Đề văn khối D: Nghị luận xã hội khiến thí sinh khó đưa ra quan điểm

10/07/2013 13:56
Diện Hứa-Xuân Trung
(GDVN) -Môn văn là môn thi cuối cùng trong đợt thi ĐH khối D và C. Được đánh giá là môn cần khá nhiều thời gian, nhưng chưa hết giờ thi, đã có nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm.
Ra trước giờ gần 30 phút, Vũ Hoàng Tuấn, thi khoa công nghệ thông tin than thở: “ Câu 1 em bỏ không làm, câu 2 và câu 3 em làm không tốt lắm. Em nghĩ mình chỉ được 4 điểm”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều thí sinh mông lung về bài làm của mình. Đặc biệt, đề nghị luận xã hội nêu ra một nhận xét về tính thụ động của người Việt Nam, làm nhiều thí sinh khó đưa ra quan điểm của mình. Tuy nhiên, đa số thí sinh tự tin đạt điểm khá trở lên.

“Em làm bài  khá tốt, nhưng em thấy câu 1 hơi khó. Câu 2 em dễ nhưng để viết trúng thì khó”, Nguyễn Phương Thảo, thi khoa tiếng Ý chia sẻ. Nói về đoán điểm, Thảo tự  tin mình được 6-7 điểm.

Còn Trần Thị Thía, thi khoa ngôn ngữ Anh cho biết: “Em làm bài khá tốt. Em tự tin nhất là câu nghị luận xã hội, em có đồng ý với ý kiến của anh ấy, đa số người Việt Nam luôn đi sau. Em cũng đưa ra những biện pháp là: người Việt Nam cần giữ tính cần cù, cần có hoài bão, ước mơ”.  

Khác với hai bạn trên , Đào Anh Tú, thi vào khoa quản trị kinh doanh chia sẻ: “Em thấy phần khó nhất là câu nghị luận xã hội, nhưng em lại làm tự tin nhất”.
Chưa hết giờ đã có nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi. Ảnh: Diện Hứa
Chưa hết giờ  đã có nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi.  Ảnh: Diện Hứa
Nằm trong số ít thí sinh đưa ra quan điểm rõ ràng của mình trong bài viết về đề nghị luận xã hội, Nguyễn Thị Thu Thủy, thi khoa tiếng Đức khẳng định: “Em không đồng ý với ý kiến của họ, em thấy người Việt Nam không thụ động chút nào. Còn về giới trẻ thì em lấy dẫn chứng về người phát minh ra máy bóc lạc tự động...”.

Câu chiếm nhiều điểm nhất là câu nghị luận văn học, tuy nhiên cấu trúc đề hơi lạ so với năm ngoái nên nhiều thí sinh còn bỡ ngỡ. Hơn nữa, đa số thí sinh chọn làm câu văn xuôi hơn là chọn câu về thơ.

Trần Ngọc Lan Thi, thi trường Công nghệ  bưu chính viễn thông tâm sự:  “Câu 1, em nói về  tính thơ mộng trữ tình về con sông Đà, nói về tình yêu thiên nhiên, gần gũi với con người và nhân cách hóa của con sông Đà”.

Nhận xét về phần văn học, Lan Thi chia sẻ: “ Em thấy phần nghị luận văn học dễ nhưng đề hơi lạ nên ban đầu còn bỡ ngỡ”.

Lan Thi cho biết: đề đưa ra hai nhận xét về tính cách của nhân Phùng trong tác phẩm “ Chiếc thuyền ngoài xa”, chứ không  phải đề yêu cầu so sánh hai tác phẩm hay phân tích hai tác phẩm như mọi năm”.

Lê Thu Trang, thi khoa tiếng Đức cũng nói: “ Câu nghị luận văn học em thấy đề lạ nhưng vẫn cố gắng làm hết và làm tốt nhất. Mục tiêu em đưa ra là 8 điểm nhưng em nghĩ chắc mình chỉ được 7 điểm. câu về tái hiện kiến thức em bị thiếu nhiều ý”.

Trang cũng nói thêm: “Em thấy phòng em có nhiều bạn bỏ thi,  sĩ số là 42 nhưng các bạn bỏ thi còn có 27 người. Còn các bạn trong phòng cũng nhiều bạn không làm được, có bạn chỉ làm được hai mặt giấy thôi”.

Nhận xét về đề Văn khối D sáng nay, giáo viên Hoàng Minh Khánh  - Giáo viên Trung tâm Ôn thi trực tuyến Onthi.net.vn cho biết, đề thi Văn khối D có phần nghị luận xã hội mang tính chất thời sự, đây là vấn đề mà giới trẻ đang rất trăn trở và đang tim hướng đi cho mình. Vấn đề thụ động là vấn đề gây hứng thú với thí sinh, có sự bàn luận. Đề thi này có phần nghị luận văn học với 2 tác phẩm được chọn là 2 tác phẩm hay, tiêu biểu và nội dung ra đề là vấn đề trọng tâm của tác phẩm để thí sinh bàn luận. Từ đó có thể rút ra cho mình những bài học mang giá trị nhân sinh sâu sắc.

Theo giáo viên Khánh, đề thi năm nay với 2 câu 3a, 3b đều yêu cầu thí sinh bình luận nên đề thí có phần đơn điệu.

Nhận định khác, Thạc sĩ Nguyễn Trúc Loan - Giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông – Sài Gòn cho biết, đề thi năm nay tương đối khó nên học sinh trung bình nếu nắm chắc kiến thức mới có thể đạt khoảng 4-5 điểm.

“Đề thi năm nay mang tính phân loại cao và tương đối khó nên thí sinh phải nắm vững những kỹ năng làm văn nghị luận cơ bản. Học sinh phải có vốn hiểu biết về các vấn đề xã hội một cách sâu sắc, phong phú.  Với câu 1 của đề thi, thí sinh phải đọc thật kỹ đề, nắm chắc các chi tiết quan trọng trong đề thi” Thạc sĩ Loan nhận định.
Diện Hứa-Xuân Trung