Đây là hình mẫu Hiệu trưởng mà không giáo viên nào muốn hơn thua, so bì?

22/03/2017 07:34
Phan Tuyết
(GDVN) - Ban giám hiệu luôn làm đúng chức trách của mình, gương mẫu trong mọi hoạt động, tôn trọng và thấu hiểu giáo viên thì làm sao có sự “so bì” dù là rất ít.

LTS: Sau khi bài viết "Tại sao giáo viên cứ so bì, tính toán thiệt hơn với Ban giám hiệu như vậy?" của tác giả Sông Trà được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, rất nhiều độc giả quan tâm và bày tỏ ý kiến.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, cô Phan Tuyết cho rằng không phải Ban giám hiệu nào cũng làm đúng quy định.

Nếu Hiệu trưởng, Hiệu phó có tâm và có tầm thì giáo viên nào cũng yêu mến, nể phục. Còn ngược lại thì sao giáo viên không thể “so bì” cho được?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thời gian vừa qua, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có hàng loạt bài viết về Ban giám hiệu các trường học. 

Phần lớn, giáo viên đều đồng tình với việc ngoài công tác giảng dạy, Ban giám hiệu nhà trường cần thực hiện đúng việc đứng lớp theo quy định đặc biệt, Phó Hiệu trưởng cần thể hiện chuyên đề bằng những tiết dạy minh họa cho giáo viên học hỏi. 

Mới đây, trong bài viết của mình, tác giả Sông Trà viết “Giáo viên mình nên bớt so bì, tính toán thiệt hơn đi, việc ai, người nấy làm, để những người quản lý - những đầu tàu toàn tâm, toàn ý vào chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành cho tốt mọi công việc, hoạt động của đơn vị trường học”. 

Những Ban giám hiệu có tâm và có tầm thì làm sao giáo viên dám so bì. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Những Ban giám hiệu có tâm và có tầm thì làm sao giáo viên dám so bì. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Bài viết trên đã gặp phải sự phản đối của nhiều độc giả, bởi họ cho rằng: “Trong thực tế "Làm đúng nghĩa vụ, vai trò, trách nhiệm của Ban giám hiệu rất vất vả, áp lực hơn giáo viên nhiều, như ông, bà từng nói: “Một người lo bằng kho người làm”.

Nhưng trong các trường học hiện nay, có được bao nhiêu Hiệu phó, Hiệu trưởng làm được như thế? 

Theo quyết định 40 của Thủ tướng thì Ban giám hiệu phải làm việc ngày 8 tiếng. Nhưng có Ban giám hiệu nào thực hiện được như vậy? 

Đi trễ về sớm, thậm chí không đến trường, làm việc theo kiểu "chỉ tay 10 ngón". Mặc kệ giáo viên đứng lớp "vật lộn" với học sinh”. 

Với những Ban giám hiệu như thế, sao giáo viên không thể “so bì” cho được?

Ngược lại, với Ban giám hiệu luôn làm đúng chức trách của mình, gương mẫu trong mọi hoạt động, tôn trọng và thấu hiểu giáo viên thì làm sao có sự “so bì” dù là rất ít.

Bản thân tôi là giáo viên cũng đã rất may mắn khi được làm việc với những Ban giám hiệu không chỉ giỏi về chuyên môn còn là người quản lý có tâm và có tầm.

Đó là thầy Võ Phong Hiệp nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Hội 2 (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). 

Đây là hình mẫu Hiệu trưởng mà không giáo viên nào muốn hơn thua, so bì? ảnh 2

Thế nào là một Hiệu trưởng tốt?

Thầy luôn là người đến trường sớm nhất và bao giờ cũng là người rời khỏi trường muộn nhất. 

Luôn coi trường là nhà, ngày đi dạy cũng như những tháng hè, thầy có mặt trên trường để vào từng phòng học, xem từng chiếc bàn, cái bảng, từng chỗ ngồi của các em để sửa chữa, sắp xếp lại cho khoa học. 

Với giáo viên, thầy luôn ân cần, thân thiện, đối xử công bằng với mọi người. Thầy tận tình truyền dạy cho lớp giáo viên sau này những kinh nghiệm giáo dục của mình được đúc kết bao năm. 

Với những thầy cô mới ra trường, thầy ân cần như một người cha nhưng cũng rất nghiêm khắc khi giáo viên nào mắc lỗi. 

Khi được đề xuất làm hồ sơ để xét phong tặng Nhà giáo ưu tú, thầy nói “Tự xét thấy mình chưa xứng đáng nên không tham gia”.

Đó là cô Nguyễn Thị H. hiện là Hiệu trưởng một trường học ở thị xã La Gi. Ở cương vị là một Hiệu trưởng, cô luôn thân thiện, nhẹ nhàng với giáo viên. 

Mọi chuyện trong trường luôn dân chủ và công khai, minh bạch trước tập thể giáo viên nhà trường. 

Trong công việc, cô luôn biết lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của giáo viên để phân công sao cho hợp lý. 

Với những ai vi phạm, cô thường mời lên phòng gặp riêng để nhắc nhở và động viên. Được tôn trọng và giữ thể diện trước mọi người, nhiều giáo viên thấy vô cùng cảm phục.

Cô dùng cái tâm để điều hành công việc chứ không dùng quyền uy của một Hiệu trưởng mà ra lệnh, áp đặt.

Với học sinh, cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh của từng em học sinh trong trường để có biện pháp hỗ trợ thêm cho các em về kiến thức cũng như về kinh tế. 

13 tiêu chuẩn của một Hiệu trưởng tốt và tử tế

Là cô Huỳnh Thị Bích Th. - Hiệu trưởng một trường tiểu học ở thị xã La Gi. Hàng tuần, cô vẫn đều đặn lên lớp giảng dạy (lớp có nhiều học sinh quậy nhất khối để hiểu và cảm thông với giáo viên). 

Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, cô luôn tham gia với vai trò như một giáo viên bình thường. 

Tôi nghe đồng nghiệp kể lại, vào những dịp lễ Tết có giáo viên nào mang quà đến biếu, cô đã thẳng thừng gửi trả lại. Cô luôn đôi xử công bằng với tất cả giáo viên bởi thế ai ai cũng cảm phục và yêu mến.

Những Ban giám hiệu vừa có tầm lại có tâm như thế hỏi sao giáo viên có thể so bì hơn thua cho được?

Phan Tuyết