Đổi giờ học: Học sinh cấp 3 bị ảnh hưởng nặng nề

01/02/2012 07:13
Xuân Trung - Bích Thảo
(GDVN) - Sáng nay 1/2, ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng giờ học mới cho các trường ở 10 quận nội thành cùng hai huyện Từ Liêm và Thanh Trì.
Trước đó vài ngày khi chính thức nhận được thông báo từ nhà trường về việc sẽ thay đổi giờ học để giảm ùn tắc giao thông, nhiều phụ huynh đã bày tỏ nỗi hoài nghi về phương án này.

Về tối chắc con tôi ăn cơm một mình

Theo phương án điều chỉnh giờ học được thực hiện từ sáng nay, nhiều trường ở các cấp học, bậc học ít nhiều có sự xáo trộn thói quen cũng như đảolộn cuộc sống phụ huynh. Đối với học sinh cấp 3, việc phải đi học sớm và về muộn gây ảnh hưởng không nhỏ tới các em. Nhiều ý kiến bày tỏ nỗi lo lắng đối với học sinh nhà xa trường, thời gian đầu áp dụng giờ trong khi tiết trời nhanh tối, điều đó khiến các em đi lại khó khăn hơn bao giờ hết. 
Đổi giờ học khiến các phụ huynh phải phụ thuộc vào con nhiều hơn. Ảnh minh họa
Đổi giờ học khiến các phụ huynh phải phụ thuộc vào con nhiều hơn. Ảnh minh họa
Anh Vũ Thanh Nghĩa phụ huynh em Vũ Ngọc Linh, học sinh lớp 11 trường Phổ thông Đa cấp Hoàng Diệu Victoria cho biết, nhà anh cách trường khoảng 4km, hàng ngày cháu Linh thường phải đi học bằng xe Buýt, nếu 19 giờ tối mới tan học thì sẽ ảnh hưởng nhiều tới nếp sinh hoạt hàng ngày của Linh: “Riêng khoản đi về cũng mất gần 30 phút, chưa kể xe đông thường bỏ bến, đường đông đi chậm. Về tới nhà ăn cơm, tắm giặt cũng phải gần 21 giờ mới xong. Bình thường là Linh đã học được khoảng thời gian rồi, đằng này như vậy không hợp lý tí nào, chẳng còn thời gian đâu để học” anh Nghĩa bức xúc.
Theo anh Nghĩa, việc thay đổi giờ sẽ không đem lại ích lợi nào, thậm chí “lợi bất cập hại”. Bài toán chống ùn tắc giao thông vẫn chưa hình dung ra được, hơn nữa phụ huynh và học sinh sẽ bị đảo lộn về nhịp sống: “Ban ngày cả nhà đi làm hết, chỉ tập trung với nhau trong bữa tối. Lúc trước, cháu đi học về lúc 17 giờ 30, thì khoảng 18 giờ là gia đình đã ăn cơm rồi. Vậy mà giờ con gái mãi tận 19 giờ tối mới về. Lẽ nào để con ăn cơm một mình. Đổi gì thì đổi nhưng mà chỉ đến 18 giờ tan là được rồi” anh Nghĩa kiến nghị.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thanh Hiền phụ huynh em Trần Vũ Trà My, học sinh lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn Hà Nội thẳng thắn: “Thay đổi giờ là rất tốt, tâm lý là hạn chế được ách tắc giao thông nhưng nói thật cũng chưa biết chừng. Hơn nữa, việc kéo dài thời gian khiến em nó đi học về muộn quá. Bây giờ phải 19 giờ tối mới tan, 19 giờ 30 mới về đến nhà, tôi cũng không yên tâm. Bình thường em nó có thể tự đi xe về, chứ bây giờ tối mới tan thì không dám cho em tự đi. Tôi nghĩ chỉ nên xem lại thời gian học cho phù hợp hơn vì trời mùa này  tối rất nhanh” chị Hiền cho biết.
Rõ ràng, thay đổi cả hệ thống giờ làm việc đã ít nhiều khiến các gia đình có con trong độ tuổi đi học lo lắng.

Đổi giờ, bố mẹ sẽ phụ thuộc vào con

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Kim Thao, nhân viên hành chính trong một công ty bảo việt tại quận Hai Bà Trưng cho biết, ngày nào chị cũng phải đi 14km để đi làm. Nhà tận huyện Đông Anh, chồng làm trong Bệnh viện 108 nên hầu như con cái do chị chủ động đưa đi, đón về. 
Phân chia thời gian đưa và đón con khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ảnh Xuân Trung
Phân chia thời gian đưa và đón con khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ảnh Xuân Trung
Chị cho biết, hiện bé lớn mới học mẫu giáo, từ nhà cách trường khoảng 2km và ngày nào cũng phải đưa bé tới trường trước khi đi xuống trung tâm Hà Nội làm việc: “Chả ai thích đổi giờ kiểu này, đi sớm về muộn. Chồng làm bác sỹ nên thời gian hầu như rất bận, tối ngày. Nếu theo lịch đổi giờ làm thì phải tới 19 giờ tối mới được nghỉ, bé nhà mình lại tan học lúc 17 giờ chiều, cùng lắm ở lại thêm 30 phút nữa, giờ không biết đón con kiểu gì?” chị Thao lo lắng trước khung thời gian mới.
Chị Thao nói rằng, nếu vậy chắc chắn bố hoặc mẹ phải cắt cúp thêm thời gian để về sớm đón con chứ không thể để con “bơ vơ” ở trường được.
Là một giáo viên cấp III, chị Phan Thị Dung có con học tại trường Tiểu học Khương Đình băn khoăn, bản thân chị rất nhiều lần phải dạy  tới tiết 5, theo lịch đổi giờ mới thực hiện từ hôm nay thì phải tới 19 giờ tối mới được nghỉ, như thường lệ việc đón con hàng ngày chị phải đảm nhận. Như vậy, thời gian tan học của con là 17 giờ sẽ rất khó để về sớm đón con được: “Chắc trong tuần và ngày hôm nay phải đổi tiết dạy để được về sớm hơn chút đón con vì nhà chưa có điều kiện thuê người ở. Khó khăn nữa, là người chợ búa cho cả gia đình mà ngày nào cũng về muộn thì đâu có được, chắc phải chuẩn bị trước vài ngày, thậm chí mua đồ ăn chín thôi” chị Dung lên kế hoạch trong ngày.
Việc thay đổi giờ đi làm, đi học ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của gia đình, giáo viên và học sinh. Vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị để đảm bảo các trường được đồng bộ về khung thời gian học tập. Những ngày đầu và trong quá trình thực hiện nếu nảy sinh những vấn đề, tình huống cụ thể Sở sẽ có mức điều chỉnh cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế”.
Phương án đổi giờ học mới này đang nhận được sự thu hút của xã hội, nhất là phụ huynh học sinh. Văn bản đưa ra, phụ huynh buồn vui lẫn lộn. Vui vì có chút kỳ vọng nào đó làm thay đổi tình trạng ách tắc giao thông, buồn vì giờ giấc mới làm đảo lộn nhịp sống cũng thói quen sinh hoạt hàng ngày của nhiều gia đình. 
Chiều qua 31/1, Sở GD&ĐT Hà Nội có thông báo đề cập tới việc các đơn vị giáo dục không tự ý định ra giờ học trái với quy định của Sở và UBND thành phố. 
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với những trường học 2 ca, giờ học buổi chiều với trường Mầm non, Tiểu học và THCS cần báo cáo với phòng GD&ĐT và và UBND quận, huyện. 
Những trường THPT, TCCN, CĐ, TTGDTX học 2 ca cần báo cáo về Sở, đồng thời căn cứ vào số tiết học và thời khóa biểu để định ra giờ học cho phù hợp và đảm bảo tan học đúng giờ quy định của thành phố.
Xuân Trung - Bích Thảo