Độc quyền là thủ phạm, chỉnh lý sách chỉ là cái cớ gây khan hiếm

24/08/2018 14:13
Đỗ Quyên
(GDVN) - Giáo viên thắc mắc: "Nếu thật sự sách đã được chỉnh lý thì sao vẫn có thể cho các em nghèo học sách cũ được? Lẽ nào chỉnh lý là cái cớ để bán sách thôi chăng?"

LTS: Đặt ra câu hỏi có hay không việc việc lấy lý do chỉnh lý sách để bán sách độc quyền, tác giả Đỗ Quyên đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mô hình trường học mới VNEN hiện đã và đang bị khá nhiều tỉnh thành tẩy chay bởi còn quá nhiều bất cập cả trong nội dung giảng dạy và hình thức tổ chức lớp học.

Những bộ sách giáo khoa VNEN chính là bản sao của những bộ sách giáo khoa hiện hành nhưng lại có giá “trên trời”.

Phụ huynh vì muốn cho con có sách học đã phải nhắm mắt rút hầu bao trong sự xót xa.

Sách học chưa cũ thì năm học này khá nhiều tỉnh thành tuyên bố sách VNEN đã được chỉnh lý nên học sinh không được học sách cũ mà phải mua sách mới.

Độc quyền là thủ phạm, chỉnh lý sách chỉ là cái cớ gây khan hiếm ảnh 1Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?

Khi có không ít giáo viên phản ứng thời gian thay sách đã cận kề, nay bỏ sách cũ mua sách mới quả là lãng phí.

Làm thế chẳng khác nào đè gánh nặng kinh tế lên vai những phụ huynh nghèo.

Thật bất ngờ, giáo viên được nhà trường bật mí “cứ thông báo cho phụ huynh mua sách mới tại trường. Nhưng nếu gia đình nào khó khăn quá thì vẫn cho các em học sách cũ”.

Tại sao lại có sự vô lý như thế?

Điều giáo viên thắc mắc nhiều nhất là “nếu thật sự sách đã được chỉnh lý thì sao vẫn có thể cho các em nghèo học sách cũ được? Lẽ nào chỉnh lý chỉ là cái cớ để bán sách thôi chăng?

Sách giáo khoa VNEN đã chỉnh lý về cơ bản nội dung không khác gì sách cũ

Cầm trên tay những cuốn sách mới VNEN đã được chỉnh sửa của các khối lớp 2, 3, 4 và 5 do nhà xuất bản Bộ Giáo dục ban hành, về hình thức, sách đã được thu gọn 4 cuốn (môn tiếng Việt, Toán) giờ còn 2 cuốn. Môn Tự nhiên và Xã hội trước 2 cuốn, giờ còn 1 cuốn.

Lật giở từng trang sách so nội dung gần như không khác gì về mục tiêu bài học, về các hoạt động giáo dục đặc biệt là nội dung học tập.

Ví như điểm khác duy nhất ở cuốn Tự nhiên và Xã hội (lớp 3) là sách cũ ghi thời gian dạy một bài cụ thể (2 tiết), sách mới không có.

Một số câu lệnh được sửa ví như sách cũ (ở môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3) bài 17 “Thế giới động vật và thực vật quanh em” ghi là “quan sát và thực hiện hoạt động”. Sách mới chỉnh sửa “quan sát, hoàn thành bảng và trả lời”.

Về căn bản chỉ là thay đổi từ ngữ còn nội dung lại chẳng hề thay đổi. Ngoại trừ một số bài có bỏ bớt một vài câu hỏi khó nhưng không nhiều.

Do sách cũ được in 4 cuốn nên chữ và hình ảnh to, nhìn sáng mắt. Nay sách mới rum lại thành 2 cuốn. Vì thế kênh hình được thu nhỏ còn kênh chữ lại dày và nhìn rối mắt hơn.

Sách chỉnh lý thì kênh hình được thu nhỏ còn kênh chữ lại dày (Ảnh: tác giả cung cấp).
Sách chỉnh lý thì kênh hình được thu nhỏ còn kênh chữ lại dày (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sự thay đổi chỉnh sửa chủ yếu là hình thức, thế nên yêu cầu bỏ sách cũ mua sách mới là không thật sự cần thiết.

Nhưng vì sao ngành giáo dục một số địa phương vẫn nhất quyết làm?

Độc quyền bán sách, món lợi khổng lồ

Phụ huynh được thông báo việc đổi sách, giáo viên cũng phân tích rằng nếu mua sách bên ngoài dễ bị nhà sách lừa bán sách cũ và như thế tiền mất tật mang. Để đảm bảo chắc chắn chỉ nên đăng kí mua sách tại trường.

Trường lấy danh sách phụ huynh đăng kí báo về phòng giáo dục. Từ phòng sẽ đăng kí với sở.

Những bộ sách giáo khoa được xe tải của công ty thiết bị chuyển về giao cho các trường.

Thế là trường có hàng ngàn học sinh sẽ bán được ngay hàng ngàn bộ sách giáo khoa mà không phải nhọc công cho việc quảng cáo hoặc khuyến mãi như nhiều hiệu sách đang ra chiêu áp dụng.

Bán sách ở trường còn có điểm lợi là bán đúng giá bìa trong khi các hiệu sách còn thực hiện khuyến mãi khoảng 10-15%.

Thử tính xem một trường, một huyện thị và nhiều tỉnh thành cũng bán sách độc quyền như thế, sẽ có hàng trăm nghìn bộ sách được bán ra một cách nhanh chóng và số tiền thu về từ việc bán sách giáo khoa là con số vô cùng khổng lồ.

Chỉ thương cho nhiều phụ huynh hàng năm đều phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho việc đổi sách.

Đỗ Quyên