Đạo nghĩa thầy trò nay còn không?

23/04/2012 12:01
Huyền Trang
(GDVN) - Thử hỏi, nếu học trò coi thầy là một hình tượng để hướng tới, học hỏi, thì hình ảnh người thầy ngật ngưỡng trong men say, ngồi trên giảng đường, có những lời nói và hành vi thiếu văn hóa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các thế hệ học trò Việt nam sau này?
Tình nghĩa thầy - trò luôn thiêng liêng và đáng trân trọng. Nó là thứ tình cảm chân thật và thanh khiết, là những gì còn tồn tại cho dù vạn vật có đổi thay. Ấy vậy mà lại có học viên cao học, cũng đang là thầy ở một trường cao đẳng, ngang nhiên "cãi nhau tay đôi" - " thách thức" với thầy của mình ngay tại lớp học.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
Trong câu tục ngữ xưa ấy, chứa đựng cả một quan niệm sâu sắc của dân gian về sự học, về đạo thầy trò. Bất kì ai, đã là học trò thì cần phải học bắt đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất. Có thế thì họ mới có cơ sở để tiếp tục mở mang kiến thức cao hơn để đi xa hơn.

Xưa, khi đi học, người ta luôn có thái độ trân trọng, “ngước nhìn” lên thầy với sự ngưỡng mộ, coi thầy là hình tượng để hướng theo. Nhất nhất mọi cử chỉ, lời dạy của thầy đều là khuôn thước của sự học hỏi. Không hiếm những học trò, sau này thành danh, vẫn có nét “hao hao” giống thầy về cử chỉ, cách nói, vốn tri thức… 

Hình ảnh thầy - trò xưa
Hình ảnh thầy - trò xưa

Thầy luôn luôn là người cần được tôn kính. PGS.TS Phạm Văn Tình, Giảng viên ĐH KHXH & NV chia sẻ: “Thầy phải là người cao hơn một bậc về tri thức, về tư cách, về tầm nhìn. Không có thầy, chúng ta khó có cơ hội trau dồi, tiến bộ mọi mặt để lớn lên thành người và thành tài”. 

Nói như vậy để thấy rằng, người thầy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần là tấm gương về trí thức, tư cách cho học trò noi theo. Nhưng có lẽ, những đạo lý xưa về Thầy - Trò nói chung và hình ảnh của người Thầy nói riêng, đang dần mai một trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Đó là một sự thật đáng buồn, dù nó không quá phổ biến, hoặc chưa bị phanh phui.
Chuẩn mực đạo đức là... bất biến

Vụ tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục trên giảng đường mới kịp lắng xuống, thì nay, cũng trên giảng đường Đại học, người ta lại có dịp bàn tán, phẫn nộ trước hành vi của một học viên cao học “cãi nhau tay đôi” với thầy.
Sẽ chẳng có gì to tát, sẽ chẳng ai quan tâm khi không có một học viên khác trong lớp quay lại clip “độc” ấy, và có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ cảm thông hơn nếu học viên trong clip kia không phải là một Giảng viên.
Nếu là một cậu sinh viên đang tuổi thanh niên, dù không dễ dàng gì, nhưng người ta cũng có thể bằng lòng cho qua vì tuổi trẻ bồng bột, hiếu thắng.

Nhưng ông Lê Trần Công lại không phải là một học viên bình thường, hiện tại, ông đang giữ chức Trưởng bộ môn điện tử tại khoa điện, điện tử Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Nghĩa là ông cũng là một giảng viên, cũng là người có thâm niên trong nghề, và có lẽ hơn ai hết, ông hiểu đạo nghĩa Thầy- Trò xưa nay. Ấy vậy mà, ông mượn chén rượu rồi dùng những lời lẽ mang tính dọa nạt, thách thức thầy của mình...

Thử hỏi, nếu học trò coi thầy là một hình tượng để hướng tới, học hỏi, thì hình ảnh người thầy ngật ngưỡng trong men say, ngồi trên giảng đường, có những lời nói và hành vi thiếu văn hóa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các thế hệ học trò Việt nam sau này? 


Bản tường trình ngày 20/4/2012 của học viên Lê Trần Công
Bản tường trình ngày 20/4/2012 của học viên Lê Trần Công
Cho dù cuộc sống hiện đại đến đâu đi chăng nữa, con người ta sống thoáng, nghĩ thoáng và “hành động thoáng” như thế nào đi nữa thì những gì thuộc về chuẩn mực của đạo nghĩa vẫn là bất biến. Và dù đã biện minh cho hành động của mình là vì uống rượu say nên đã không làm chủ được những lời nói, hành vi của mình, song, đó cũng là điều không thể chấp nhận được: “Quan hệ Thày-Trò trên giảng đường là mối quan hệ giao tiếp thường trực ý vị văn hóa trang trọng và mực thước. Mọi hình vi giao tiếp bất nhã gây phản cảm trên lớp học dù từ phía Thày hay từ Trò gây ra đều khó có thể chấp nhận được” – PGS. TS Hoàng Minh Lường, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ.
Những câu chuyện bi hài về hình ảnh người thầy trên giảng đường của cuộc sống hiện đại, dẫu chỉ là một “con sâu” song, cũng đã “bỏ rầu nồi canh”. Mỗi sự cố đáng buồn như vậy đều ít nhiều ngáng chặn niềm tin của xã hội vào sự nghiệp giáo dục của chúng ta.

Huyền Trang