Đổi giờ học: Cơm nắm, bánh mì, phụ huynh chờ tiếp tế cho con

02/02/2012 07:13
Bích Thảo
(GDVN) - Chịu tác động nặng nề của việc thay đổi giờ học là THPT. Khi các em phải học với bụng cồn cào còn phụ huynh bỏ việc gia đình trực chờ đón con.

Con đi học, bố mẹ cùng trực chờ

Tại các cổng trường THPT chiều tối ngày đầu tiên đổi giờ học bỗng trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn rất nhiều so với ngày thường. 19h tất cả các trường THPT đều tan học ca chiều. Dù mới 17h chiều nhưng do thời tiết mùa đông khiến trời tối rất nhanh. Không an tâm để con cái đi đường tối về nhà nhiều bậc phụ huynh đã phải cất công đi đón con.

Các bậc phụ huynh luôn quan tâm đến giờ học của con em
Các bậc phụ huynh luôn quan tâm đến giờ học của con em

Có mặt tại cổng trường THPT Nhân Chính Thanh Xuân ngay từ 18h, cô Thủy phụ huynh của em Trần Hà My lớp 11A cho biết: “Nhà cô cách trường chỉ hơn 2km, bình thường em có thể tự đi xe đạp về nhà được, nhưng giờ học tối như thế này thì cô không thể an tâm để em nó đi về được.”

Cô Thủy lo lắng trời tối, đèn điện nhập nhèo, con gái cô lại bị cận nặng, nên khi đi xe qua đường sẽ rất nguy hiểm. Cô nói thêm: “Không phải chỗ nào cũng có đèn điện sáng, mắt em bị cận đi lại rất nguy hiểm. Bây giờ ý thức tham gia giao thông của người dân mình đâu có tốt, đâu có nhường nhịn học sinh sang đường. Rồi thì các em nó trai gái đi về chung buổi tối, ai biết trước chuyện gì xảy ra. Mình ngồi ở nhà đợi cũng không thể yên tâm nên phải đến tận nơi đón.”

Trước đây, 17h đến 17h30 các trường THPT đều tan học. Trời còn sáng, những em ở gần có thể tự đi bộ, hoặc đi xe về nhà. Tuy nhiên, hiện trường tan muộn khiến nhiều phụ huynh phải bỏ dở công việc gia đình để đi đón con. Những gia đình quá bận thì thuê xe ôm quen, hoặc nhờ người thân đón hộ.

Anh Quang được nhờ đón hộ em Minh học tại trường THPT Nhân Chính cho biết: “Hôm nay tự dưng cháu lại về muộn, bố mẹ cháu có việc bận nên nhờ tôi đi đón hộ. Chắc những gia đình bận rộn thì chắc phải thuê xe ôm dài ngày rồi. ”

Bánh mì, sữa tươi tiếp tế để kịp chạy “sô”

Thương con đói bụng chị Nguyễn Thị Hà (phụ huynh của em Nguyễn Thanh Hiền) đã chuẩn bị sẵn cho con hai chiếc bánh mì và hộp sữa để lấy lại sức chuẩn bị cho tăng ba. Sau khi học xong ở trường Thanh Hiền còn đi học thêm Toán đến 21h30 mới được nghỉ.

Bánh mì, sữa tươi, phụ huynh chờ tiếp tế cho con
Bánh mì, sữa tươi, phụ huynh chờ tiếp tế cho con

Cô ngậm ngùi xót xa cho cô con gái: “Năm nay con cô học lớp 11 rồi mà không đi học thêm thì khó mà thi đại học được. Bình thường thì em nó có thể về nhà ăn uống, tắm rửa đến hơn 7h tối mới phải đi học thêm. Giờ thì phải vội vàng đến lớp học thêm không có thì muộn giờ ấy.”

Anh Thư lớp 10B trường THPT Quang Trung cùng chung cảnh vội vàng chạy sô như Thanh Huyền. Anh Thư mệt mỏi sau giờ học tiết 5 nói: “Tiết 4, tiết 5 em không thể nào tập trung vào học được. Giờ này bình thường ở nhà em đã được ăn no nê, tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị đi học thêm rồi. Chứ bây giờ em vừa đói vừa mệt, lại còn phải đi học thêm luôn.”

Mặc dù không phải học tăng ba như nhiều bạn, nhưng Phan Huy Hoàng lớp 11A trường Quang Trung cũng được mẹ mang tiếp tế cho mấy gói bim bim và bánh mì ăn lót dạ. Hàng quán đồ ăn vặt ven đường như súc xích, nem chua rán, bánh mì kẹp thị cũng cố gắng bám trụ đến giờ tan học và còn đắt khách hơn cả buổi sáng.

Nhiều học sinh đi muộn ca chiều

Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam về tình hình buổi đầu tiên lịch học mới thày Đỗ Đức Hà Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung nhận xét: “Buổi đầu tiên theo giờ học mới nên sự xáo trộn, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Tình trạng học sinh đi học muộn cũng không phải là hiếm nhất là ca học chiều.”

Buổi sáng trường bắt đầu tiết 1 sớm hơn bình thường 15 phút, thời gian xê dịch không nhiều, nên cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến thói quen đi học của các em. Với ca chiều số lượng học sinh đi học muộn lại đông hơn vì có em ngủ trưa, rồi có những em mải chơi quên giờ học.

Theo lịch học của trường Quang Trung ca sáng sẽ kết thúc trước 11h, sau đó đến 14h30 mới bắt đầu ca chiều, thời gian nghỉ giữa hai ca là hơn 3 giờ. Theo thầy Hà có nhiều em nhà xa không tiện về nhà nghỉ trưa sẽ ở lại trường chờ đến ca chiều. Trong lúc rảnh rỗi chắc chắn là có nhiều em sẽ tìm đến quán net, quán bi – da. Học sinh ngoài giờ học thì nhà trường lại không có thẩm quyền quản lý.

Cô Đoàn Đức Hạnh Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường cũng rất băn khoăn khi các em học sinh ở lại trường buổi trưa. Việc ăn uống của các em chắc chắn cũng khó đảm bảo, rồi việc chơi bời không thể kiểm soát. Nhưng quy định là từ cấp Sở đưa xuống thì trường cũng chỉ biết cố gắng thực hiện thôi.”

Xây dựng thêm hệ thống điện chiếu sáng

Để phục vụ tốt nhất cho việc học tiết 4, 5 buổi chiều tối, trường THPT Quang Trung đã thiết kế thêm hệ thống điện chiếu sáng ngoài sân trường phụ vụ cho các môn hoạt động ngoài giờ.

Tuy nhiên, trong mỗi lớp học số lượng bóng điện chiếu sáng vẫn không thay đổi dù giờ học tối của các em bị tăng lên gần 2h. Nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra lo lắng về chất lượng chiếu sáng như vậy liệu có gây ra cận thị nặng hơn.

Thày hiệu trưởng Đỗ Đức Hà
Thày hiệu trưởng Đỗ Đức Hà

Điều đáng lo ngại nhất với học sinh THPT khi phải học tối đó là tình trạng mất điện đột xuất. Hiệu trưởng Đỗ Đức Hà băn khoăn: “Nếu xảy ra tình trạng mất điện đột xuất khi đang giờ học ca 4, 5 buổi chiều tối, thì trường cũng không dám giữ học sinh. Khi đó nếu 15 phút chưa có điện lại, trường sẽ hướng dẫn cho các em ra về để đảm bảo an toàn cho các em.”

“Hiện tại nhà trường chỉ có máy phát điện công suất nhỏ, không thể đủ chiếu sáng cho toàn bộ các lớp học. Do đó, thày Hà kiến nghị nếu đã áp dụng giờ học muộn thì cần phải đảm bảo có điện cho các em học. Nếu phải cắt điện, nhất định phải có thông báo cho các trường trước mấy ngày để trường chủ động sắp xếp cho các em nghỉ học,” thày Hà đưa ra kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Bích Thảo