Dạy học tích hợp liên môn qua Hành trình viếng Lăng Bác của học sinh Ban Mai

19/03/2019 07:00
Nhật Minh
(GDVN) - Học sinh trường Ban Mai được học tích hợp liên môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với chủ đề “Hành trình viếng Lăng Bác”.

Ngày 16/3/2019, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai đã tổ chức báo cáo về Dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với chủ đề “Hành trình viếng Lăng Bác”.

Buổi báo cáo đã nhận được sự quan tâm tham dự của cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cùng hiệu trưởng các trường trên địa bàn quận Hà Đông, giáo viên của trường và đông đảo phụ huynh, học sinh trường Ban Mai.

Học sinh Ban Mai báo cáo về dự án. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Học sinh Ban Mai báo cáo về dự án. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Dự án do học sinh khối 9 thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong tổ Xã hội của trường.

Theo chia sẻ của các thầy cô tổ Xã hội, để chuẩn bị cho Dự án, Tổ đã có những buổi sinh hoạt chuyên môn thảo luận rất kỹ làm sao đạt được mục tiêu là thiết kế dự án dạy học tích hợp nhiều kỹ thuật dạy học khác nhau, có thể phát huy được mọi khả năng, năng lực của từng học sinh.

Đặc biệt là lan tỏa tinh thần dạy học hiện đại, nhân văn “không học sinh nào bị bỏ quên”.

Dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn với chủ đề “Hành trình viếng lăng Bác” ra đời xuất phát từ ý tưởng về lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh – một nhân vật vô cùng đặc biệt mà ở tất cả các môn học, học sinh đều được học.

Các em học sinh Ban Mai lắng nghe thuyết trình và ghi chép các thông tin giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Các em học sinh Ban Mai lắng nghe thuyết trình và ghi chép các thông tin giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Những buổi trưa không ngủ của thầy và trò 

Đây là dự án học tập dành cho tất cả học sinh khối 9 cấp Trung học cơ sở, là cơ hội để học sinh được cùng làm việc, cùng trải nghiệm, cùng sáng tạo và cùng đưa ra những sản phẩm học tập, có sự vận dụng kiến thức của 4 môn Khoa học Xã hội là Ngữ Văn – Lịch sử - Địa Lý – Giáo dục công dân.

Tại buổi báo cáo, các học sinh lên sân khấu thuyết trình đều sử dụng tự tin cả hai ngôn ngữ: Tiếng Việt và tiếng Anh để dẫn dắt các hoạt động bằng các câu hỏi lồng ghép kiến thức liên môn.

Để có được buổi báo cáo kết quả, các học sinh trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai các bạn học sinh cùng các thầy cô đã có nhiều buổi trưa không ngủ, dành rất nhiều thời sau giờ lên lớp để lên kế hoạch và đặt mục tiêu, lộ trình thực hiện dự án.

Học sinh được chia vào các ban để được phát huy hết khả năng của bản thân. Các ban bao gồm ban Nội dung; ban Kỹ thuật; ban Hậu cần; ban Lễ tân; ban Văn nghệ.

Mỗi ban đều có các thầy cô đồng hành, hướng dẫn và trao đổi các ý tưởng để tạo ra sản phẩm học tập ấn tượng nhất.

Ở góc độ môn Văn học, chuyến trải nghiệm giúp học sinh được hòa mình trong không khí trang trọng, xúc động khi đến thăm, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Địa danh quen thuộc trong tác phẩm “Viếng Lăng Bác” của Nhà thơ Viễn Phương, một tác phẩm các em đã được học. Chính từ những trải nghiệm thực tiễn kết hợp với bài học trên lớp giúp các học sinh thấu hiểu những cảm xúc được nhà thơ thể hiện qua tác phẩm.

Những clip tư liệu do học sinh tự quay, tự dàn dựng, kết hợp thuyết trình nghị luận xã hội bằng những lời dẫn đầy ý nghĩa, thể hiện cảm xúc với lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã tạo nhiều cảm xúc cho những người đến nghe báo cáo về dự án.

Với bộ môn Lịch sử, các em đã chủ động tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, quá trình Bác ra đi tìm đường cứu nước và vai trò của Bác trong sự nghiệp cách mạng dân tộc thông qua bộ phim tài liệu mang tên “Hồ Chí Minh – Hành trình vạn dặm”.

Học sinh nhóm Lịch sử đã sử dụng chất liệu vẽ tranh minh họa kết hợp lời dẫn thoại bằng tiếng Anh.

Thông qua bộ phim, nhóm học sinh đã thể hiện niềm tự hào, lòng khâm phục ý chí nghị lực phi thường và khả năng vượt qua khó khăn, thử thách của Bác cùng với tình yêu và lòng biết ơn chân thành dành cho người anh hùng giải phóng dân tộc.

Cùng với đó, nhóm học sinh báo cáo ở góc độ tiếp cận của môn Giáo dục công dân đã truyền tải tinh thần dân tộc, tinh thần “ Bảo vệ Tổ Quốc” trong mô hình sơ đồ đất nước Việt Nam với những câu trích dẫn nổi tiếng về tinh thần yêu nước của các bậc trí sĩ qua các thời đại.

Từ đó, nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần bảo vệ Tổ Quốc, ý thức trách nhiệm của một công dân trước vẻ đẹp, giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch của Lăng Bác.

Cũng trong quá trình tìm hiểu, trải nghiệm thực hiện Dự án, các học sinh đã rèn luyện cho mình ý thức tự giác, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương.

Học sinh Ban Mai tự tin trò chuyện với du khách nước ngoài tham quan Lăng Bác. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Học sinh Ban Mai tự tin trò chuyện với du khách nước ngoài tham quan Lăng Bác. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tự tin và tỏa sáng với những sản phẩm học tập sáng tạo

Sau hành trình trải nghiệm tích hợp liên môn, mỗi học sinh đều mang trong mình rất nhiều kiến thức mới.

Lăng Bác là một địa chỉ khá đỗi quen thuộc mà các bạn thường tới thăm viếng cùng gia đình hay người thân.

Nhiều em cứ ngỡ mình đã hiểu hết nhưng sau khi học trải nghiệm cùng các bạn, chính học sinh phát hiện ra thật nhiều điều thú vị và quan trọng là đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có thể học Ngữ Văn - Lịch sử - Địa lý - Giáo dục Công dân một cách hài hòa và sâu sắc.

Mỗi nhóm, mỗi đặc trưng riêng, mỗi thế mạnh riêng và sự lựa chọn hình thức báo cáo cũng rất đa dạng và phong phú: vẽ sơ đồ, xây dựng sa bàn, phỏng vấn, dựng video clip lịch sử…

Các bạn học sinh Ban Mai tin rằng tri thức được lan tỏa sẽ là tri thức vĩnh cửu. Mỗi sản phẩm học tập sẽ là minh chứng sống động nhất cho quá trình tiếp thu và vận dụng kiến thức của học sinh.

Trong quá trình thực hiện dự án này, chính các thầy cô cũng có nhiều cảm xúc đặc biệt.

Thầy Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Ban Mai khẳng định: “Dạy học tích hợp liên môn là một xu thế trong đổi mới giáo dục hiện nay.

Qua dự án học tập thành công của học sinh khối 9 trường Trung học cơ sở Ban Mai đã minh chứng năng lực của các con đã được ứng dụng, phát triển rất rõ nét.

Các học sinh khi đứng tự tin trên sân khấu đều làm chủ được các kỹ năng, lĩnh hội nhiều kiến thức đa dạng, liên môn.

Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Ban Mai xác định rõ những phương pháp dạy học tích hợp liên môn như thế này là nội dung mà chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành, phát triển để mang lại chất lượng giáo dục cao hơn cho nhà trường và mang lại các giá trị tốt hơn cho học sinh. Làm sao để các con thực sự phát huy hết năng lực của bản thân mình”.

Cô giáo Trần Thị Thảo – Tổ trưởng Tổ Xã hội người đã đồng hành, hướng dẫn và điều phối dự án học tập trải nghiệm chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng dự án, các học sinh đã tự hoàn thiện thêm cho mình rất nhiều kiến thức liên môn, các kỹ năng mềm khác như kỹ năng làm việc nhóm, tư duy độc lập, khả năng hợp lực với nhau để tạo ra những sản phẩm học tập sáng tạo và phong phú.

Cho tới ngày báo cáo sản phẩm, khi được nhìn thấy và chứng kiến các con tự thể hiện sản phẩm của chính mình, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, hạnh phúc, tự hào với những tâm huyết mà các con đã cố gắng, sự trưởng thành vượt bậc của các con.

Tôi mong rằng dự án này sẽ giúp cho các con có những bước đệm tốt để chuẩn bị cho mình những tư duy học tập linh hoạt, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục của chúng ta hiện nay”.

Phỏng vấn và ghi âm nội dung trao đổi với du khách nước ngoài đến thăm Lăng Bác. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Phỏng vấn và ghi âm nội dung trao đổi với du khách nước ngoài đến thăm Lăng Bác. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cô giáo Ngô Thị Thanh Huyền – giáo viên Ngữ văn chia sẻ: “Với vai trò là giáo viên trực tiếp tham gia hướng dẫn “Hành trình viếng Lăng Bác” tôi nhận thấy được rất nhiều giá trị trong quá trình các con được thụ hưởng kiến thức và khả năng kết nối các môn học một cách chủ động, sáng tạo, khoa học.

Tôi nhận thấy sự nỗ lực rất lớn từ các con học sinh, đồng thời thu nhận được giá trị của phương pháp dạy học trải nghiệm dự án tích hợp liên môn".

Em Đỗ Gia Huy – học sinh lớp 9A1, chia sẻ: “Chương trình dạy học này khiến con cảm thấy rất ấn tượng vì đã cho con cái cảm giác giống như mình đang thực hiện một dự án của những anh chị đại học vậy.

Các thầy cô đã đồng hành và dẫn dắt chúng con thực hiện rất chuyên nghiệp và nghiêm túc. Mỗi học sinh chúng con được đóng góp ý tưởng và tự thiết kế các sản phẩm học tập của nhóm mình một cách sáng tạo.

Cảm giác khi mà thấy cả nhóm ai cũng làm việc hết mình và đồng lòng với nhau thực sự khiến con cảm thấy rất hào hứng.

Qua chương trình này, con đã có thêm được kiến thức thực tế, đồng thời học được cách làm việc trong một dự án lớn, cách phối hợp giữa đội nhóm mình với các nhóm khác, kết nối và hợp lực để cùng nhau hoàn thành sản phẩm học tập chất lượng”.

Nhật Minh