Đôi điều băn khoăn của thầy Khang về chính sách miễn học phí sư phạm

10/06/2018 06:29
Thanh Sơn
(GDVN) - Liệu ngành giáo dục có tiếp nhận hết sinh viên tốt nghiệp sư phạm không? Nếu không tiếp nhận được hết thì những sinh viên này khi nào được “xoá nợ”?

Trong nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đối với chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Theo quy định hiện hành, học sinh, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, tuy nhiên còn nhiều học sinh, sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành giáo dục, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước không hiệu quả. 

Đồng thời chính sách này không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.

Vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm: học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, …

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Liệu tín dụng sư phạm có đủ hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm? (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng)
Liệu tín dụng sư phạm có đủ hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm? (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng)

Liên quan đến chính sách này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) khẳng định rằng:

Hơn 20 năm sinh viên sư phạm được miễn học phí, đến nay không còn thích hợp, bộc lộ những bất cập. Đó là không thu hút được học sinh giỏi học sư phạm; sinh viên sư phạm tốt nghiệp rất nhiều người không phục vụ ngành giáo dục.

Bây giờ thay việc miễn học phí bằng việc cho sinh viên sư phạm vay “tín dụng sư phạm” để đóng học phí và trang trải sinh hoạt phí thì thầy Khang nêu ra một số vấn đề để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và có biện pháp khắc phục hiệu quả. 

Đôi điều băn khoăn của thầy Khang về chính sách miễn học phí sư phạm ảnh 2Giáo sư Nguyễn Minh Hiển: Có việc mà không phải chạy, người tài sẽ vào sư phạm

Thứ nhất, tín dụng sư phạm có đủ hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm?

Thứ hai, căn cứ vào đâu để định mức cho vay tín dụng khoản “chi trả sinh hoạt phí trong toàn khoá học?

Thứ ba, sau khi tốt nghiệp sư phạm, nếu phục vụ trong ngành giáo dục đủ số năm quy định thì người đó sẽ được “xoá nợ” tín dụng sư phạm được vay khi đi học. Vậy đó là 5 năm, 10 năm hay bao nhiêu năm thì “đủ số năm quy định?

Thứ tư, liệu ngành giáo dục có tiếp nhận hết sinh viên tốt nghiệp sư phạm không? Nếu không tiếp nhận được hết thì những sinh viên này khi nào được “xoá nợ”?

Ngoài ra, thầy Khang cũng đề xuất, Khoản 1, Điều 48 của Luật Giáo dục nên thống nhất hai loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, cho phù hợp quốc tế.

Đôi điều băn khoăn của thầy Khang về chính sách miễn học phí sư phạm ảnh 3Sinh viên sư phạm cần việc làm, thu nhập tương xứng

Cụ thể:

Trường công lập (State school): do Nhà nước đầu tư thành lập và đảm bảo điều kiện hoạt động (cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên) theo quy định của pháp luật.

Trường tư thục (Private school): do nhà đầu tư (cá nhân, một nhóm cá nhân, cộng đồng dân cư, đoàn thể xã hôi, tổ chức phi chính phủ...) trong nước hoặc nước ngoài, có lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận, đầu tư thành lập và đảm bảo điều kiện hoạt động (cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên) theo quy định của pháp luật.

Không nên dùng khái niệm “trường ngoài công lập”, trong đó có các loại hình khác (tư thục, dân lập, có vốn đầu tư nước ngoài,...).

Luật xác định có hai loại hình cơ bản “trường công lập” và “trường tư thục” để các văn bản dưới luật được thống nhất, không dùng quá nhiều các tên gọi loại hình trường như từ trước đến nay.

Thanh Sơn