Đại biểu Quốc hội lên án hành vi cắt, xén tiền bán trú của học sinh

16/09/2018 06:54
THANH MINH
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: "Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý hình sự".

Không được dùng tiền bán trú của học sinh sai mục đích

Nêu quan điểm về vụ việc "Học sinh xã đặc biệt khó khăn bị bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền bán trú", hôm 15/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Sỹ Kiệm, Phó phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, đây là hành vi không đúng quy định pháp luật.

“Tiền bán trú là khoản kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo... nhằm hỗ trợ, giúp các em vơi bớt khó khăn trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

Do đó, khoản tiền này phải được sử dụng đúng mục đích, không được cắt xén của học sinh dù là một đồng. Trong trường hợp này, nhà trường không thể đưa ra lý do khác để bao biện cho hành vi có dấu hiệu vi phạm của mình”, ông Kiệm nêu quan điểm.

Trường trung học cơ sở Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa. Ảnh của Thanh Minh.
Trường trung học cơ sở Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa. Ảnh của Thanh Minh.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội bình luận thêm: "Nếu có chuyện cắt, xén tiền bán trú của học sinh nghèo thì đó là hành vi không thể chấp nhận được.

Nhà nước dùng tiền ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân mà trong trường hợp này là hỗ trợ tiền bán trú cho học sinh, thì đơn vị có trách nhiệm phải tôn trọng luật pháp, thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Cuộc sống người dân và học sinh vùng đặc biệt khó khăn là rất vất vả. Do đó, nếu trường đã cắt, xén tiền bán trú của học sinh thì phải trả lại cho học sinh. Còn việc xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất là việc khác.

Không thể lấy cái cớ tu bổ, xây dựng cơ sở vật chất để cắt xén, hoặc xin 25% tiền bán trú của học sinh được", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Vị Tiến sĩ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan tới vụ việc này để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Có thể xử lý hình sự?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân trong trường hợp nêu trên. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý hình sự.

Vị Đại biểu Quốc hội phân tích: "Thời gian qua, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình an sinh xã hội.

Do đó, những khoản tiền trợ cấp lấy từ ngân sách để hỗ trợ người dân nói chung, học sinh vùng đặc biệt khó khăn nói riêng thì phải chi trả đúng, đến từng đối tượng cụ thể, không được thiếu một đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, dùng nhiều cách để trục lợi. Đó là hành vi không thể nào chấp nhận được. Cho nên, trong vụ việc này, cơ quan thanh tra giáo dục, thanh tra nhà nước của cấp có thẩm quyền cần vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm, trả lời với công luận vụ việc trên.

Nếu vụ việc có dấu hiệu vi hình sự thì xử lý hình sự để làm gương, tạo sức răn đe đối với những người có ý định thực hiện hành vi vi phạm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Ảnh của quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Ảnh của quochoi.vn.

Việc xử lý vi phạm triệt để cũng là cách để người dân vùng đặc biệt khó khăn thấy rằng, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với bà con vùng dân tộc là nhân văn, đồng thời để họ phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống và cố gắng vì lợi ích chung", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định. 

Trước đó, từ năm học 2013-2014 đến năm học 2016-2017, trường trung học cơ sở Thành Mỹ đã “xin” lại khoảng 25% tiền bán trú của những học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.

Đại biểu Quốc hội lên án hành vi cắt, xén tiền bán trú của học sinh ảnh 3

Học sinh xã đặc biệt khó khăn bị bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền bán trú

Cũng theo tài liệu có được, từ năm 2013 đến nay, nhà trường đã thu theo kiểu cắt, xén của học sinh thuộc diện hưởng trợ cấp tới hơn 270 triệu đồng...

Khoản tiền này do nhà trường đưa ra chủ trương thu, mà theo lý giải của ông Đinh Văn Cẩm, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Thành Mỹ: "Khoản thu này để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trong trường".

Lý giải trên của ông Cẩm được cho là bất hợp lý, bởi lẽ, tại điểm C, Điều 9, quy trình lập dự toán, phân bổ, quyết toán và hỗ trợ kinh phí, Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn, đặc biệt khó khăn quy định rõ: “Các đơn vị được giao kinh phí thực hiện chính sách cho học sinh có trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí đúng Mục đích, theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước”.

Như vậy hành vi trường trung học cơ sở Thành Mỹ cắt xén tiền bán trú của học sinh để sử dụng vào mục đích khác là trái quy định nêu trên.

THANH MINH