Đại học Việt Nam lọt top 200 thế giới, dễ vậy sao?

07/08/2012 07:54
GS Bùi Trọng Liễu
(GDVN) - Có một số người Việt Nam "cưỡi ngựa xem hoa" ở nước ngoài, quáng mắt ngỡ rằng cứ có vài chục héc-ta đất, xây những tòa nhà hoành tráng, trang bị bàn ghế cho bảnh, phòng làm việc đầy ắp máy tính, phòng thí nghiệm có máy móc tối tân... chẳng cần chú ý giảng viên có trình độ tương xứng hay không, sinh viên học hành thế nào. Ấy vậy mà vẫn mơ tưởng vào khoảng năm 2020 Việt Nam cũng sẽ có những đại học đẳng cấp, lọt vào top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Dễ vậy sao?
Có chuyện có thật, có những chuyện là giai thoại, mang tính ngụ ngôn, GS. Bùi Trọng Liễu (Nguyên GS đại học, Paris, Pháp) tập hợp lại thành một khối nhất quán để minh họa cho những bức xúc đang tồn tại trong ngành giáo dục.

Câu chuyện thứ nhất: Cành hoa cắm giả làm cây

Năm 1960, Hồ Chủ Tịch phát động phong trào "trồng cây", cụ lại có câu nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của câu "trồng người".

Cũng năm 1960, Bác về thăm quê. Về đến nhà khách tỉnh ủy Nghệ An, Người phát hiện ra ngoài vườn có những cành hoa cắm xuống đất, giả như cây trồng, để đón cụ. Bác đã nghiêm khắc phê phán coi đó là một căn bệnh phô trương hình thức.

Hiện nay, đọc thông tin về kế hoạch và đề án đào tạo nhân lực, nhiều người trong và ngoài nước không khỏi hoang mang, hoài nghi về sự khả thi của một số đề án này, với những số liệu và mốc thời gian. E rằng những con người mà những đề án này giả định là sẽ đào tạo ra, cũng như những cành cây không rễ, cắm xuống đất cho có số lượng, chứ không phải là thực sự trồng cây, trồng người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Câu chuyện thứ hai: Chuyện mua kính và ĐH đẳng cấp 

Thuở nhỏ, tôi có đọc trong một cuốn Giáo khoa thư câu chuyện sau đây: Có một bác nông dân, ra tỉnh, vào một hàng kính, hỏi mua một cặp kính trắng. Chủ hiệu đưa cho bác một trang sách để bác thử đọc. Bác thử tất cả các cặp kính của hiệu mà vẫn không vừa lòng.

Chủ hiệu đâm nghi hỏi: "Thế bác đã biết đọc chưa đã?". Bác ta nổi giận gắt lên: "Nếu tôi biết đọc rồi, thì tôi đi mua kính làm gì!". Té ra bác ấy thấy mấy người già đọc sách thường đeo kính, nên ngỡ rằng cứ đeo kính lên thì đọc được chữ mà chẳng cần phải học.

Ngày nay, có một số người Việt Nam "cưỡi ngựa xem hoa" ở nước ngoài, quáng mắt ngỡ rằng cứ có vài chục héc-ta đất, xây những tòa nhà hoành tráng, trang bị bàn ghế cho bảnh, thư viện đầy ắp sách, phòng làm việc đầy ắp máy tính, phòng thí nghiệm có máy móc tối tân... chẳng cần chú ý giảng viên có trình độ tương xứng hay không, sinh viên học hành thế nào. Ấy vậy mà vẫn mơ tưởng vào khoảng năm 2020 Việt Nam cũng sẽ có những đại học đẳng cấp, lọt vào top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Dễ vậy sao?
Câu chuyện thứ ba: Đẽo cày giữa đường và cải cách GD 

Trong kho truyện cổ Việt Nam, có truyện "Đẽo cày giữa đường": Có anh nông dân kiếm được thanh gỗ, muốn đẽo cái cày. Thay vì nhờ sự cố vấn của những người thợ lành nghề, anh mang gỗ ra ngồi giữa đường để "đẽo cày". Kẻ qua người lại, mỗi người góp một ý, người thì nói phải đẽo thế này, người thì nói phải đục thế kia. Đẽo một lúc thì thanh gỗ teo lại.

Kẻ qua người lại, hỏi, thì anh đành nói là anh đang "đẽo cái chìa vôi" (chìa vôi là cái que nhỏ như chiếc đũa, một đầu để quệt vôi, một đầu nhọn, dùng để têm trầu). Lại mỗi người góp một ý, người thì nói phải vót thế này, người thì nói phải gọt thế kia. Một lúc sau, người qua lại hỏi anh đang làm gì, thì anh gắt lên: "Tôi đang vót cái tăm xỉa răng".

Có hiện tượng là quá nhiều người được hỏi và góp ý về Giáo dục Đào tạo, trong đó có cả những người không có kinh nghiệm gì trong vấn đề này. Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão. Tuy nhiên, còn có vấn đề biết đấy, nhưng có nghe hay không nghe. Thi hào Nguyễn Khuyến có bài thơ "Anh giả điếc":

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày"…
Còn tại sao lại giả điếc thì lại là một vấn đề khác!
Câu chuyện thứ tư: Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên: Khoảng năm 206 trước Công nguyên, Hạng Vũ (người đất Sở, sau là Tây Sở Bá vương) và Lưu Bang (người đất Bái, sau là Hán Cao tổ) khởi binh để diệt nhà Tần, hai phía tiến vào đất Quan Trung (nơi có Kinh đô Hàm Dương của nhà Tần).

Lưu Bang vào trước, lấy được đất Quan Trung và Kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, nhưng ít quân hơn Hạng Vũ, nên phải chịu lép vế, tạm nhường cho Hạng Vũ. Sau khi đã đem binh vào thành Hàm Dương, giết vua Tần Tam Thế (đã đầu hàng), đốt cung A Phòng, thu của cải châu báu, gái đẹp, Hạng Vũ muốn đem quân về phía đông. 

Có Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ rằng: "Đất Quan Trung bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để xây dựng nghiệp bá". Hạng Vũ không nghe. Hàn Sinh thất vọng, trở ra, nói lén: "Người ta nói rằng người nước Sở giống như con khỉ đội mũ người; quả thực là đúng". Hạng Vũ biết được, sai bắt Hàn Sinh bỏ vào vạc dầu mà nấu cho chết. (Theo người xưa, lời khuyên của Hàn Sinh là hợp lý. Tại Hạng Vũ không nghe, cho nên đó là một trong những nguyên nhân Hạng Vũ bị thua trong vụ Hán Sở tranh hùng, rốt cục phải tự tử chết).

Có nguồn cho rằng, Hàn Sinh ngụ ý nói con khỉ bắt chước hình thức, đội mũ (mặc "lễ phục") như người, nhưng chỉ chốc lát thì bản chất của nó cũng sẽ lộ ra, về tri thức khỉ vẫn chỉ là khỉ. Người Pháp có câu "Bộ áo thày tu chẳng có thể biến người mặc thành tu sĩ được" cũng na ná ý nghĩa như câu nói của Hàn Sinh, nhưng nhẹ nhàng hơn về cách phát biểu.

Hy vọng rằng trong xã hội ta, công luận cũng thấy rõ rằng bằng cấp rởm, ngồi nhầm ghế, phô trương kỷ lục... thì dù có mặc "lễ phục" cũng không che đậy được.

(Còn tiếp...)
GS Bùi Trọng Liễu