Đại học đâu phải là tất cả

16/07/2017 07:56
Phan Tuyết
(GDVN) - “Bố mẹ đừng so sánh con với con nhà người ta. Con biết mình học không tốt, kết quả đó là thực chất chỉ có bố mẹ không chịu thừa nhận nên mới bất ngờ vậy thôi”.

LTS: Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công? Khi những mong muốn được theo đuổi đam mê, sở thích của bản thân nhưng không được gia đình đồng thuận, ủng hộ...các bạn trẻ sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tiếng nhạc cất lên chát chúa, người ra kẻ vào cười nói rôm rả, những lời chúc tụng cũng theo đó mà vang lên liên hồi không dứt “Chúc mừng cháu! Chúc mừng anh chị! Cháu giỏi quá! Sinh con thế mới mát ruột mát gan!”. Có người còn phân bua “Nhìn con người ta mà thèm, chứ ai lại như con nhà mình…”. 

Hôm nay, sau khi biết kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cháu Hiền con chị Mai đạt mức điểm 27.75 nên cả gia đình làm buổi liên hoan mời anh em, xóm làng “đến chung vui cùng cháu”. 

Khác với không khí tưng bừng náo nhiệt của nhà hàng xóm, nhà chị Hà sát bên lại có vẻ trầm lắng hơn bao giờ hết. Cậu con trai chị Hà chỉ vừa đủ điểm tốt nghiệp, trong khi anh chị lại kì vọng ở con số điểm cao hơn

Hình ảnh minh họa về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai (Ảnh: TL)
Hình ảnh minh họa về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai (Ảnh: TL)

Chỉ mới chiều qua, sau khi biết số điểm của con, bố của Hùng đã nổi cơn thịnh nộ quát tháo ầm ĩ “nuôi mày cho tốn cơm gạo, chỉ mỗi việc học hành cũng không xong. Mày nói mày làm được công lên việc xuống gì cho gia đình này để không thể học được. Sang mà xem con bé Hiền nó làm nở mày nở mặt bố mẹ nó thế nào”. 

Chưa hết, chị nói thêm: “Cái Hoa, cái Thắm, thằng Dũng bạn mày cả đấy. Sao tụi nó đạt điểm cao như thế? Chơi với bạn sao không học bạn một tí nào hả con?”

Hai vợ chồng lúc thì so bì, lúc thì đay nghiến, thi thoảng mới nghe Hùng lên tiếng: “Bố mẹ đừng so sánh con với con nhà người ta. Con biết mình học không tốt, kết quả đó là thực chất, chỉ có bố mẹ không chịu thừa nhận nên mới bất ngờ vậy thôi”.

Hùng nói chẳng sai, ngay từ khi còn học tiểu học, cậu bé cũng chỉ học ở mức khá, càng lớn chương trình càng khó nên lực học chỉ còn trung bình. Bù lại, Hùng rất giỏi làm những công việc mà những người lớn còn chào thua như lớp có bóng điện hư, có công tắc hỏng hay có quạt không quay…Hùng đã động tay vào là y như rằng đâu lại vào đấy. 

Đại học đâu phải là tất cả ảnh 2

Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề

Thầy cô cứ thường hay an ủi động viên: “Sau này, em nên thi vào các trường nghề như thợ điện, sửa chữa ô tô, điện lạnh…chắc chắn sẽ thành công. Ngoài đời, nhiều người cũng phát tài về nghề đấy”.

Thế rồi, có lẽ cũng từ những ngày đó em không mơ mộng sau này mình sẽ thi vào đại học. Ước mơ được làm nghề mình yêu thích luôn trong tâm trí Hùng.

Cho đến một lần em gặp anh Quân, trước đây cũng chỉ học nghề sửa chữa ô tô nhưng nay đã là chủ của một chuỗi cửa hàng sửa chữa xe lớn ở nhiều tỉnh thành phố. Thế là cái ước mơ ấy luôn thôi thúc em. 

Nhưng đến khi làm hồ sơ thi, em trình bày nguyện vọng của mình muốn thi vào trường trung cấp nghề vừa đúng sở trường, vừa hợp khả năng. Lập tức bị mẹ phản đối dữ dội, nào là “người ta ai cũng ước mơ đại học, chỉ có kẻ lười mới thích đi học trung cấp nghề”. Còn bố cũng không đồng tình khi “không có bằng đại học suốt cuộc đời của mày chỉ làm giúp việc thôi con ơi!”.

Dù thuyết phục bố mẹ không được, Hùng vẫn lén làm hồ sơ. Thời điểm này, khi biết điểm thi dù luôn bị bố mẹ chửi bới, mắng mỏ nhưng Hùng nghĩ mình đã làm đúng.

Hùng chia sẻ “con cũng mong thời gian học nghề qua nhanh để đi làm và chứng minh cho bố mẹ biết”. Nhìn cậu bé rắn rỏi đầy bản lĩnh, tôi tin rằng Hùng nhất định sẽ thành công với nghề nghiệp em đã chọn.

Phan Tuyết