.

Với phân tích ở đây liên quan đến sách giáo khoa cụ thể Nghị quyết 88 của Quốc hội, dứt khoát chúng ta phải làm nhưng cần thận trọng. Đặc biệt cấp tiểu học, lớp 1, lớp 2, lớp 3.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi trường một sách giáo khoa, với tiểu học cần hết sức thận trọng.

“Bản thân tôi là phụ huynh của học sinh trường Hà Nội Amsterdam nhưng khi trường có tổ chức tọa đàm, thành phần có đại diện là cha mẹ học sinh.

Nhưng tôi là cha mẹ học sinh cũng không biết lấy ý kiến hôm nào?”, vị Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh bà vui mừng với kết quả lấy ý kiến Nhân dân của Chính phủ có tỷ lệ đồng thuận rất cao.

"Nếu cao thực thì các bàn luận trước đây của Quốc hội được ý kiến đóng góp của người dân sẽ được sự ủng hộ của người dân", đại biểu Hải nhấn mạnh.

Đỗ Thơm