Đỗ đại học, rồi sao?

26/09/2018 07:08
Bài và ảnh: Linh Hương
(GDVN) - Ngoài kiến thức, các em sinh viên cần rèn luyện thêm kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, ngoại ngữ... để khi ra trường có được vị trí việc làm tốt.

Có mặt tại sự kiện “Chào Tân sinh viên 2018: Rồng cất cánh” có chủ đề “Đỗ đại học, rồi sao?”, tôi được lắng nghe một số chia sẻ của tân sinh viên.

Bạn Thu Quỳnh, hiện là tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, chia sẻ, bạn thi khối B đỗ Y đa khoa và khối D đỗ Ngành ngôn ngữ Anh. Quỳnh thích học Y đa khoa để trở thành bác sĩ, nhưng do bố mẹ ngăn cản vì sợ “ế” do thời gian học dài nên đã khuyên bạn chọn ngành còn lại. 

Thời điểm hiện tại, các em tân sinh viên hầu hết đã nhập học vào các trường đại học, cao đẳng mà mình đã đăng kí trúng tuyển.
Thời điểm hiện tại, các em tân sinh viên hầu hết đã nhập học vào các trường đại học, cao đẳng mà mình đã đăng kí trúng tuyển.

Cùng cảm xúc đó, bạn Nguyễn Thu Hiền, tân sinh viên khoa Thương mại quốc tế trường Đại học Ngoại thương thì lại chỉ muốn trở thành MC. Bạn thi Ngoại thương cũng vì trường có câu lạc bộ MC chứ không vì thích học kinh tế.

Sau chia sẻ đó, một số chuyên gia khuyên các bạn tân sinh viên rằng, các em đừng vội thất vọng quá sớm, hãy thử trải nghiệm ngành nghề đã chọn, biết đâu, trải nghiệm rồi mới nhận ra đây chính là ngành nghề có nhiều điểm giúp mình phát triển khả năng.

Ở một góc nhìn khác, bạn Chu Xuân Huy, tân sinh viên K63 Viện vật lí kĩ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, chỉ cần mình bác bỏ thành kiến việc thích hay không thích, mà cần cố gắng tìm hiểu ngành đó, mình có thể sẽ thấy thích. 

Như bản thân Huy, bạn đăng ký nguyện vọng 1 vào khoa Cơ điện tử nhưng chỉ đỗ nguyện vọng 2, Huy chia sẻ:

“Ban đầu mình rất tiếc nuối nhưng sau khi vào trường, được thầy cô hướng dẫn và hiểu hơn về ngành Vật lí kĩ thuật thì mình lại thấy trượt nguyện vọng 1 cũng là một niềm vui, một cơ hội với mình”. 

Cùng quan điểm, diễn giả trẻ Vũ Quỳnh Trang, sinh năm 1997, sinh viên năm thứ tư Học viện Ngoại Giao và hiện là CEO của VIC VIETNAM Summer Camp, chia sẻ: “Thành công là do may mắn nhưng may mắn không phải tự nhiên mà có”. 

Theo đó, cô bạn CEO trẻ đã đưa ra 3 thứ mà các bạn tân sinh viên cần chuẩn bị cho những cơ hội của mình, đó là: Luôn tạo ra những kết nối giữa mình và những người xung quanh; Bạn phải thử nghiệm hết mọi khả năng để biết bạn có thể đi đến đâu; Cuối cùng là áp dụng công thức 3L: “Liều - Lì - Lầy”.

Rõ ràng, thời điểm hiện tại, các em tân sinh viên hầu hết đã nhập học vào các trường đại học, cao đẳng mà mình đã đăng kí trúng tuyển. Tuy nhiên, các em còn nhiều băn khoăn về ngành học cũng như định hướng học tập trong những năm tới đây nhiều tân sinh viên còn chưa chú ý tới. 

Trước lo ngại này, trao đổi với chúng tôi, Phó giáo sư Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quá trình học phổ thông hết sức quan trọng, những em đã vượt qua kỳ thi đủ điểm để đỗ vào các trường mình mong muốn là điều rất tuyệt vời. 

Tuy nhiên, học đại học thì phải xác định, học đại học sẽ khác với học phổ thông. Các em sinh viên phải học một cách chủ động và thông qua các hoạt động trải nghiệm trong cuộc sống.

Nếu ở phổ thông các em thường xuyên nhận được nhiều sự quan tâm từ bố mẹ, thầy cô thì lên đại học các em phải chủ động về cả kiến thức và kĩ năng.

Có những em tân sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cảm thấy “choáng” bởi lượng kiến thức khá nhiều. Vì vậy, không chỉ học ở trường mà các em cần tự học ở nhà, thư viện, theo nhóm... Có như vậy các em mới có đủ kiến thức.

“Và các em cũng cần rèn luyện thêm kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, ngoại ngữ... Đây là những điều kiện đủ bên cạnh kiến thức chuyên môn để 1 sinh viên tốt nghiệp ra trường có được một công việc và vị trí việc làm tốt”, thầy Tớp nhấn mạnh. 

Theo Phó giáo sư Trần Văn Tớp - Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ngoài kiến thức, các em sinh viên cần rèn luyện thêm kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, ngoại ngữ... để khi ra trường có được vị trí việc làm tốt.
Theo Phó giáo sư Trần Văn Tớp - Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ngoài kiến thức, các em sinh viên cần rèn luyện thêm kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, ngoại ngữ... để khi ra trường có được vị trí việc làm tốt.

Dành lời khuyên cho các bạn sinh viên đang băn khoăn quãng thời gian học tập ở mái trường đại học có nên đi làm thêm hay không, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói: 

“Tùy từng hoàn cảnh, điều kiện của mỗi em. Nếu cần phải làm thêm về kinh tế thì các em nên cân đối, bố trí thời gian một cách hợp lý giữa học và làm”. 

Thầy Tớp nói thêm, dù rằng việc đi làm thêm cũng đem lại cho các em ít nhiều những trải nghiệm về cuộc sống, hiểu được giá trị của sức lao động để kiếm ra được đồng tiền nhưng  làm sao để không ảnh hưởng đến việc các em học.

Hiển nhiên các em sinh viên trong quá trình học thì rất khó có được kinh nghiệm. Tuy vậy, nhiều sinh viên năm thứ 3 của Bách khoa Hà Nội các em đã đi làm thêm, nhưng làm về các lĩnh vực chuyên môn như công nghệ thông tin, phần mềm máy tính ở một số doanh nghiệp, công ty lớn.

Như vậy sau 5 năm học ra trường, các em đã có tới 2 năm kinh nghiệm rồi nên khá thuận lợi khi đi xin việc.

Bài và ảnh: Linh Hương