Đi học mà khổ trăm bề, chúng em chỉ ước có cây cầu bắc qua sông

15/04/2017 05:52
Thủy Phan
(GDVN) - “Chúng em đi học khổ lắm chị ơi. Trời mùa này còn dễ, chứ trời mưa đường vừa bẩn vừa trơn, phải đẩy bộ, rồi lại ngồi đò qua sông nhiều khi sợ lắm”.

Câu nói của các em học sinh ở thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa dứt khiến tôi không khỏi cảm thấy xót xa. Giữa trưa nắng chang chang, vừa dắt được cả xe lẫn người rời khỏi bến đò, các em lại ra sức đạp một quãng đường dài để đến trường.

Con đò đưa bước tới trường

Tôi từng đi và biết đến nhiều nơi, học sinh phải dậy từ tờ mờ sáng đi học, phải lênh đênh trên những chuyến đò ngang đầy nguy hiểm rình rập.

Vừa cho được cả xe lẫn người qua sông, nhiều em học sinh cấp 2 lại phải hì hục đạp xe gần 5 cây số đến trường. (Ảnh: Thủy Phan)
Vừa cho được cả xe lẫn người qua sông, nhiều em học sinh cấp 2 lại phải hì hục đạp xe gần 5 cây số đến trường. (Ảnh: Thủy Phan)

Mỗi lần đến những nơi như thế, trong tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Đến bao giờ những học sinh này mới hết cảnh đi học vất vả, khổ cực như vậy?” Câu hỏi đó của tôi có lẽ cũng là câu hỏi của rất nhiều người, mà chưa biết đến bao giờ mới có câu trả lời.

Đi học mà khổ trăm bề, chúng em chỉ ước có cây cầu bắc qua sông ảnh 2

Nắng thì chân dép lê, mưa thì mang ủng, không ngày nào vắng lớp

Lần này, trong chuyến công tác đến thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), một lần nữa tôi lại chứng kiến cảnh tương tự. Nhìn những em học sinh hì hục đạp xe, rồi đứng co mình cùng chiếc xe đạp trên con thuyền nan nhỏ bé để qua con sông Son cho kịp giờ học khiến tôi không khỏi cảm thấy xót xa.

Vừa dắt được xe ra khỏi con thuyền nan, em Nguyễn Trà Giang (học sinh lớp 7, ở xóm Mé, thôn Trằm Mé) dốc bầu tâm sự như kiểu lâu nay em không có cơ hội để nói với ai: “Chúng em đi học khổ lắm chị ơi. Trời mùa này còn dễ, chứ trời mưa đường vừa bẩn vừa trơn, chúng em phải đẩy bộ, rồi lại ngồi đò qua sông nhiều khi sợ lắm”.

Theo lời Giang, con đường từ nhà em đến bến đò dài khoảng hơn 2 cây số, trời khô ráo thì các em có thể đạp xe đi qua một cách dễ dàng. Nhưng nếu trời mưa, con đường này trở nên đầy bùn đất, trơn trượt nên phải xuống đẩy bộ.

Nguy hiểm luôn rình rập trên những con thuyền gỗ nhỏ bé chở người qua sông. (Ảnh: Thủy Phan)
Nguy hiểm luôn rình rập trên những con thuyền gỗ nhỏ bé chở người qua sông. (Ảnh: Thủy Phan)

Đến được bến đò, các em cho cả xe lẫn người lên chiếc thuyền gỗ để qua sông, sau đó tiếp tục hì hục đạp xe gần 5 cây số nữa mới đến được trường.

“Chúng em đi nhiều rồi nên cũng thành quen, nhưng vào mùa mưa lũ mà đi thuyền qua sông cũng thấy sợ lắm. Cách đây 2 tháng, dù trời nắng khô ráo nhưng khi đứng trên thuyền, em bị trượt chân khiến cả xe lẫn người rơi xuống sông.

Em ở đây quen với cảnh sông nước nên bơi được lên bờ, còn xe đạp thì bố em phải ra lặn xuống đưa lên. May mà không mất xe đạp, chứ bố mẹ em đều làm ruộng cả, khó khăn lắm mới mua được chiếc xe cho em, nếu mất nữa thì không biết lấy gì để mua lại”, em Nguyễn Đan Trường, (học sinh lớp 7, ở thôn Mé) chia sẻ.

Theo nhiều người dân nơi đây, ở thôn Trằm Mé chỉ có điểm trường dành cho học sinh mầm non và tiểu học, còn lại học sinh cấp 2, cấp 3 đều phải qua sông tới trường.

Quãng đường các em học sinh cấp 2 phải đi mất khoảng 7 cây số mới đến được trường, còn học sinh cấp 3 phải đi 10 cây số. Cũng chính vì đường sá quá xa xôi, vất vả mà nhiều học sinh cấp 3 bỏ học giữa chừng.

Từ bên kia bến đò, có một tuyến xe buýt chở các em học sinh tới trường, nhưng nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện nên vẫn phải đi xe đạp.

Bao giờ hết cảnh đò giang?

Theo thống kê của thôn Trằm Mé, hiện toàn thôn có 25 em học sinh cấp 3 và 75 em học sinh cấp 2. Vì đường sá đi lại vất vả, hoàn cảnh gia đình người dân ở đây lại khó khăn nên mỗi năm, chỉ có khoảng 1/3 số học sinh tiếp tục học cấp 3.

Bao giờ các em mới hết cảnh đò giang? (Ảnh: Thủy Phan)
Bao giờ các em mới hết cảnh đò giang? (Ảnh: Thủy Phan)

Chị Ngô Thị Nga (sinh năm 1973, ở thôn Trằm Mé) cho biết, gia đình chị có 3 người con. Vì đường sá xa xôi, nguy hiểm, hoàn cảnh kinh tế gia đình lại không có nên hai đứa đầu phải bỏ học giữa chừng.

Đi học mà khổ trăm bề, chúng em chỉ ước có cây cầu bắc qua sông ảnh 5

Đến trường mà chẳng có đường, hễ trời mưa là nghỉ học

Hiện đứa con út của chị đang học lớp 10, chưa kể tiền đò thì mỗi năm phải mất 3 triệu tiền xe buýt cho con đi học vì đường quá xa.

“Chúng tôi làm nghề nông nên điều kiện kinh tế chẳng dư dả gì. Cũng muốn cho các con học hành đến nơi đến chốn, nhưng mà khó khăn quá. Hơn nữa, đường đi lại nguy hiểm, không có cầu nên phải qua sông, mà trời mùa này chứ mùa mưa lụt, mỗi lần con đi học là lại thấy lo lắm”, chị Nga nói.

Em Nguyễn Thị Lệ Na (học sinh lớp 11) chia sẻ, vì trường xa mà đường sá đi lại khó khăn nên buổi sáng em phải dậy từ 4 giờ để đi học cho kịp giờ.

Đạp xe ra bến đò, chúng em gửi xe rồi lên thuyền sang sông, sau đó đi xe buýt tới trường. Học xong thì cũng phải 12 giờ mới về đến.

“Nhà em còn có một đứa em đang học lớp 7 nữa. Mỗi năm hai chị em cũng phải mất gần 5 triệu tiền xe buýt và tiền đò. Bố mẹ em đều làm ruộng cả nên cũng vất vả lắm, nhưng vẫn cố để lo cho chúng em đi học.

Em chỉ mong sao có cây cầu bắc qua sông, để chúng em đi học đỡ vất vả hơn, nhất là vào mùa mưa lũ. Những ngày mưa to gió lớn, đò nghỉ thì chúng em đành phải nghỉ học. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến việc học của chúng em”, Na tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch cho biết: “Các em học sinh cấp 2 và cấp 3 ở thôn đều phải đi đò sang sông. Ba năm trở lại đây, đã có tuyến xe buýt chở các em từ bên kia bến đò đến trường, nhưng nhiều em vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên vẫn phải đi xe đạp, hiện toàn thôn còn khoảng 30% số học sinh đi xe đạp qua sông đến trường.

Nhiều em học cấp 3 đã bỏ học giữa chừng vì đường sá đi lại vất vả. Chúng tôi chỉ mong sao các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ, bắc được một cây cầu qua con sông Son, về bên kia thôn Trằm Mé để các em học sinh đỡ vất vả hơn”.

Thủy Phan