Đánh giá thấu đáo để khẳng định mô hình trường ĐH - CĐ NCL

26/09/2013 15:03
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay 26/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL (VIPUA) đã tổ chức Hội nghị đánh giá 20 năm hoạt động của các trường ĐH, CĐ NCL. Hội nghị quy tụ hơn 80 trường trong Hiệp hội tham gia với nhiều ý kiến đánh giá xác đáng về mô hình này.

Cũng trong sáng nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Phương tham dự và có ý kiến đánh giá đúng tình hình thực tế mô hình NCL, ghi nhận mô hình NCL đã góp một phần không nhỏ cho sự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam, nhất là đối với giáo dục đại học.

Các ý kiến thể hiện quan điểm Nhà nước cần tăng cường mô hình xã hội hoá hơn nữa, vì thực tế với lượng ngân sách 20% cho giáo dục thì không thể biến hệ thống giáo dục phát triển vững mạnh được.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam

Xã hội hoá giáo dục cần thực hiện triệt để, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để thực hiện. Xã hội hoá giáo dục được thể hiện trên nhiều mặt, trong đó yếu tố mô hình các trường ĐH, CĐ NCL đóng vai trò quan trọng.

Mở đầu hội nghị, GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam (VIPUA) khẳng định, mô hình các trường ĐH, CĐ NCL là một thành phần mới  trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Hệ thống các trường tuy chưa phát triển như mong muốn của Đảng và Nhà nước, nhưng đã có nỗ lực vượt khó khăn, tìm tòi cách đi, cách hoạt động, gánh vác một phần tải trọng giáo dục đại học của cả nước.

Điều đó mở rộng cơ hội học đại học, học nghề nghiệp của nhân dân, mô hình nhìn chung đã và đang đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chủ tịch Trần Hồng Quân cũng khẳng định, các trường ĐH, CĐ NCL hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục, tuân thủ pháp luật hiện hành, phù hợp với điều lệ trường Đại học Việt Nam.

Là loại hình mới, thành phần mới, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các trường có tố chất mới năng động, sáng tạo, hiệu quả. Trong tương lai khi hệ thống giáo dục đào tạo phát triển đúng quy luật, cạnh tranh bình đẳng, các trường NCL sẽ phát triển mạnh và có những trường là mô hình đối chứng về tổ chức quản lí, về hiệu quả đào tạo.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các trường ĐH, CĐ NCL đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, hiện nay đã chiếm 1/5 số trường, gần 1/7 số sinh viên cả nước, trong khi đó nhà nước không tốn đồng xu nào. Đáng tiếc đến nay các trường vẫn chưa được cơ quan quản lí vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh.

GS Quân cũng thừa nhận, bên mặt tích cực thì vẫn còn có không ít các trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết, ở một số trường các nhà đầu tư tài chính thuần tuý nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê. Đó là vì nhiều lí do, trong đó có lí do chủ yếu là mô hình chưa rõ ràng ngay trong văn bản pháp quy lẫn sự chỉ đạo định hướng trong thực tế.

Đóng góp ý kiến cho Hội nghị, nhiều đại biểu thể hiện quan điểm mạnh mẽ về sự bất bình đẳng giữa trường công và trường tư, dường như chính sách xã hội hoá đang đi lệch hướng?

Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị vinh dự đón ông Vũ Ngọc Hoàng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và có ý kiến quan trọng với Hiệp hội.


Xuân Trung