Đề ra theo tinh thần Thông tư 22, thây và trò quay cuồng ôn tập

14/10/2017 07:28
Phan Tuyết
(GDVN) - “Đề ra kiểu này phải cho con vào lò luyện violimpic mới làm được. Rút kinh nghiệm lần này, sang năm tôi sẽ cho con đi học từ đầu năm”.

LTS: Trước những khó khăn trong việc ra đề và chấm điểm theo quy định của Thông tư 22, đặc biệt là đối với những giáo viên vùng cao, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết phân tích rõ những bất cập này.

Theo đó, cô Tuyết cũng cho rằng, nên để cho giáo viên được linh động trong việc ra đề vừa phản ánh đúng thực chất chất lượng học tập của học sinh, vừa khuyến khích được học sinh học tập mà giáo viên không phải tìm cách đối phó như hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thông tư 22 đã điều chỉnh những hạn chế, những tồn tại đồng thời kế thừa và phát huy những ưu điểm vượt trội của Thông tư 30.

Một trong những điểm thể hiện rõ nhất bằng quy định ra đề kiểm tra định kì căn cứ vào yêu cầu môn học dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng theo 4 mức độ nhận thức thay vì 3 mức độ như Thông tư 30 trước đây.

Để đáp ứng tốt với yêu cầu của đề ra, học sinh tiểu học phải gồng mình ôn luyện những dạng toán vượt chuẩn thường có trong các đề ôn luyện toán violimpic.

Theo phán đoán của nhiều thầy cô giáo sẽ không còn tình trạng “lạm phát” học sinh giỏi như những năm về trước.

Hình ảnh minh họa cách ra đề Kiểm tra Cuối Học kì II Môn Tiếng Việt Lớp 5 theo thông tư 22 (Ảnh chụp màn hình từ kênh Tulieuhocvn).
Hình ảnh minh họa cách ra đề Kiểm tra Cuối Học kì II Môn Tiếng Việt Lớp 5 theo thông tư 22 (Ảnh chụp màn hình từ kênh Tulieuhocvn).

Thông tư 22 bổ sung quy định ra đề kiểm tra định kì kết quả học tập các môn học trên đây căn cứ vào yêu cầu môn học dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng theo bốn mức độ nhận thức. Cụ thể:

Mức 1: nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kĩ năng đã học.

Mức 2: hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức

theo cách hiểu của cá nhân.

 Mức 3: biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề

quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộcsống.

Mức 4: vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lí trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.

Bởi thế, khi thiết kế đề kiểm tra giáo viên phải bám sát vào ma trận đề để ra theo đúng 4 mức độ nêu trên. Phần lớn yêu cầu học sinh phải đạt được ở 2 mức độ (nhận biết và thông hiểu) số điểm đạt được dao động ở mức 5, 6.

Ở mức độ 3 các em phải biết vận dụng kiến thức kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc tương tự trong học tập, cuộc sống.

Đề ra theo tinh thần Thông tư 22, thây và trò quay cuồng ôn tập ảnh 2

Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò

Học sinh vượt qua cấp độ hiểu đơn thuần và có thể sử dụng, xử lý các khái niệm của chủ đề trong các tình huống tương tự hoặc gần giống như tình huống đã gặp trên lớp.

Điều đó có thể bao gồm việc áp dụng các quy tắc, phương pháp, khái niệm đã học vào xử lí các vấn đề trong học tập, trong đời sống thường ngày. Mức độ này cao hơn so với mức độ nhận biết và thông hiểu. Mức điểm đạt được khoảng 7, 8.

Mức 4 là vận dụng các kiến thức kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề mới hoặc sắp xếp cấu trúc lại các bộ phận để hình thành một tổng thể mới.

Học sinh có khả năng sử dụng các khái niệm cơ bản để giải quyết một vấn đề mới hoặc không quen thuộc chưa từng được học hoặc trải nghiệm trước đây.

Điều đó có thể bao gồm việc tạo ra một chủ đề hoặc bài phát biểu, một kế hoạch hành động, hoặc một sơ đồ mạng lưới các quan hệ trừu tượng (sơ đồ để phân lớp thông tin).

Mức độ này cao hơn so với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thông thường. Nó nhấn mạnh các yếu tố linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt tập trung vào việc hình thành các mô hình hoặc cấu trúc mới. Học sinh làm được yêu cầu này mức điểm 9, 10.

Thầy trò quay cuồng với việc ôn luyện

Để học sinh làm được bài đạt từ mức khá trở lên giáo viên phải ôn luyện cho các em thêm nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa. Thế rồi, từ những kiến thức cơ bản đã học nhiều câu hỏi nâng cao, nhiều dạng toán khó hơn được đưa ra ôn luyện.

Với trường học 2 buổi/ngày, học sinh có thêm nhiều tiết học bổ sung nên giáo viên có thời gian để hướng dẫn các em ôn luyện giảm việc học ở nhà cho học sinh.

Với trường học 1 buổi/ngày buộc thầy cô phải cho thêm bài tập về nhà. Nhưng không ít gia đình cha mẹ không thể dạy con học và giải pháp tối ưu nhất là gửi con đến lớp học thêm.

Với những yêu cầu đề thi phải có mức 3, 4 như thế, không ít giáo viên hiểu theo cách của mình rằng mức 3 và 4 là những kiến thức không có trong sách giáo khoa, những kiến thức nâng cao buộc học sinh phải có sự suy luận logic mới làm được.

Đề ra theo tinh thần Thông tư 22, thây và trò quay cuồng ôn tập ảnh 3

Giáo viên Tiểu học nhìn nhận những điểm mới ở Thông tư 22

Thế rồi, các trường cứ thoải mái ra đề. Đề khó hay dễ còn phụ thuộc vào sự hiểu biết của từng ban giám hiệu. Thế mới xảy ra tình trạng nơi ra đề quá khó, nơi lại vô cùng dễ.

Có trường vì đề dễ nên số học sinh đạt điểm 9,10 rất cao khoảng hơn 50% số học sinh trong lớp. Nhưng cũng có không ít trường hơn một trăm học sinh chẳng tìm đâu ra một điểm 9,10.

Không ít phụ huynh nói rằng: “Đề ra kiểu này phải cho con vào lò luyện Violimpic mới làm được. Rút kinh nghiệm lần này, sang năm tôi sẽ cho con đi học từ đầu năm”.

Khó khăn cho học sinh vùng khó

Điểm bất hợp lý khi áp dụng cách ra đề như Thông tư 22, trong chương trình học của các em, kiến thức được cung cấp cho các em chỉ ở mức 1,2. Những nội dung khó trước đây đã được giảm tải hết.

Thế mà nay, đề kiểm tra học kì lại ra đề khó gấp nhiều lần những kiến thức đã giảm tải. Có điều gì mâu thuẫn ở đây chăng?

Riêng một số đồng nghiệp dạy ở huyện Cư Rút tỉnh Đắc Lắc cho biết, giáo viên gặp khó khăn khi thực hiện ra đề theo Thông tư 22 bởi học sinh vùng dân tộc dạy cho các em đạt chuẩn đã khó nói gì đến việc học sinh hiểu, biết vận dụng một cách nâng cao.

Chẳng hạn môn Tiếng Việt, phần viết chiếm 8 điểm, hiểu bài 2 điểm. Theo thầy cô giáo nơi này, học sinh còn phải tăng cường tiếng Việt nên để các em viết được đoạn văn, bài văn theo yêu cầu là vô cùng khó.

Có giáo viên băn khoăn: “Đánh giá thực chất phải hơn 50% điểm dưới trung bình nhưng như thế là không được phép.

Bởi thế, giáo viên chỉ còn cách nâng điểm, sửa điểm mới đạt. Nhưng làm như thế là dối lương tâm người giáo viên chân chính. Nhiều thầy cô trăn trở không biết phải làm thế nào cho đúng.

Từ thực tế đó, nguyện vọng của nhiều giáo viên dạy vùng dân tộc, vùng cao đề ra không buộc phải theo ma trận và quy định của Thông tư 22.

Nên để cho giáo viên được linh động ra đề vừa phản ánh đúng thực chất chất lượng học tập của học sinh, vừa khuyến khích được học sinh học tập mà giáo viên không phải tìm cách đối phó như hiện nay.

Phan Tuyết