Đây là ý kiến của giáo viên với kì thi Quốc gia 2017

03/09/2016 07:38
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Về công tác tuyển sinh Đại học, đa số các trường Đại học đều mong muốn Bộ vẫn đứng ra tổ chức một kỳ thi chung để các trường lấy kết quả xét tuyển.

LTS: Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang gấp rút lên kế hoạch, công bố kế hoạch mùa thi năm 2017.

Góp ý về kì thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học kì sắp tới, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết lấy ý kiến của các giáo viên về vấn đề này nhằm hy vọng kì thi Quốc gia năm 2017 sẽ ổn định, ít xáo trộn hơn năm cũ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Thềm năm học mới 2016-2017 đến rất gần, ngành giáo dục lại tiếp tục sẽ có nhiều thay đổi quan trọng tác động mạnh đến nhiều đối tượng, nhất là học sinh và giáo viên, đáng chú là việc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển Đại học sẽ có thay đổi đáng kể.

Trong Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016-2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ sẽ công bố phương án thi 2017 vào đầu năm học mới sắp tới.

Theo đó, Bộ ban hành quy chế và có thể ra đề thi, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến giao cho các Sở Giáo dục dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân các tỉnh/ thành phố.  

Sắp có phương án tuyển sinh năm 2017 (Ảnh: vietnamnet.vn).
Sắp có phương án tuyển sinh năm 2017 (Ảnh: vietnamnet.vn).

Thầy Nguyễn Đỡ, Phó Hiệu trưởng, trường Trung học Phổ thông Lê Trung Đình (Thành phố Quảng Ngãi) cho rằng:

Hình thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp giao về các địa phương không có gì mới, hơn 25 năm về trước ta đã từng làm rồi.

Cách này vừa thể hiện rõ vai trò, quyền hạn và tự  chịu trách nhiệm của các Sở Giáo dục, vừa làm cho tính chất kỳ thi trở nên đơn giản, nhẹ nhàng, tránh được những áp lực căng thẳng không cần thiết cho thí sinh, phụ huynh.

Đây là ý kiến của giáo viên với kì thi Quốc gia 2017 ảnh 2

Năm 2017 nên thi như thế nào?

Tôi tin rằng các địa phương có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, giống như việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp mà họ đã từng làm hàng chục năm nay.

Tôi kỳ vọng thay đổi năm 2017 sẽ ổn định, ít xáo trộn về sau này”.

Tất nhiên, Bộ cần ban hành quy chế thi chung để có sự thống nhất, đồng bộ về các nguyên tắc, các khâu cơ bản cho 63 tỉnh, thành. 

Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm khâu ra đề thi cũng là điều rất tốt, vì đã có nhiều kinh nghiệm, đảm bảo độ chuẩn mực, chính xác, khoa học, phù hợp, giảm thiểu, hạn chế được những sai sót, nhầm lẫn có thể xảy ra; vì sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ so với 63 tỉnh, thành làm riêng biệt”, thầy Đỡ phân tích thêm.     

Về cách thức ra đề thi dự kiến có 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Đây là ý kiến của giáo viên với kì thi Quốc gia 2017 ảnh 3

Thi quốc gia nên có 5 bài, dạng tổng hợp

Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên để làm bài. Dự kiến bài thi theo định dạng tổng hợp ở kỳ thi Trung học Phổ thông sẽ được thiết kế để thi trên giấy.

Cô giáo Nguyễn Thị Lê Minh, ở một trường Trung học Phổ thông thuộc thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chia sẻ:

Đây được xem là điểm mới nhất về cách thức ra đề và các môn thi.

Hai bài thi tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có ưu điểm là hạn chế được tình trạng học lệch, chỉ chú trọng học các môn thuộc khối thi Đại học, còn bỏ rơi các môn học khác hoặc cho là môn “phụ” như Sử, Địa, Giáo dục công dân, tin học; góp phần thúc đẩy dạy- học toàn diện hơn, không “trọng- khinh” môn nào. 

Để cho thí sinh tự chọn 1 trong 2 bài tổng hợp đó, tuy đỡ vất vả, áp lực cho học sinh nhưng vẫn chưa triệt để được tình trạng học lệch đang biểu hiện khá phổ biến ở nhiều học sinh. Ở điểm này, tôi vẫn còn băn khoăn, Bộ nên cân nhắc thêm. Theo tôi cần hướng tới: học gì- thi nấy”.     

Đây là ý kiến của giáo viên với kì thi Quốc gia 2017 ảnh 4

Xét tuyển chung phải được coi là dịch vụ công ích, không phải kỳ thi

Còn công tác tuyển sinh Đại học, đa số các trường Đại học đều mong muốn Bộ vẫn đứng ra tổ chức một kỳ thi chung để các trường lấy kết quả xét tuyển.

Hiện đang có hai phương án tuyển sinh Đại học được đưa ra, đó là Bộ đứng lên tổ chức một kỳ thi chung, các trường có thể tự nguyện tham gia lấy kết quả xét tuyển, nhưng phải sử dụng chung một phần mềm do Bộ quy định để tránh tình trạng ảo như năm 2016.

Hoặc, các trường đứng ra tự tổ chức một kỳ thi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra tình trạng luyện thi; thí sinh phải di chuyển về các thành phố lớn để thi như trước đây.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn cho rằng:

Mười mấy năm, chúng ta tổ chức hình thức “3 chung”, chung đề, chung đợt, chung kết quả, bên cạnh các ưu điểm, hiệu quả, hình thức này cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là chưa chọn được những thí sinh phù hợp với năng lực, ngành nghề để đào tạo Đại học.

Để thay đổi công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bớt ôm đồm, giao quyền tự chủ về cho các trường Đại học.

Theo tôi, trước mắt, các trường Đại học nên chọn và thực hiện theo phương án thứ nhất, bởi lẽ, giảm được nhiều chi phí, đỡ tốn kém cho Nhà nước và phụ huynh, thi cử bớt căng thẳng, áp lực cho thí sinh.

Một khi điều kiện thật sự thuận lợi thì mới tính đến chuyện sử dụng phương án thứ 2”.

Đỗ Tấn Ngọc