Đi chấm thanh tra, sướng hay khổ?

29/06/2017 07:55
THIÊN ẤN
(GDVN) - Ngày 27/6, 64 ban chấm thi của 64 tỉnh thành bắt đầu công việc quét bài thi đối với 2 bài thi tổ hợp trắc nghiệm và chấm thi độc lập 2 vòng đối với môn ngữ Văn

Ngày 27/6, 64 ban chấm thi của 64 tỉnh thành trong cả nước bắt đầu công việc quét bài thi đối với các bài thi tổ hợp trắc nghiệm khách quan và chấm thi độc lập 2 vòng đối với môn ngữ Văn (môn tự luận duy nhất). 

Giáo viên dạy môn ngữ Văn ở các trường trung học phổ thông hiện nay phần lớn nữ. Do đó, số lượng nữ giám khảo chấm thi môn này áp đảo (trên 2/3 tổng số giám khảo). 

Song hành với công việc của tổ chấm là nhiệm vụ chấm kiểm tra, 5% trong tổng số bài thi của tổ kiểm tra cũng do một số thầy, cô giáo các trường trung học phổ thông đảm nhiệm. 

Hình ảnh minh họa cho công tác chấm thi. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh minh họa cho công tác chấm thi. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Mỗi lần, tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động đi chấm kiểm tra môn ngữ Văn ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây và kỳ thi quốc gia mấy năm nay, các đồng nghiệp trường tôi, trường bạn, ai cũng nói số tôi sướng!
 
Làm giám khảo chấm thi vừa vất vả, mệt mỏi, áp lực, chấm xong về nhà mà vẫn chưa hết lo. Còn các vị chấm kiểm tra thì thoải mái chẳng áp lực, lo lắng gì cả.

Họ đi đến phòng chấm nào giám khảo chấm sợ mất hồn, có thể đề nghị, yêu cầu các giám khảo khác làm đúng quy trình, chỉnh sửa lại điểm nếu chấm chưa đúng theo hướng dẫn của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Đó là các thầy cô giáo, đồng nghiệp đánh giá, nhìn nhận từ bên ngoài, chứ thật lòng việc chấm thanh tra cũng lắm nỗi khổ mà chưa có dịp thổ lộ. 

Cả đợt đi chấm kiểm tra mà không phát hiện ra lỗi nào của các giám khảo hoặc dễ dãi, nể nang, tình cảm anh, em, đồng nghiệp “cho qua” thì bị chính anh, em, đồng nghiệp khác nói cán bộ chấm thanh tra quá hiền, thiếu bản lĩnh. 

Đi chấm thanh tra, sướng hay khổ? ảnh 2

Quy định mới về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi

Khi chấm túi bài, gặp cặp giám khảo chấm có nhiều sai sót về quy trình, ghi thiếu thông tin trên bài thi, phiếu chấm, chấm điểm quá lỏng hoặc quá chặt so với hướng dẫn, tất nhiên cán bộ thanh tra phải mời họ lên trao đổi, làm việc, chỉnh sửa lại. 

Có đồng nghiệp thì tích cực hợp tác và vui vẻ điều chỉnh những sai sót nhưng có không ít giám khảo cố chấp, bảo thủ, cho rằng mình chấm đúng buộc cán bộ chấm kiểm tra phải mất nhiều thời gian giải thích, phân tích, mới thừa nhận mình đã sai sót, nhầm lẫn…

Một số giám khảo cẩu thả, vội vàng, chấm lệch điểm, gây thiệt thòi cho thí sinh ở nhiều túi bài, chúng tôi buộc phải gọi lên nhiều lần, họ không những không cảm ơn người chấm kiểm tra (phát hiện sai sót giúp họ) mà còn quay sang trách móc, các ông chấm thanh tra khó tính, khắt khe, chỉ giỏi “vạch lá tìm sâu”…
 
Có anh tổ trưởng, tổ phó phụ trách tổ chấm thì rất trông mong thành phần chấm thanh tra làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, giám khảo có sai sót là gọi đến trao đổi, chấn chỉnh ngay vì ở tổ chấm: “chúng tôi đã hướng dẫn, nhắc nhở nhiều mà họ không thực hiện đúng, chấm sai nhiều lần nên cần các anh bắt lỗi, “dọa” giúp, may ra họ biết “sợ”.

Đi chấm thanh tra, sướng hay khổ? ảnh 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu không được chủ quan

Song cũng có tổ trưởng, tổ phó tổ chấm không muốn cán bộ chấm thanh tra “hành”, “bắt bẻ” giám khảo, làm ảnh hưởng đến uy tín của họ và chậm tiến độ chấm của tổ.

Lần nào đi làm nhiệm vụ chấm thanh tra bài thi môn ngữ Văn, tôi không bao giờ có mong muốn mỗi đợt đi ấy đạt được nhiều “ thành tích” xử lý, yêu cầu giám khảo phải điều chỉnh mới thấy phấn khởi, đúng vai trò, chức năng. 

Tôi chỉ mong sao các tổ chấm, các giám khảo thanh tra môn ngữ Văn tại kỳ thi quốc gia năm nay, trong những ngày tới, nắm chắc quy trình, hướng dẫn chấm của Bộ, chấm đúng, chấm chuẩn từng câu trả lời, đoạn văn, bài văn của tất cả thí sinh. 

Chấm thi là khâu đóng vai trò rất quan trọng trong các kỳ thi, góp phần đánh giá đúng chất lượng dạy và học môn ngữ Văn, phân định chính xác để chọn lựa những thí sinh xứng đáng vào các trường Đại học, Cao đẳng.

THIÊN ẤN