“Dấu ấn” thầy Văn Như Cương

18/11/2017 16:33
Vương Thuỷ
(GDVN) - Tràn ngập khuôn viên Trường Trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh cơ sở 1 là những hình ảnh của người thầy vô vàn kính yêu Văn Như Cương.

Ngày 18/11, tại khuôn viên Trường Trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh cơ sở 1 (thôn Yên Xã, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đã tổ chức lễ tri ân mang tên “Dấu ấn”.

Đây là sự kiện hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là dịp để các em học sinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đổi với các thế hệ thầy cô giáo.

Năm nay là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trở nên đặc biệt hơn đối với Trường Lương Thế Vinh bởi năm nay là năm đầu tiên trong suốt 28 năm qua vắng mặt thầy Văn Như Cương.

Vì thế, trong buổi lễ này, các học sinh Lương Thế Vinh đã tổ chức triển lãm hình ảnh thầy giáo Văn Như Cương, người thầy đáng kính của mình.

Tham dự buổi lễ, có các thầy cô giáo trong trường và rất nhiều cựu học sinh Lương Thế Vinh về tri ân thầy cô.

Học sinh trường Trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh đem lời ca tiếng hát và những vũ điệu tri ân thầy cô
Học sinh trường Trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh đem lời ca tiếng hát và những vũ điệu tri ân thầy cô

Khi những thước phim chiếu lại những kỉ niệm về thầy xuất hiện trên sân khấu không ít giáo viên đã không giấu được những giọt nước mắt khi nhớ đến người thầy vô vàn kính yêu.

Phút tưởng niệm người thầy đáng kính Văn Như Cương
Phút tưởng niệm người thầy đáng kính Văn Như Cương
Nhiều giáo viên không khỏi xúc động trước những khoảnh khắc kỉ niệm của thầy Văn Như Cương
Nhiều giáo viên không khỏi xúc động trước những khoảnh khắc kỉ niệm của thầy Văn Như Cương

Em Lâm Văn Tùng, cựu học sinh của trường Lương Thế Vinh, hiện đang học năm thứ hai Khoa Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng một nhóm học sinh khác đã phụ trách lên ý tưởng thiết kế không gian buổi triển lãm “Dấu ấn”.

Tùng cho biết ý tưởng về triển lãm này xuất phát từ suy nghĩ để giúp các cựu học sinh nhớ lại kỉ niệm xưa gắn với thầy Văn Như Cương.

Đồng thời, những em học sinh chưa có điều kiện tiếp xúc với thầy thông qua buổi triển lãm sẽ hiểu rõ con người thầy hơn và thấy gần gũi với thầy hơn.

28.000 con hạc giấy tương ứng 28 năm thành lập trường được các em học sinh gấp trong 1 ngày
28.000 con hạc giấy tương ứng 28 năm thành lập trường được các em học sinh gấp trong 1 ngày

Được biết, việc thực hiện các khâu thiết kế được thực hiện trong vòng 1 tuần, 28.000 con hạc giấy được huy động từ các em học sinh đang học tại trường thực hiện trong vòng 1 ngày.

Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt 28.000 con hạc giấy tương ứng 28 năm thành lập trường, tạo thành biểu tượng logo của trường để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng mọi người.

Toàn bộ các thiết kế là do cựu học sinh Lương Thế Vinh thực hiện
Toàn bộ các thiết kế là do cựu học sinh Lương Thế Vinh thực hiện
Những dòng cảm xúc của học trò gửi đến thầy Văn Như Cương
Những dòng cảm xúc của học trò gửi đến thầy Văn Như Cương
Học sinh tham quan triển lãm
Học sinh tham quan triển lãm
Các em học sinh trong trường cùng ghép lên bức tranh kỉ niệm về các thầy cô giáo
Các em học sinh trong trường cùng ghép lên bức tranh kỉ niệm về các thầy cô giáo
Bức tranh hoàn thiện với hình ảnh thầy Văn Như Cương bao trùm
Bức tranh hoàn thiện với hình ảnh thầy Văn Như Cương bao trùm

Xuất hiện vào cuối buổi lễ, bà Đào Kim Oanh, vợ thầy Văn Như Cương rơi nước mắt xúc động chia sẻ:

Lần đầu tiên từ khi chúng tôi sống với nhau, có lẽ là năm nay tôi thấy mình hẫng hụt nhiều nhất, nhìn đâu cũng không có.

Nhà tôi lại là thầy giáo dạy tôi, đáng lẽ ngày này tôi phải cảm ơn đầu tiên nhưng năm nay không có. Buồn lắm...”.

“Khi còn sống, chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng: Anh còn sống được là nhờ có các học trò.

Học sinh Lương Thế Vinh ngoan lắm. Nhà tôi mở cửa ra là thấy học trò, bước ra ngoài là học sinh ùa vào quấn quýt. Đó chính là động lực để nhà tôi có nghị lực sống”, bà Oanh cho biết.

Vì thế, bà Oanh và các con vẫn trăn trở để thực hiện tâm nguyện của thầy Văn Như Cương là làm thế nào để giữ vững thương hiệu Lương Thế Vinh như thầy từng căn dặn…

Đó là trách nhiệm nặng nề mà vợ con thầy Văn Như Cương đang nỗ lực thực hiện.

Vương Thuỷ