Đến lượt 114 giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh viết đơn kêu cứu

08/04/2019 07:10
Vũ Ninh
(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của 114 giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh.

Giáo viên rơi nước mắt sau 17 năm cống hiến

Câu chuyện 256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn kêu cứu trước nguy cơ mất việc còn chưa lắng lại thì mới đây tập thể giáo viên hợp đồng hơn 100 con người tại huyện Đông Anh viết thư kêu cứu.

Nội dung đơn kêu cứu của tập thể giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh cũng tập trung vào kỳ thi tuyển viên chức tới đây.

Đến lượt 114 giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh viết đơn kêu cứu ảnh 1Lỗi của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, sao đổ lên đầu giáo viên hợp đồng?

Trong đó các giáo viên hợp đồng bày tỏ nguyện vọng: "Được xét đặc cách vào viên chức giáo dục thay vì tuyển sinh như thí sinh tự do".

Theo nội dung đơn thư, phóng viên đã có buổi trò chuyện với một số giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh.

Đại diện cho hơn 100 giáo viên hợp đồng tại Đông Anh, chị N.T.M bày tỏ tâm tư:

"Chúng tôi đại diện cho hơn 100 giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh muốn nói lên tiếng nói của mình.

Chúng tôi về đây dạy hợp đồng từ khi huyện còn thiếu thốn giáo viên. Từng ấy năm đến nay, người công tác ít (thời gian) 5-7 năm, người thâm niên 10-20 năm.

Nhưng kể từ đó đến nay các giáo viên Trung học cơ sở chỉ được hưởng mức lương cơ bản nhân hệ số 1,86.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng anh chị em luôn động viên nhau làm tốt công việc của mình.

Nhiều thầy cô được tặng giấy khen của các cấp, được tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục và là giáo viên nòng cốt của trường.

Thế nhưng có thể sau lần thi viên chức chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ mất việc".

Đề cập đến kỳ thi viên chức năm nay, chị M. khẳng định: "Anh chị em bảo nhau dù có thi cũng chắc chắn trượt".

Theo nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh họ đã nhìn thấy được sự thua thiệt của mình trong kỳ thi lần này.

Chị H.T.K – giáo viên mầm non chia sẻ: "Chúng tôi là những giáo viên được đào tạo từ thế hệ trước nên sẽ có sự thua thiệt nhất định so với lớp trẻ.

Thứ nhất: Thời bấy giờ việc học hành là bằng thật không có sự gian dối như bây giờ.

Tôi nhớ cả lớp tôi chỉ có 2 người được bằng khá vì thời xưa học rất khó.

Thậm chí đi thực tập người ta cũng rèn mình cho thành người thì mới thôi.

Nhưng bây giờ tôi thấy nhiều bạn thuê người học hộ nhưng vẫn được bằng giỏi.

Thứ hai: Thế hệ của chúng tôi mặc dù có được học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp.

Nhưng nhiều năm qua chúng tôi chỉ tập trung chuyên môn, không sử dụng đến tiếng nước ngoài và thế hệ chúng tôi không được đào tạo bài bản như thế hệ bây giờ.

Bên cạnh đó các em học sinh bây giờ đầu nhanh nhạy và tiếp thu với cái mới, thế hệ của chúng tôi không theo kịp.

Nhưng bù lại chúng tôi hơn hẳn về kinh nghiệm giảng dạy, kỹ năng truyền đạt, tinh yêu đối với nghề.

Hai thế hệ ở hai thập kỷ khác nhau thi đấu không thể gọi là công bằng".

Với những lý do kể trên các giáo viên hợp đồng lâu năm tại Đông Anh đều khẳng định rằng: Nếu có thi viên chức lần này thì cơ hội đỗ viên chức của họ đều rất thấp chưa kể đến những tác động từ việc thiếu công bằng, thiếu minh bạch.

Nhiều giáo viên cũng chỉ ra những bất cập trong kỳ thi viên chức lần này. Chị M. cho biết:

"Năm 2013 có chủ trương xét đặc cách cho các giáo viên hợp đồng lâu năm.

Nhưng thời điểm đó chúng tôi không hề được huyện thông báo và cũng không biết để làm hồ sơ nên chỉ có bên mầm non là được xét đặc cách.

Từ ngày ấy đến nay ai cũng hy vọng và trông chờ vào một cơ chế dành cho giáo viên hợp đồng.Càng hy vọng bao nhiêu chúng tôi càng quyết tâm bấy nhiêu.

Tiếng là giáo viên hợp đồng nhưng chúng tôi về chuyên môn, trình độ và thời gian làm việc chẳng thua kém ai.

Thậm chí nhiều ngày nghỉ chị em cũng phải làm việc như bao giáo viên khác.

Quyết tâm là thế, yêu nghề là thế nhưng cái mà chúng tôi nhận được hiện giờ là sự cay đắng.

Tại sao bây giờ lại bắt chúng tôi thi để chứng minh mình có đủ năng lực đứng lớp trong khi nhiều năm qua chúng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc công việc, được nhà trường tín nhiệm, phụ huynh tin tưởng.

Những thành tích ấy, những tấm bằng khen, giấy khen là sự ghi nhận và là minh chứng rõ nhất cho năng lực của chúng tôi".

Lá đơn kêu cứu của tập thể giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh (Ảnh: Vũ Ninh)
Lá đơn kêu cứu của tập thể giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh (Ảnh: Vũ Ninh)

Chung nỗi niềm với chị M. nhiều giáo viên hợp đồng cũng bày tỏ sự thất vọng.

Theo thầy cô, điều mà họ cảm thấy mất mát không phải là công việc và mức lương hơn 3 triệu đồng/ 1 tháng.

Điều mà họ mất đi đó chính là danh dự, nỗi đau về tinh thần, sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Chị M. rơi nước mắt: "Đúng là nếu ngày xưa tôi chấp nhận bỏ nghề thì đã không khổ như bây giờ.

Nhưng chỉ vì tôi quá yêu nghề nên mới tiếp tục đi dạy. Với số lương hơn 3 triệu mỗi tháng tôi nhận được, tôi có thể làm nhiều công việc khác để có thu nhập hơn thế.

Gia đình tôi có truyền thống dạy học cho nên tôi chỉ nghĩ đấy làm động lực để theo đuổi nghề này.

Nhưng nếu những giáo viên như chúng tôi bị cắt hợp đồng, không thi đỗ viên chức thì ánh mắt của xã hội sẽ nhìn chúng tôi như thế nào?

Người tốt thì họ hiểu và thông cảm, còn người không thông cảm thì họ bàn tán sau lưng.

Họ nói chắc cô giáo này không có trình độ nên mới bị cắt hợp đồng, mới thi trượt viên chức.

Những điều này không biết các lãnh đạo có nghĩ cho chúng tôi hay không?"

Kết thúc câu chuyện các thầy cô đồng lòng kiến nghị: “Chúng tôi thông qua báo chí bày tỏ mong muốn sẽ có cơ chế xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm và có năng lực”.

Thành phố chỉ đạo, huyện làm sai, giáo viên gánh chịu

Nhiều giáo viên chỉ ra những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên hợp đồng của huyện Đông Anh tồn tại hàng chục năm qua.

Thứ nhất: Đối với khối Trung học cơ sở, chế độ lương của giáo viên qua hàng chục năm vẫn giữ ở mức lương cơ bản nhân hệ số 1,86.

Đến lượt 114 giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh viết đơn kêu cứu ảnh 3Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải

Trong khi đó theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều Quận, Huyện thuộc Thủ đô Hà Nội, giáo viên hợp đồng được trả lương cao bằng lương viên chức và được tăng lương theo cấp bậc.

Chẳng hạn có những giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đã tăng đến bậc lương cao nhất.

Chị M. đã có thâm niên 17 năm đi dạy nhưng chỉ được hưởng mức lương cơ bản nhân hệ số 1,86 trong suốt những năm qua.

Với mức lương thấp như vậy các giáo viên hợp đồng vẫn phải nỗ lực hết sức bám trụ với nghề:

"Chúng tôi có kiến nghị xem xét chế độ lương cho giáo viên. Đối với giáo viên hợp đồng  cấp 2 bao nhiêu năm qua chỉ được hưởng mức lương cơ bản nhân hệ số 1,86.

Ngoài ra trong một số năm chúng tôi không được hưởng lương hè, không được đóng bảo hiểm lao động, không được tăng lương".

Theo tài liệu phóng viên có được, một số bản hợp đồng đã được ký cách đây cả chục năm.

Chẳng hạn như hợp đồng của cô Nguyễn Thị Huế được ký ngày 1/9/2005 đến ngày 30/6/2006.

Nhưng kể từ ngày 1/9/2005 đến nay Huyện không hề ký tiếp hợp đồng với cô nhưng vẫn sử dụng lao động bình thường và trả lương.

Nếu căn cứ vào Điều 22 Bộ Luật lao động: Khi hết hợp đồng lao động, hai bên phải ký hợp đồng lao động mới, nếu không ký hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Trong khi đó Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh vẫn tiếp tục sử dụng và trả lương cho giáo viên.

Như vậy cần tính đến việc Huyện đã mặc nhiên công nhận họ là những người lao động không xác định thời hạn.

Tuy nhiên từng ấy năm các thầy cô chỉ được nhận mức lương cơ bản, không tăng lương và không có phụ cấp thâm niên.

Những giáo viên hợp đồng Đông Anh hàng chục năm vẫn không được kí hợp đồng mời (Ảnh: Vũ Ninh)
Những giáo viên hợp đồng Đông Anh hàng chục năm vẫn không được kí hợp đồng mời (Ảnh: Vũ Ninh)

Thứ hai: Theo một số giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng của huyện Đông Anh cho biết họ đã bỏ lỡ đợt xét đặc cách năm 2013 với lý do bị đóng bảo hiểm thiếu thời gian.

Chị N.T.A bức xúc: "Năm 2013 có đợt xét tuyển đặc cách viên chức giáo viên hợp đồng thâm niên khối mầm non.

Trước đó năm 2009-2010 chúng tôi lại không được đóng bảo hiểm.

Thành ra đến năm 2013 thiếu thời gian đóng bảo hiểm 3 năm. Vì thế chúng tôi từ diện được đặc cách lại trở thành không đủ tiêu chí.

Nếu như thời điểm đấy được xét đặc cách thì có lẽ đến thời điểm này chúng tôi không khổ như vậy".

Theo các giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh sự thiếu quan tâm của lãnh đạo huyện và sự buông lỏng quản lý hàng chục năm là một phần nguyên nhân đẩy họ đến cơ sự này:

"Khi thấy lãnh đạo huyện Sóc Sơn họ có ý kiến lên thành phố chúng tôi cũng chỉ mong nhận được sự quan tâm như vậy vì chế độ bên đấy dẫu sao cũng hơn chúng tôi bên đây.

Chúng tôi cho rằng thành phố chỉ đạo nhưng trước đó huyện làm sai. Mọi hậu quả chỉ có chúng tôi gánh chịu vì lãnh đạo rồi cũng về hưu.

Nhưng bao nhiêu tủi hổ, thiệt thòi chỉ có giáo viên chúng tôi là đứng mũi chịu sào".

Vũ Ninh