Đề toán thi thử ở Hà Nội bị sai là do lỗi đánh máy

21/03/2017 10:03
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu không tạo ra sự minh bạch trong giáo dục đặc biệt là thi cử thì khi có lỗi sai về đề thi, đáp án, thí sinh sẽ là người chịu thiệt thòi.

Sau khi học sinh lớp 12 tại Hà Nội kết thúc thời gian làm bài môn Toán trong kỳ thi thử trung học phổ thông quốc gia 2017, thầy Nguyễn Bá Tuấn - giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội  cho biết:

Mã đề 015 sai câu 37, cả 4 đáp án trong đề đều không đúng. Thật may, vì đây là kỳ thi thử, nếu không sẽ là một cơn đau đầu thực sự”

Ngay sau đó, ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thừa nhận sai sót trong quá trình làm đề: “Đề bị sai là do "lỗi đánh máy" nên cả câu không có đáp án đúng. Ngày 21/3, lãnh đạo Sở sẽ họp và ra phương án giải quyết”.

Câu 37 trong mã đề 015 không có đáp án đúng.
Câu 37 trong mã đề 015 không có đáp án đúng.

Thử hỏi, nếu lỗi sai này xảy ra trong kì thi thật thì hậu quả sẽ như thế nào? Và nếu đề thi, đáp án không được công bố thì phương án giải quyết sẽ là gì?

"Sai sót này đã cho chúng ta thấy, nếu không tạo ra sự minh bạch trong giáo dục đặc biệt là thi cử thì khi có lỗi sai về đề thi, đáp án, thí sinh sẽ là người chịu thiệt thòi. Trong khi, toàn ngành đang thực hiện “vì người học”", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận. 

Phải chăng, dự báo trước được có thể có những “lỗi đánh máy” này nên trước cuộc tranh luận giữa việc “Nên hay không nên công bố đề thi, đáp án trong kỳ thi quốc gia 2017”, nhiều chuyên gia đã khẳng định với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: 

Chỉ khi đề thi, đáp án được công bố thì thí sinh và xã hội yên tâm và hoan nghênh, xã hội giúp giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét đề thi nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng. 

Và khi đó, về phía các bộ phận làm đề thì sẽ tăng ý thức trách nhiệm khi được giám sát. 

Thùy Linh