Đề văn khối C, D hứa hẹn nhiều bài làm hay

12/07/2012 06:20
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Có một thực tế trong ngành giáo dục Việt Nam là, ngay từ cấp Tiểu học, học trò đã luôn học theo công thức khô cứng. Nếu học sinh viết những gì trái với bài mẫu cô dạy thì sẽ bị điểm thấp. Tại sao lại thế? Năng lực giáo viên hạn chế chỉ là một phần, cái chính vẫn là bệnh thành tích.
Đề thi văn dạng mở: kẻ khóc, người cười.

Năm nay, đề thi khối C yêu cầu thí sinh viết đoạn văn 600 chữ nêu ý kiến về quan niệm: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu". Đề văn này phù hợp với thực tế không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều thí sinh cho rằng đây là đề thi lạ và khó nên nhiều bạn sẽ mất điểm do phân tích không sâu.

Trong khi đó, đề thi khối D đặt ra vấn đề văn hóa thần tượng: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa". Khi được hỏi về đề bài thần tượng, nhiều thí sinh cho rằng mình đã... trúng tủ. Bởi đây là đề thi hết sức gần gũi, đã được báo chí và truyền hình đề cập đến rất nhiều trong thời gian vừa qua, lại là vấn đề mà giới trẻ quan tâm nên các bạn có nhiều dẫn chứng để đưa vào bài làm.
Tuyên ngôn của một thành viên thuộc Fan của Super Junior (một nhóm nhạc nam Hàn Quốc)
Tuyên ngôn của một thành viên thuộc Fan của Super Junior (một nhóm nhạc nam Hàn Quốc)

Khi bước vào tuổi mới lớn, ai cũng có một vài thần tượng dành cho mình, thế nhưng việc hâm mộ thần tượng dẫn đến hành động quá khích, những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực là đáng báo động. Đó là câu chuyện kể về một bạn trẻ có thể quỳ xuống hôn... ghế ngồi của một ngôi sao ca nhạc, được coi là thần tượng. Người ta cho rằng, bạn trẻ đó không còn biết thế nào là danh dự và thể diện của bản thân nữa. Thế nhưng, trong số hàng nghìn thí sinh tham dự, chắc hẳn không ít thí sinh cũng đã thần tượng như bạn trẻ kia. Thế còn chính các bạn, những người trong cuộc nói gì? Đề thi này hứa hẹn sẽ có rất nhiều những bài làm thú vị của học sinh.

Để phân tích câu này thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin thời sự, báo chí. Nhưng, một bộ phận thí sinh khác, vốn không tiếp cận thường xuyên với báo mạng và thông tin truyền thông thì lại bị bối rối trước đề thi này. Những bạn học sinh miền núi, không được tiếp cận với internet, chỉ đọc sách báo có được từ chương trình hỗ trợ miền núi của chính phủ, có bạn đã thú nhận mình không biết có thứ gọi là “mê muội thần tượng” như đề bài giao. Một bạn học sinh thật thà: “Em chỉ thần tượng cô giáo dưới xuôi lên, nhưng không biết thế nào là mê muội thần tượng”.

Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học
Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học
ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC CỦA BỘ GIÁO DỤC: TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI B 2012  - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI A 2012 - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH TOÁN, VĂN KHỐI D 2012 - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI C 2012 - ĐÁP ÁN ĐH CÁC MÔN NGOẠI NGỮ KHỐI D 2012

Hướng đi mới cho cách ra đề thi.

TS. Định Văn Thiện, Nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét: “Câu nghị luận chính trị xã hội của đề khối D cũng là một câu rất hay, cảnh tỉnh những biểu hiện bồng bột, quá trớn đến mức thiếu văn hóa của nhiều bạn trẻ hiện nay đối với các thần tượng của họ mà chủ yếu lại là các thần tượng thuộc lĩnh vực vui chơi giải trí, trong khi đó các thần tượng trong học tập, tu dưỡng… rất đáng được tôn vinh thì họ lại thờ ơ”.
PGS.TS Nguyễn Thị Bình trong lần chia sẻ với PV Báo GDVN đã nhận xét: “Tôi luôn ủng hộ những đề thi có độ mở để gợi sáng tạo, suy nghĩ độc lập, chủ kiến riêng của mỗi người. Kinh nghiệm sống khác nhau, quan niệm sống và thẩm mĩ khác nhau mới đúng với bản chất của một Xã hội - dân chủ khi ý thức cá nhân phát triển cao”.
Có một thực tế trong ngành giáo dục Việt Nam là, ngay từ cấp Tiểu học, học trò đã luôn học theo công thức khô cứng. Nếu học sinh viết những gì trái với bài mẫu cô dạy thì sẽ bị điểm thấp. Tại sao lại thế? Năng lực giáo viên hạn chế chỉ là một phần, cái chính vẫn là bệnh thành tích. Đề thi các cấp cũng loanh quanh với chương trình sách giáo khoa, chỉ mang ý nghĩa học sinh phải... trả bài cũ.

Như vậy, đề thi văn khối C, khối D năm nay đã có dấu hiệu chuyển biến tương đối rõ rệt, đề có độ mở nhằm kiểm tra tri thức rộng, đòi hỏi năng lực khái quát, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Cơ cấu đề thi thường có ba câu bao gồm: Nghị luận xã hội, nghị luận văn học, lý luận là hợp lý.

Đỗ Quyên Quyên