Đại học FPT cho thí sinh phân tích về... "cái màng trinh"

09/04/2012 14:35
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Đề thi có đoạn: Ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan hệ...
Đề thi bàn về chuyện...“trinh tiết”

Năm 2012, Đại học FPT tổ chức thi tuyển tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hai khối ngành Kỹ thuật và Kinh tế. Đề thi bao gồm trắc nghiệm toán, tư duy logic (tiếng Việt) 120 phút và đề thi viết luận (tiếng Việt) trong 60 phút theo yêu cầu cho trước. 

Các kỳ thi những năm trước, đề thi viết luận của Đại học FPT luôn là dạng “mở”, xoay quanh các vấn đề gần gũi, được học sinh quan tâm như: Hạnh phúc, thay đổi thế giới, tình bạn...

Đề thi “mở” không những làm cho thí sinh có hứng thú, sáng tạo trong khi làm bài mà còn là biện pháp nâng cao tính suy luận, sáng tạo góp phần giảm thiểu hiện tượng tiêu cực tràn lan trong thi cử hiện nay, tạo sự công bằng và là môi trường nuôi dưỡng, phát hiện nhân tài. 

Tiếp tục tinh thần đó, trong kỳ thi ngày 8/4/2012 của Trường Đại học FPT, đề bài môn viết luận như sau:
“Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong "Truyện Kiều":

"Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh"
Nhưng chính ông lại cũng viết
"Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu"
Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đỗ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân.
Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không?
Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng những ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống.”
Đề thi môn viết luận trong kỳ thi thuyển sinh Đại học FPT ngày 8/4/2012.
Đề thi môn viết luận trong kỳ thi thuyển sinh Đại học FPT ngày  8/4/2012.

Đề thi "lạ" nhưng có "hay"?

Đây là cách ra đề thi “táo bạo” của Trường Đại học FPT, thế nhưng nó có thực sự hay và phù hợp?

Mở đầu đề thi đưa ra hai quan niệm của Đại thi hào Nguyễn Du trước khi nêu vấn đề cho thí sinh. Đây là điều kiện giúp thí sinh so sánh cùng một vấn đề giữa các thời đại bằng cách đem quan điểm hiện đại vào trong văn thơ Trung đại, quan niệm người Á Đông để bình luận. Tuy nhiên, đây là hai điểm nhìn khác nhau nên không thể cho một kết quả chung. Vì vậy, học sinh sẽ rất khó để có thể xác định đúng trọng tâm vấn đề cần trình bày và thể hiện nó một cách rõ ràng, minh bạch, logic, có chủ kiến, có sức thuyết phục.

Hơn nữa, đề thi sử dụng những từ ngữ mang tính chất nhạy cảm như: “mất trinh”, “cái màng trinh”, “giữ gìn trinh tiết”, “tình dục trước hôn nhân” liệu có phù hợp trong một kỳ thi tuyến sinh Đại học? Cũng với đề tài này, nhiều ý kiến cho rằng, ra đề thi nên khéo léo hơn trong cách lựa chọn ngôn từ, dẫn dắt vấn đề.

Dẫu biết rằng ngày nay, hầu như ở tất cả các nước văn minh, “cái màng trinh” không còn quá quan trọng. Theo thống kê có khoảng 30% cô gái chưa quan hệ tình dục bao giờ cũng có thể rách màng trinh do hoạt động quá mạnh, ngã hoặc tập thể dục thể thao. Đây là một vấn đề không mới nhưng có phải bất cứ em học sinh nào còn ngồi trên ghế nhà trường cũng biết đến điều này?

Khi xét đến đối tượng tuyển sinh bao gồm tất cả các học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT trong năm 2012. Các em đều nằm trong lứa tuổi bằng hoặc dưới 18, thì liệu những kiến thức, kinh nghiệm sống, ví dụ từ sách báo và các quan sát trong cuộc sống có đủ để các em phát triển thành một bài văn nghị luận xã hội? 

Dẫu biết, hiện tại thanh thiếu niên Việt Nam có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nạo phá thai với tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á và cũng thuộc hạng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, một số chuyên gia tâm lý học vẫn cho rằng, chủ đề này sẽ phù hợp trong một buổi học kỹ năng mềm, thảo luận ngoại khóa hay trò chuyện cùng các chuyên gia tâm lý hơn là đưa thẳng vào đề thi như vậy. Điều đó giúp các em định hướng: Việc quan hệ tình dục sớm ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, và sự phát triển tâm, sinh lý của thanh thiếu niên. Nhất là trong việc tự bảo vệ, và phòng tránh các bệnh lây nhiễm, có thai ngoài ý muốn. Cũng như, hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân không phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không mà là do sự hòa hợp ở tâm hồn, tính cách, tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.

Còn nếu đặt đề thi trong một kỳ thi tuyển sinh Đại học thì liệu có giúp các em phát huy được hết tri thức 12 năm miệt mài ngồi trên ghế nhà trường, trong khi phần lớn tại nhiều trường, việc học giáo dục giới tính còn nhiều hạn chế? Hơn nữa, bàn tới một vấn đề khá "nhạy cảm" ngay trước ngưỡng cửa bước vào đời, nhiều học sinh còn tỏ ra rất ngô nghê thì chưa thể đưa ra được nhận định đúng đắn.

Thực chất, đề thi “mở” không quá lạ lẫm đối với học sinh, bởi các em đã được làm quen với đề thi dạng “mở” từ SGK trong chương trình mới bậc THCS, THPT, nhưng "mở" thế nào cho phù hợp lại là một vấn đề khác. Một đề thi hay phải nêu ra được vấn đề xã hội, giàu tính nhân văn và phù hợp với đối tượng dự thi.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Đỗ Quyên Quyên