Đọc phản biện của chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học mà buồn vô cùng!

04/06/2016 14:30
Đỗ Quyên
(GDVN)-Qua hai năm áp dụng rộng rãi Thông tư 30, nhiều thầy cô đang rất hy vọng Bộ GD&ĐT lắng nghe để tháo gỡ những bất cập, những khó khăn mà các trường đang gặp phải.

LTS: Dù đã thực hiện được 2 năm, song Thông tư 30 về bỏ chấm điểm học sinh tiểu học vẫn khiến nhiều thầy cô, lãnh đạo trường mệt mỏi khi đánh giá học sinh, in giấy khen. 

Ngày 27/5, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Bộ Giáo dục nghĩ gì khi học sinh lười học, giáo viên áp lực, phụ huynh lo lắng?” của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đến ngày 1/6, Báo điện tử giáo dục Việt Nam đăng tải bài “Chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học phản biện ý kiến của GS.Nguyễn Minh Thuyết” của tác giả Hoàng Mai Lê. 

Bài viết này của chuyên viên Hoàng Mai Lê đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên từ việc thực hiện Thông tư 30. 

Với tư cách là một giáo viên Tiểu học, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng: “Đọc ý kiến phản hồi của chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học mà thấy buồn vô cùng”.
 
Tại sao lại như vậy? Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến này của cô Đỗ Quyên. 


Đọc bài viết “Chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học phản biện ý kiến của GS.Nguyễn Minh Thuyết” của Chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học Hoàng Mai Lê mà thấy buồn vô cùng. 

Những phản biện của chuyên viên chỉ là lý thuyết trong khi thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Cũng vì những lý thuyết ấy, mà những giáo viên trực tiếp thực hiện Thông tư 30 chúng tôi đang phải khốn khổ, áp lực. 

Nói về khen thưởng, chỉ mỗi cụm từ “Học sinh nổi bật” cũng làm nhiều người đau đầu và khó xác định thế nào cho đúng. Chẳng có tiêu chí cụ thể nào để chọn được học sinh thật sự nổi bật. 

Đọc phản biện của chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học mà buồn vô cùng! ảnh 1
Giấy khen ghi danh hiệu học sinh được "khen từng mặt" gây khó hiểu. (Ảnh: vnexpress.net)

Có thầy cô nói, “nổi bật” là thật sự xuất sắc vì thế mỗi lớp số học sinh được khen thưởng cũng chỉ vài ba em là xứng đáng. 

Nhưng không ít thầy cô, không ít trường học cho rằng: “Học sinh ấy học được một chút, siêng năng, vẽ đẹp, tập thể dục đúng hơn vài bạn…cũng xem như nổi bật”. 

Vì thế một lớp có 30 học sinh thì có tới hơn 20 em được xét khen thưởng vì có thành tích nổi bật.

Theo Thông tư 30, một học sinh được khen thưởng thì phải được các bạn trong lớp giới thiệu, bình bầu, tôn vinh.

Nếu các vị dự một buổi bình chọn của những học sinh tiểu học mới thấy được người lớn đang làm hại con trẻ thế nào. 

Những tâm hồn non nớt ngây thơ kia đang cố gắng lôi ra những điểm xấu của bạn, những lần bạn bị vi phạm để kể tội và tự tôn vinh mình lên. 

Có không ít phụ huynh lại “mớm” cho con cái mình lòng đố kị, ganh đua.

Đọc phản biện của chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học mà buồn vô cùng! ảnh 2

Hà Nội yêu cầu các trường báo cáo việc thực hiện Thông tư 30 trước ngày 28/5

(GDVN) - Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT và trường chuyên biệt trực thuộc Sở báo cáo việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Nhiều phụ huynh khi con không nằm trong danh sách được bầu chọn quay ra sỉ nhục giáo viên, gán ghép cho đủ thứ tội như không công bằng, thiên vị…và thực tế nhiều thầy cô giáo đang chịu cảnh này.

Việc bầu chọn, việc nhìn nhận học sinh nổi trội như Thông tư 30 yêu cầu dẫn đến tình trạng “loạn giấy khen” ở nhiều trường học như “Có thành tích nổi trội về học tập”, “Đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập”, “Có thành tích về môn thể dục”, “Đạt thành tích về năng lực”, “Đạt thành tích về phẩm chất”…

Có phụ huynh cầm giấy khen của con và chạy theo cô giáo gặng hỏi: “Năng lực là gì? Phẩm chất là thế nào? Chúng tôi chẳng hiểu gì cả”. 

Hay: “Cô ơi! Con tôi được khen về thể dục vậy những môn học khác nó học tệ lắm hả?

Thông tư 30 còn quy định việc khen thưởng học sinh phải tham khảo ý kiến phụ huynh, nhiều trường học nghĩ nát đầu mà không biết phải tham khảo bằng cách nào. Nhận xét về con mình, phụ huynh nào cũng khen con mình là nhất nên giáo viên chẳng tham khảo được gì.

Trong bài viết “Chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học phản biện ý kiến của GS.Nguyễn Minh Thuyết”, chuyên viên Hoàng Mai Lê có nêu: 

Trước khi thực hiện Thông tư 30 cha mẹ học sinh có thể biết được khả năng học tập của con em mình qua điểm số nhưng điểm số không thể phản ánh đầy đủ những điều cần quan tâm, nhất là việc cần biết phải làm thế nào để con mình học tốt hơn, chưa nói đến việc  điểm số chưa chắc đã phản ánh đúng khả năng của học sinh, vì điểm số còn phụ thuộc một số yếu tố có tính đột xuất như: tình trạng tâm lí, sức khỏe của học sinh khi làm bài, tính trung thực khi làm bài… 

Để nắm được rõ việc học của con, hàng ngày cha mẹ học sinh có thể trao đổi, hỏi con hôm nay con học được những gì ở lớp; xem vở, phiếu học tập, các bài làm, lời nhận xét của giáo viên …; hoặc hỏi trực tiếp giáo viên về khả năng học tập của con mình…

Đọc phản biện của chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học mà buồn vô cùng! ảnh 3

Trưởng phòng giáo dục Tiểu học tỉnh Đồng Tháp bàn về Thông tư 30

(GDVN) - Việc áp dụng Thông tư 30 là điều khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện nên sẽ có nhiều vấn đề cần được thảo luận, rút kinh nghiệm.

Tôi không đồng tình với những nhận xét này của chuyên viên Hoàng Mai Lê, bởi trước đây khi chấm điểm cho các em, giáo viên chúng tôi cũng đã sử dụng lời phê bên dưới khi cần thiết. 

Cũng có những lời dặn dò nhắc nhở các em khi chấm sửa bài mà đâu cần phải đến bây giờ khi không áp dụng chấm điểm mới làm điều đó.
 
Nếu chỉ nhận xét “Bài em làm tốt”, “Em cần tính toán kĩ hơn”, “Cố gắng rèn chữ”…thì nhận xét ấy còn thua nhiều so với việc chấm điểm. 

Chưa nói đến việc nhiều nơi, để giảm áp lực cho giáo viên nhiều trường học còn khuyến khích thầy cô dùng dấu hay sử dụng mặt cười, mặt mếu…để đánh giá học sinh. 

Qua hai năm áp dụng rộng rãi Thông tư 30, những thầy cô giáo đang rất hy vọng Bộ GD&ĐT lắng nghe để tháo gỡ những bất cập, những khó khăn mà các trường đang vướng phải. 

Việc lắng nghe chân tình, mạnh dạn sửa đổi những điều không phù hợp mới tạo cho Thông tư 30 được áp dụng một cách hiệu quả hơn.

Đỗ Quyên