Đề Lịch sử thôi thúc thanh niên Việt Nam phát huy nhân tố yêu nước

04/07/2015 15:03
Nhóm PV Giáo dục
(GDVN) - Đề thi môn Lịch sử sáng nay yêu cầu thí sinh có những việc làm cụ thể để củng cố nhân tố yêu nước.

Một trong những câu hỏi nâng cao trong đề Lịch sử sáng nay là “Thanh niên Việt Nam cần làm gì để củng cố, phát huy những nhân tố quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. 

Môn lịch sử là một trong những môn tự chọn được ít thí sinh lựa chọn nhất. Ngày cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia, môn lịch sử vẫn được nhiều người quan tâm vì tính chất của nó. 

Tại Hội đồng thi của cụm thi số 5  -Trường Đại học Thủy lợi, ghi nhận của phóng viên cho biết, không còn cảnh ùn ùn như môn đầu tiên nhưng kết thúc 2/3 thời gian làm bài vẫn nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm thế thoải mái. 

Em Đinh Hồng Quân,Trường THPT Hoàng Cầu  - Hà Nội cho biết, đề lịch sử không khó, đề bình thường, bám sát với chương trình học phổ thông. Đề chủ yếu phân loại học sinh ở câu cuối, đòi hỏi thí sinh phải liên hệ với kiến thức thực tế.

Thí sinh Trần Thị Quyên, đến từ Trường THPT Nam Cao, Hà Nam nhận định, đối với câu hỏi liên hệ với thực tế,em phải chia thành các ý tích cực và tiêu cực để giải quyết câu này.

‎"Tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước, tham gia nghĩa vụ quân sự và không có hành động chống phá, em ấn tượng nhất với câu nhân tố dẫn đến chiến thắng thực dân pháp, em giải quyết như sau: các nhân tố thứ nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tiếp theo là nhân dân một lòng, và cuối cùng là do quân đội phát triển, em khá hài lòng vì em học đội tuyển sử mặc dù có 1 câu em không nhớ và em dự đoán khoảng 70%" Quyên cho hay.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam tại Hội đồng thi Trường Đại học sư phạm Hà Nội, rất ít các thí sinh ra sớm, theo đánh giá của các em đề môn Sử khá mới mẻ, thiên về thực tế nhiều hơn là lí thuyết trong sách vở, hầu hết các em cho rằng có một sự thay đổi khá tích cực trong đề thi năm nay.

Thí sinh Thái Văn Trọng, trường THPT Phan Đình Phùng ( Hà Nội) hồ hởi cho biết: “ Đề thi năm nay khá mới lạ, em thấy khác hẳn so với mọi năm, đề mọi năm nằm trong sách vở là chủ yếu, ít có sự liên hệ tới thực tế, nhưng năm nay chiếm tới 50% là tư duy của thí sinh trong bài làm của mình”.

Cùng quan điểm, một thí sinh tự do tại điểm thi này cho hay: “ Em là dân chuyên ban C, em rất thích đề thi năm nay, khá hay và độc đáo, đề mở cho các thí sinh tự vận dụng kiến thức thực tế của mình bằng việc xem vô tuyến, đọc sách báo,… để suy ra nội dung bài thi. Cấu trúc thì vẫn như mọi năm thôi nhưng nội dung thì thay đổi hoàn toàn, rất hấp dẫn thí sinh”.

“ Em cảm nhận rõ rệt sự khác biệt so với đề thi mọi năm, đề có rất nhiều câu hỏi mở,  không nặng về lí thuyết nhiều, điển hình là câu 2, câu 3, và ý cuối câu 4 cho thí sinh tự lựa chọn mốc lịch sử, và nói lên những suy nghĩ và cảm nhận của mình đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của thanh niên ngày nay, đó là một điểm rất hay trong đề thi, những bạn Trung bình cũng có thể đạt được điểm 5” là ý kiến của Nguyễn Quang Hùng, trường THPT Chu Văn An.

Theo quan sát của PV tại cụm thi Đại học Bách Khoa có khá nhiều thí sinh ra sớm.

Nói về đề thi sử sáng nay, em Lê Quỳnh Anh- Hà Nội chia sẻ: “Em học khối D, trong kì thi quốc gia này em chọn thi môn sử vì em yêu thích môn sử từ năm cấp 2, em thấy đề thi năm nay vừa sức, vì chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể kiếm được điểm 6 trở lên. 

Em thấy năm nay ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa thì còn có phần mở rộng liên hệ thực tiễn. Em nghĩ đây là một câu hỏi mang tính phân loại học sinh bởi nó đòi hỏi thí sinh, bên cạnh kiến thức sách vở cũng cần phải có kiến thức xã hội nhất định” thí sinh này cho biết.

Em Nguyễn Lệ Quyên ( THPT Ngô Quyền – Nam Định) khá tự tin về bài thi của mình. Thí sinh này cho biết, học ban Xã hội, nên ôn rất kĩ môn Sử. 

“Em thấy đề thi năm nay không làm khó thí sinh, nhiều câu hỏi dễ như 2 câu đầu, nhưng vẫn có nhưng câu hỏi khó để đảm bảo phân loại học sinh đó là câu 3 và câu 4 trong đề thi, bằng kiến thức từ sách vở và thực tiễn xã hội hiện nay, nêu ý chí của Việt Nam trong việc đấu tranh giữ vững chủ quyền dân tộc, và liên hệ với thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để giữ gìn và bảo vệ đất nước. Em nghĩ mình đã hoàn thiện rất tốt phần bài thi của mình” Quyên tự tin.

Em Lê Minh Hằng, đến từ Trường THPT Hoàng Văn Thụ- Hà Nội chia sẻ: “Em thi khối M và lựa chọn môn sử là môn tự chọn. Đề thi năm nay Bộ Giáo dục ra đề cũng không quá khó cho học sinh. Câu hỏi vừa phù hợp với các bạn thi đại học và cũng phù hợp với những bạn chỉ xác định thi tốt nghiệp như em. 

Đề thi năm nay có thêm cả câu hỏi mở liên hệ về thế hệ trẻ Việt Nam trong việc củng cố và phát trển được những thành tựu đất nước mà thế hệ cha ông Việt Nam đã xây dựng”.

Tại các điểm thi thuộc cụm thi tỉnh Thái Bình, ghi nhận của phóng viên đề khó và dài, thí sinh học tủ nhiều, thời gian không đủ.

Em Phạm Thị Phương, học sinh trường THPT Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên cho hay đề sử dài, nhiều nội dung mở nhưng không khó. “Phòng em vắng 6 người, chỉ  được 2/3 thời gia thì cả phòng ra. Em thấy câu hiệp định Giơ-ne- vơ khó, em nghĩ mãi không ra vì em chưa học phần đấy. Em định thi trường báo chí nhưng kết quả làm sáng nay thì hơi khó” Phương luyến tiếc.

Thí sinh Nguyễn Thị Hương, học sinh trường THPT Hùng Vương nhận định: “Em thấy đề năm nay khó, dài và mở rộng nhiều. Đề năm nay em vướng mắc câu Hiệp định Giơ -ne –ver, em mất nhiều thời gian. Nhất là câu hỏi về Nhật Bản em không làm được vì em học phần về Trung Quốc nhưng đề lại ra Nhật Bản”.

“Đề sát với thực tế, có 6 điểm cơ bản và 4 điểm mở rộng, phải nắm chắc được mới làm được. Câu Hiệp định Giơ-ne- vơ khó, em nói là sự phân bố theo lí thuyết là đúng nhưng em không biết cách giải quyết câu này. Em mất khoảng hơn tiếng câu này” đây là lời chia sẻ từ thí sinh Phạm Hữu Hoàng, học sinh trường THPT Đông Hưng Hà. 

Chiều nay, các thí sinh sẽ dự thi tiếp môn tự chọn cuối cùng trong Kỳ thi THPT quốc gia-môn Sinh học. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ cập nhật đáp án chính thức các môn trong chiều nay. Mời độc giả đón xem. 

Nhóm PV Giáo dục