Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 3): Con gọi mẹ bằng… chị!

18/09/2017 07:01
XUÂN QUANG - HỮU CHÍ
(GDVN) - Họ nén đau, đối mặt với những khó khăn, thử thách, gieo chữ cho trò nghèo vùng cao bằng tất cả tình yêu thương của mình.

LTS: Quý vị bạn đọc đang theo dõi bài viết thứ 3 trong loạt bài do phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua tại miền Tây Thanh Hóa.

Câu chuyện về cuộc sống thầy trò, về học cái chữ của con trẻ ở nơi thâm sơn cùng cốc này để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ...

Ở bản Cò Cài, dân bản quen gọi những thầy cô giáo cắm bản là "những người lính không mang quân hàm”, bởi những cống hiến, hy sinh của họ đối với giáo dục vùng cao.

"Những người lính không mang quân hàm”, nén đau, bỏ lại phía sau gia đình, người thân, đối mặt với những khó khăn, thử thách, vượt núi gieo chữ cho trò nghèo bằng tất cả những tình yêu thương của mình.

Những hy sinh thầm lặng

Trong chuyến công tác lần vùng biên lần này, hầu hết các thầy cô giáo chúng tôi có dịp tiếp xúc đều là người dưới xuôi. Người ít thì cũng vài năm công tác, người lâu  nhất cũng gần 20 năm bám bản.

Ban đầu, khi họ đặt chân tới vùng biên viễn, không ai nghĩ rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với chốn thâm sơn cùng cốc này.

Nhưng rồi lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, đùm bọc, yêu thương của dân bản, những "người lính không mang quân hàm" đã vượt qua những khó khăn, vất vả, coi vùng bản Cò Cài, Cá Ráng, Lìn... (xã Trung Lý) là quê hương thứ 2 của mình. 

Khoảnh khắc giáo viên tự tạo niềm vui cho nhau sau mỗi giờ lên lớp: Ảnh: Xuân Quang.
Khoảnh khắc giáo viên tự tạo niềm vui cho nhau sau mỗi giờ lên lớp: Ảnh: Xuân Quang.

Nhìn vóc dáng dong dỏng, ít ai nghĩ rằng, cô Trần Kim Quế (thành phố Thanh Hóa) lại có bề dày thành tích băng rừng, vượt núi nhiều hơn bất cứ giáo viên nào tại trường tiểu học Trung Lý 2.

Tốt nghiệp Đại học Hồng Đức năm 2001, cô giáo trẻ quyết định bỏ phố lên rừng (Sài Khao, Mường Lý) bởi nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề, mến trẻ.

Thời điểm nhận quyết định lên vùng biên viễn công tác, cũng là lúc cô Quế đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa công việc và gia đình, mà sự lựa chọn nào cũng đều mang đến sự tổn thương cho bản thân. 

Thậm chí gia đình từng có lúc đổ vỡ vì quyết định táo bạo của người phụ nữ nhỏ nhắn, gan dạ. 

“Lúc đó mình đã sinh bé gái đầu lòng, ông xã thì kiên quyết không cho vợ đi vì sợ vất vả. Chồng bảo, lương giáo viên có hơn một triệu (năm 2001), lên đó thì sống bằng cái gì. Trong khi ở thành phố vẫn có thể kiếm được công việc với số tiền tương đương như thế, thậm chí là hơn.

Nhưng mình nghĩ, bố mẹ vất vả lắm mới cho mình cái

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 3): Con gọi mẹ bằng… chị! ảnh 2

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn

nghề thì phải cố giữ lấy nó, và cũng bởi bản thân không muốn sống dựa dẫm vào người khác.

Bà ngoại thì luôn động viên con cái cố giữ lấy cái nghề bố mẹ cho, công tác tốt để trở thành giáo viên giỏi.

Còn với ông xã, lúc đó mình chỉ nghĩ nếu người ta chấp nhận mình, yêu thương mình thì họ sẽ thông cảm cho hoàn cảnh và công việc của mình.

Nếu họ đã không thông cảm cho mình thì có về ở cùng nhau họ cũng không cảm thông. Cuộc sống nhiều khi không theo mong muốn của mình, nhưng cũng phải chấp nhận.

Hai vợ chồng lúc đó xảy ra mâu thuẫn về quan điểm tưởng chừng không thể vượt qua nổi”, cô Quế kể lại.

Nhận quyết định lên vùng cao công tác, cũng là lúc cô Quế đối mặt với những khó khăn, thử thách.

Cảnh rừng sâu heo hút, không điện lưới, không đường, không chợ, không trạm y tế, khiến cuộc sống của cô và nhiều đồng nghiệp khác cũng thay đổi để thích nghi. Người phụ nữ mảnh mai ngày ấy, nay đã cứng cáp hơn trước vì những trải nghiệm cuộc sống vùng cao.

Cô bảo: "Thời điểm bọn mình lên đây công tác, nhiều người bỏ về vì không chịu được cảnh không có đường, không có điện, không có trạm y tế, và không có sóng điện thoại.... Cuộc sống nơi đây gần như cô lập với thế giới bên ngoài.

Đặc biệt là vào mùa mưa, giáo viên không còn cách nào khác là phải đi bộ tới trường cách xa vài km. Khi đến được trường thì người cũng lấm lem bùn đất. Chiếc xe máy cũng bị nước cuốn trôi trong một lần liều lĩnh qua suối chảy xiết.

Nhiều khi mình cũng cảm thấy có chút dao động trong suy nghĩ, nhưng rồi lại tự động viên mình, đã quyết tâm rồi thì không được bỏ cuộc.

Ngày vừa lên đây chưa quen nước, quen trường nên chuyện ốm vặt xảy ra thường xuyên. Giáo viên - ai nấy đều phải "thủ" sẵn trong cặp vài liều thuốc cảm cúm, tiêu chảy.

Nhiều khi nhớ nhà, ốm đau, anh em đồng nghiệp chỉ biết tự động viên nhau vượt qua khó khăn. Sống lâu rồi cũng quen dần với nếp sống của dân bản. Dân bản ăn gì mình ăn nấy. Thế rồi cũng qua ngày", cô Quế kể.

Quãng đường núi đầy bùn đất mỗi khi mưa xuống là thách thức không nhỏ đối với giáo viên cắm bản. Ảnh giáo viên cung cấp.
Quãng đường núi đầy bùn đất mỗi khi mưa xuống là thách thức không nhỏ đối với giáo viên cắm bản. Ảnh giáo viên cung cấp.

Trong thời gian công tác trên Sài Khao (đến năm 2010, chị Quế chuyển về trường tiểu học Trung Lý 2 công tác), cô Quế vẫn nhớ như in cảnh mẹ con ôm nhau lên núi, sống cùng dân bản.

Vài tháng sau khi sinh hạ đứa nhỏ thứ hai cũng là lúc cô hết phép. Người phụ nữ không đành để đứa trẻ sơ sinh thiếu sữa và hơi ấm người mẹ, nên chị quyết định bồng con, vượt núi, băng rừng, cùng ăn, cùng ở với dân bản. 

Nghĩ lại cảnh vất vả ấy, chị Quế lại dưng dưng nước mắt.

"Mình vất vả bao nhiêu cũng chịu được, nhưng còn đứa nhỏ mới sinh thì không thể thiếu được hơi ấm của người mẹ.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ không cho phép mình lựa chọn một trong hai mà phải cố gắng để cân bằng trong cuộc sống", chị Quế bảo.

Đứa trẻ dường như thấu cảm với nỗi vất vả của người mẹ nên chẳng mấy khi khóc hay đòi mẹ, trừ những lúc khát sữa.

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 3): Con gọi mẹ bằng… chị! ảnh 4

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 2): Mưu sinh và những cung đường đau khổ

"Trước giờ lên lớp, mình phải pha sữa sẵn, để cháu kịp uống khi vừa tỉnh dậy. Hễ khi con khóc thì nhờ đồng nghiệp chăm sóc hộ...", cô Quế sụt sùi, như tự trách bản thân không thể giúp con cái có cuộc sống ấp ám như bao đứa trẻ khác.

Thời gian trôi qua, đứa trẻ sơ sinh ngày nào dần dạn dĩ, cứng cáp hơn nhiều nhờ sự đùm bọc của dân bản và đồng nghiệp: "Nhiều khi mình trộm nghĩ, chắc ông trời có mắt nên thương mẹ con mình”, chị Quế tâm sự.

Được 1 năm, cô quyết định đưa con về gửi gắm ông bà ngoại ở dưới xuôi chăm sóc. Thương con, cô cố giữ nỗi đau trong lòng, rồi khăn gói lên đường, tiếp tục chặng đường bám bản gieo chữ cho trò nghèo vùng cao.

Đường xá đi lại khó khăn, phải vài ba tháng cô mới có điều kiện về thăm con cái dưới xuôi. 

Người phụ nữ nhỏ nhắn xúc động nhớ lại kỷ niệm đứa con út gọi mẹ bằng... chị, một lần về thăm con. 

“Mình đi khi đứa nhỏ thứ 2 bắt đầu bập bẹ nói. Đến khi về thăm nhà, hàng xóm, láng giềng sang thăm chào mình bằng chị, thì đứa nhỏ (con chị Quế - PV) cũng bắt chước người lớn, gọi mẹ bằng… chị.

Mãi mấy ngày sau đó, khi đứa nhỏ dần quen hơi mẹ, nó mới gọi mình bằng mẹ.

Lúc đó, mình chỉ biết ôm con vào lòng rồi khóc. Rồi tự nhiên có cảm giác dằn vặt, tội lỗi với con.

Còn đứa lớn thì tự lập hơn, tự ăn tự học không cần người lớn hỗ trợ. Con bé như tính đàn ông, không hay bôc lộ tình cảm ra bên ngoài.

Thậm chí có những khi mình đi xa về, nhìn thấy con mình bật khóc vì nhớ chúng, nhưng rồi lại được lũ trẻ động viên: “Mẹ lớn rồi đừng có khóc, vì nếu mẹ khóc thì mẹ không đi làm được đâu.

Mẹ còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi con chứ! Những lúc như thế, mình lại cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục làm nhiệm vụ”, chị Quế xúc động.

Cũng từ khi đứa út sinh ra, đến nay đã 10 năm chị chưa một lần có mặt ở nhà để tổ chức sinh nhận cho con vì bận công tác.

"Hôm nay là ngày đặc biệt vì ngày sinh nhật thằng nhỏ trùng vào thứ 7 chủ nhật. Nó háo hức gọi cho mẹ và nhắn nhủ mẹ mua quà sinh nhật. Cho nên dù vất vả mấy cùng cố gắng về với con”, chị Quế mỉm cười hạnh phúc.

Hạnh phúc nhọc nhằn

Hạnh phúc của giáo viên cắm bản vùng biên viễn nhọc nhằn như những gì họ đã, đang, sẽ phải đối mặt trong cuộc sống. Họ nói với chúng tôi rằng, nỗi sợ hãi lớn nhất đối với giáo viên vùng cao chính là sự thiếu thốn về tình cảm gia đình.

Trong số giáo viên từ dưới xuôi lên vùng cao công tác, nhiều người phải giao khoán cả trách nhiệm làm cha, làm mẹ cho những người thân ở quê nhà.

Nhưng khổ tâm nhất đối với giáo viên cắm bản là những đứa trẻ sinh ra thiếu thốn tình cảm của cha, mẹ. Đó là những nỗi đau vô hình mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được. 

"Tội nhất là khi lũ trẻ ở quê mỗi lúc trái gió, trở trời, đau ốm. Mình làm cha không thể bên cạnh chăm sóc con cái, nên cảm thấy có lỗi với mấy đứa nhỏ lắm!

Khi ấy chỉ cầu trời khấn phật cho gia đình vượt qua tai ương”, thầy Lê Văn Hùng, giáo viên tại điểm trường Cánh Cộng (thuộc trường tiểu học Trung Lý 2) chia sẻ.

Mỗi lúc nhớ nhà, Thầy Minh lại lấy điện thoại ra để xem ảnh gia đình. Ảnh: Xuân Quang.
Mỗi lúc nhớ nhà, Thầy Minh lại lấy điện thoại ra để xem ảnh gia đình. Ảnh: Xuân Quang.

Nhưng trách nhiệm với công việc, tình yêu đối với trẻ nghèo vùng bản, sự chia sẻ động viên của gia đình trở thành sợi dây vô hình níu chân họ ở lại với mảnh đất vùng cao đầy khó khăn này.

Thầy Nguyễn Xuân Minh (quê Hậu Lộc) còn nhớ như in kỷ niệm vợ chồng mới cưới tạm biệt nhau để anh lên đường công tác.

Trường tiểu học Trung Lý 2 có 28 giáo viên và 341 học sinh, chia làm 6 điểm lẻ. Hơn một nửa số giáo viên hiện công tác tại đây là người dưới suôi (thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa...

"Khi tạm biệt vợ, mình không dám quay lại nhìn vì sợ bà xã buồn.

Nhưng rồi bất chợt thấy bà xã đang lau nước mắt khi nhìn qua gương chiếu hậu xe máy. Lúc đó bản thân có cảm giác rất khó tả, vừa thương vừa thấy có lỗi với vợ", thầy Minh kể. 

13 năm công tác trên thầy Minh tự hào vì người vợ ở quê luôn là hậu phương vững chắc cho thầy yên tâm công tác. 

13 năm, người vợ ấy chưa một lần trách móc, khi chồng xa nhà biền biệt. Đổi lại người phụ nữ ấy chấp nhận hy sinh vì chồng, vì con để thầy hoàn thành tốt công việc, tiếp tục gắn bó với vùng biên viễn này.

"Thật tâm, ai cũng mong muốn được về xuôi để gần gia đình, bà con hàng xóm. Nhưng nếu ai cũng xin về thì lấy ai bám bản dạy chữ cho trò nghèo? Đây không chỉ là tình yêu thương mà còn là trách nhiệm đối với học trò.

"Mỗi khi gia đình thầy, cô giáo có việc (ma chay, ốm đau..). anh em trong trường đều thu xếp công việc, giúp đỡ lẫn nhau. Lãnh đạo nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên để được gần gia đình trong thời gian nhất định", Thầy Nguyễn Tiến Hiệp, hiệu trưởng trường tiểu học Trung Lý 2 cho biết.

Và chỉ có tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ của gia đình mới tạo ra sức mạnh để chúng tôi vượt qua rào cản về mặt địa lý, yên tâm công tác.

Nếu được nói một lời với bà xã, thì mình chỉ biết cảm ơn bà xã đã lo lắng, hy sinh cho chồng, con", thầy Minh ngậm ngùi.

Rồi chính sự khó khăn, gian khổ và nỗi cô đơn của giáo viên cắm bản mỗi sau mỗi giờ dạy lại trở thành "chất xúc tác" để họ xích lại gần nhau, vượt qua khó khăn. Những mối tình vùng biên viễn lãng mạn, cũng dần nảy nở trên vùng đất khó này.

Cũng chính vì thế mà thầy Nguyễn Trọng Hán – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã bén duyên, lập gia đình và gắn bó với vùng Cà Còi suốt gần 20 năm nay. Thầy nói với chúng tôi rằng, trong suy nghĩ của mình chưa bao giờ xuất hiện hai chữ "bỏ cuộc".

“Anh em mỗi người một quê, nhưng cùng có điểm chung là cảm thông, chia sẻ với nhau về sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhưng khi nhìn thấy học sinh của mình ngày càng trưởng thành, anh em lại đông viên nhau cùng cố gắng vì sự nghiệp chung.

Và nếu cho mình sự lựa chọn nghề nghiệp một lần nữa, mình vẫn chọn nghề giáo dẫu biết rằng, đôi lúc cảm thấy có chút gì đó thiệt thòi.

Bù lại, dân bản ở đây họ thật thà, quý người và đặc biệt học sinh coi thầy, cô giáo như người cha, mẹ thứ 2 của các em. Đó là tài sản lớn nhất mà nghề giáo đem lại cho mình.

Thôi thì hy sinh đời bố để củng cố đời con, miễn sao mấy đứa nhỏ (học sinh) được bằng bạn bằng bè dưới xuôi là vui rồi”, thầy Hán cười.

Video thầy Nguyễn Xuân Minh chia sẻ nỗi niềm 13 năm cắm bản trên vùng cao.

(Còn nữa)

XUÂN QUANG - HỮU CHÍ