Điểm 0 (không) cũng là lợi thế của sinh viên

10/02/2015 09:24
Thu Ngà
(GDVN) - Hơn 1.200 sinh viên cùng Xây dựng lộ trình công danh và học cách quản trị cuộc đời với TS. Lê Thẩm Dương trong “Ngày hội khởi nghiệp” diễn ra ngày 9/10 tại HN.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho nhiều tập đoàn toàn cầu, Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa đã chia sẻ về cách xây dựng lộ trình công danh với sinh viên. Anh cho biết, các tập đoàn nước ngoài hơn hẳn doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình công danh cho nhân viên. Nhân viên luôn được hoạch định để hiểu rõ rằng, muốn đạt được điều gì, lên vị trí nào thì cần phải làm gì… Từ đó, nhân viên có định hướng rất rõ ràng trong công việc. 

Tại “Ngày hội khởi nghiệp 2015”, anh đã hướng dẫn các em dùng ma trận SWOT để phân tích điểm mạnh điểm yếu của chính bản thân mình, phân tích cơ hội và thách thức của môi trường xung quanh, từ đó xác định lộ trình phù hợp cho cuộc đời.

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Ảnh Thu Ngà
TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Ảnh Thu Ngà

Theo anh, tuổi trẻ có 3 điểm thường bị đánh giá là rất yếu nhưng nếu biết tận dụng thì sẽ là điểm mạnh. 

Thứ nhất, “Điểm 0 cũng là lợi thế”. Khi tuổi trẻ không có gì để mất, chỉ cần có niềm tin, các em sẽ sẵn sàng lao vào cuộc chiến với tất cả nhiệt huyết và lòng quyết tâm cao. Vì thế, khả năng thành công cũng sẽ cao hơn. 

Câu chuyện cuộc đời của anh là một ví dụ. Khi anh đang là Kiến trúc sư thì nhận được lời mời của Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp điện Schneider Electric tại Việt Nam với vị trí Phó giám đốc hoạch định phương thức sản xuất và vận hành hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001. 

Anh mừng vì đây là cơ hội tốt để được trở thành quản lý. Nhưng anh cũng rất lo lắng, băn khoăn. Anh lo vì tự thấy mình chẳng có chút kiến thức gì về chất lượng, rất có thể sẽ bị đuổi việc sau vài tháng. Nhờ có lời khuyên của ba anh “Con cứ thử đi. Nếu không làm được thì lại quay về với nghề kiến trúc” đã khiến anh mạnh dạn bước trên con đường mới và đã thành công với sự  lựa chọn này. 

Thứ 2, điểm yếu cũng có thể biến thành điểm mạnh. Với tuổi trẻ, việc thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức có thể khiến cho tinh thần học hỏi của các em lên cao. Chẳng hạn như anh, khi “chưa biết gì về chất lượng”, anh đã lao vào học hỏi, học cả từ cô công nhân đến các kỹ sư, học từ thực tế đến các quy trình… 

Hơn 1.200 sinh viên tham gia ngày hội khởi nghiệp. Ảnh BTC
Hơn 1.200 sinh viên tham gia ngày hội khởi nghiệp. Ảnh BTC

Nhờ đó, anh hiểu rõ tính chất từng công việc, mong muốn của từng người. Và chỉ 9 tháng sau, cụm nhà máy do anh quản lý đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên đạt tiêu chuẩn ISO9001. Đặc biệt, bộ quy trình của nhà máy do anh soạn thảo đã được Schneider chọn làm quy trình mẫu để huấn luyện cho các nhà máy của tập đoàn trên Thế giới.

Thứ 3, “Lúc nguy biến là lúc nhiều cơ hội xuất hiện”. Thế giới đang trong giai đoạn suy giảm kinh tế, nhiều công ty bị phá sản, nhiều tập đoàn phải thu hẹp sản xuất. Đó là cơ hội để mua rẻ, để thuê được mặt bằng đẹp với giá hợp lý. Thế giới đang ngày càng phẳng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế.

Cùng quan điểm này, TS Lê Thẩm Dương cho rằng, có 4 việc phải làm để quản trị cuộc đời, bao gồm: Xác lập chiến lược cuộc đời; Tổ chức cuộc sống của mình ; Hoạt động điều khiển chính mình và Kiểm tra hoạt động điều khiển. Việc hiểu bản thân là điều quan trọng đầu tiên cần làm đúng. Có hiểu được bản thân mới biết mình phù hợp với lĩnh vực nào để theo đuổi. 

Với một con người, nếu được làm đúng sở trường thì khả năng thành công rất cao. Còn nếu chọn phải lĩnh vực sở đoản thì dù cố gắng hết sức cũng chỉ đạt được trên mức trung bình. Để đánh giá bản thân, có nhiều phương pháp khác nhau và cách phổ biến là đánh giá 360 độ, thu thập ý kiến của những người khác đánh giá về mình, từ bố mẹ, anh em đến bạn bè, lãnh đạo…và tự đánh giá bản thân để có bản tổng hợp chính xác nhất.

Khi đã hiểu mình, xác định được mục tiêu cho cuộc đời thì phải dấn thân, phải bỏ thói quen xấu, gia tăng sở trường bằng cách khai thác tất cả những nguồn có thể dạy mình: Học từ Thầy, từ bạn, từ chính mình, từ thần tượng và từ các phương tiện thông tin… Việc học cần được chắt lọc và áp dụng vào thực tế để các kiến thức trở thành kỹ năng.

“Tuổi trẻ là tiền bạc, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày các em tiêu một đống tiền. Đừng để phí hoài tuổi trẻ” – đó là lời nhắn nhủ của TS Lê Thẩm Dương tới sinh viên.

Thu Ngà