Đại biểu Quốc hội nêu phương án chấm dứt tình trạng sa thải giáo viên

24/08/2018 06:58
Thùy Linh
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ về câu hỏi chất vấn về việc nhiều địa phương sa thải hàng trăm giáo viên hợp đồng, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng cho rằng:

Câu trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra phần trách nhiệm của Bộ này. 

“Nhưng tôi mong muốn xã hội quan tâm hơn tới ngành giáo dục, làm sao để giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông và có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện để trên cơ sở đó địa phương triển khai", Đại biểu Thúy nhấn mạnh. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, chiều ngày 23/8/2018, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đăng tải văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nhiều địa phương sa thải hàng trăm giáo viên hợp đồng.

Theo đó, nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy như sau:

Thời gian qua dư luận rất bất bình về việc nhiều địa phương sa thải hàng trăm giáo viên hợp đồng. Việc này có 2 khả năng:

Một là, có thể số giáo viên đã tuyển đều không đạt chất lượng;

Hai là, việc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng không được thực hiện đúng quy định, làm cho giáo viên không yên tâm phục vụ. Cả hai khả năng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông và mầm non.

Tôi hiểu việc này chủ yếu thuộc trách nhiệm của địa phương, nhưng để tình trạng này lặp đi, lặp lại, kéo dài ở nhiều địa phương thì có trách nhiệm của Bộ trưởng không khi đến nay chưa ban hành chuẩn giáo viên. 

Với cương vị người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục ở Trung ương, Bộ trưởng có giải pháp gì để chấm dứt hiện tượng mà tôi cho là có nhiều tiêu cực bên trọng này?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nội dung trả lời chất vấn như sau:

Hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện việc tinh giản biên chế và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương đã tiến hành rà soat, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên các cấp học. 

Theo đó, một số địa phương đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhiều giáo viên, gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội.

Đại biểu Quốc hội nêu phương án chấm dứt tình trạng sa thải giáo viên ảnh 2Thu nhập của 434 giáo viên Thanh Oai là không thể tưởng tượng nổi

Nguyên nhân của vấn đề này không phải do các giáo viên hợp đồng bị sa thải không đạt chất lượng mà do:

Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên của các địa phương chưa kịp thời, không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên, đặc biệt đối với bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Một số địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng giáo viên không đúng các quy định hiện hành (hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao). 

Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp và liên quan như ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và Ủy ban nhân dân tỉnh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên của các đơn vị cấp dưới dẫn đến sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của địa phương còn nhiều bất cập. Ngành Giáo dục (đặc biệt là phòng giáo dục và đào tạo) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, cụ thể:

Chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Hiện nay, Bộ đã hoàn thành Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông.

Đại biểu Quốc hội nêu phương án chấm dứt tình trạng sa thải giáo viên ảnh 3Cô thầy đâu phải món hàng, cũng chẳng phải quả bóng

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các quy định pháp luật về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên mầm non, phổ thông, đặc biệt là những “điểm nóng” về chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên trong thời gian qua như báo chí đã nêu;

Xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng giáo viên không đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Thùy Linh