Đổi giờ học: Học sinh lớp 12 lo lắng cho kỳ thi quyết định cuộc đời

03/02/2012 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Việc phải học từ sáng tới tận tối, nhiều học sinh THPT cho rằng, như vậy thời gian học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi TN và ĐH chắc chắn ảnh hưởng nhiều.
Chủ động với kế hoạch sớm
Mặc dù còn khoảng hơn 4 tháng nữa mới tới thời gian thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng khi nghe tới phương án đổi giờ học mới, nhiều phụ huynh và  học sinh cấp 3 đang lên cho mình kế hoạch để “tôi luyện” trước khi bước vào hai kỳ thi cam go nhất trong năm đứng trước nhiều nỗi lo. 
Với giờ học mới nhiều học sinh lớp 12 đang lo lắng "chạy" giờ học thêm để thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Ảnh minh họa Xuân Trung
Với giờ học mới nhiều học sinh lớp 12 đang lo lắng "chạy" giờ học thêm để thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Ảnh minh họa Xuân Trung
Với  khung giờ học được thực hiện từ ngày 1/2/2012 áp dụng cho các trường học tại Hà Nội thì học sinh THPT phải học từ 7 giờ tới 19 giờ tối, như vậy thời gian cho việc học tại nhà sẽ rất hạn chế chưa nói gì tới việc học thêm để bồi dưỡng kiến thức cho hai kỳ thi sắp tới.

Em Nguyễn Thị Tâm, học sinh lớp 12  trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội lo lắng: “Chúng em phải học cả ngày trên trường rồi, sáng đi sớm tối về muộn như thế thì thời gian đâu để học thêm, lớp em nhiều người cũng muốn học thêm các môn chính cho kỳ thi tới, trước mắt là tốt nghiệp. Em muốn tìm một cô dạy thêm môn Vật lý để học thêm nhưng cả ngày đi học như thế này chắc rất khó để học thêm, bố mẹ muốn nhờ anh trai kèm cặp nhưng như thế em không thích, giờ không biết làm thế nào”.
Không giống như Tâm, em Đinh Thu Trang, một học sinh lớp 12 lại lên cho  mình kế hoạch cụ thể. Trang cho biết, với giờ học như hiện nay sẽ khó có thêm thời gian để đi học thêm và em tự liệt kê ra những môn học cần đầu tư nhất để tự ôn.

“Với ngày chính đi học thì không nói, nhưng thời gian cuối tuần và sau giờ học em sẽ tự ôn các môn thi tốt nghiệp. Các môn em “đầu tư” thời gian nhiều như Toán, Lý và Sinh. Nhà em cũng gần trường nên không mất thời gian đi về, khoảng sau 8 giờ tối có thể ngồi học bình thường. Em học yếu môn Toán nên rất lo” Trang cho biết.
Còn kế hoạch của Hoàng Văn Hiệp, học sinh lớp 12 trường THPT Minh Khai thì sau mỗi giờ tan học em sẽ tranh thủ đi học thêm tới 21 giờ tối mới về.

“Nhà nước ban hành giờ học mới thì phải chấp hành. Mặc dù đối với học sinh cấp 3 sẽ ảnh hưởng nhiều hơn các đối tượng khác nhưng may là cũng gần sang mùa hè, trời sẽ đỡ tối hơn. Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới em đã học thêm từ trước đó, tuy nhiên khi có giờ học mới lại phải điều chỉnh lại giờ học, trước kia học sớm hơn 2 tiếng, giờ lui lại 2 tiếng. Cũng may mà cô giáo dạy em đã về hưu chứ không thì cũng không dạy được” Hiệp nói.
Tiếp xúc với chúng tôi trong hai ngày qua, nhiều giáo viên các trường THPT tại Hà Nội phản ánh, theo các thầy cô hiện học sinh cấp 3 chủ yếu các em đi xe đạp, như vậy bảo học sinh cấp 3 gây ra ách tắc giao thông là chưa đúng. Thực tế, ra đường chưa ăn nhằm gì so với học sinh cấp 2, các em gần như được bố mẹ đưa đi đón về: “Nhiều khi bố mẹ đi làm về rồi tiếp tục vòng đến trường đón con, đúng lúc đó là thời điểm học sinh cấp 3 tan học. Như vậy khác nào hòa cả làng, thậm chí còn gây tắc đường hơn” một thầy giáo cho biết.

Phá vỡ kế hoạch

Sau khi có chủ trương đổi giờ học mới, nhiều kế hoạch tìm gia sư cho con với mục tiêu hướng đến hai kỳ thi lớn nhất trong năm là Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã bị phá vỡ.
Phần lớn được hỏi, các em học sinh lớp 12 cho biết phải mang theo "lương thực" để ăn thêm có sức học thêm sau ca học chính. Ảnh Xuân Trung
Phần lớn được hỏi, các em học sinh lớp 12 cho biết phải mang theo "lương thực" để ăn thêm có sức học thêm sau ca học chính. Ảnh Xuân Trung
Ông Phạm Văn Minh, có con học trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông cho biết, trước đó theo kế hoạch con ông sẽ được học thêm ở một trung tâm luyện thi. Mặc dù thời gian còn khá dài nhưng với sức học của con khiến ông bố này không yên tâm.

“Tôi đã đi tìm hiểu nhiều trung tâm dạy thêm trên mạng cũng như người quen, nhưng vừa tìm được và chuẩn bị cho cháu đi học thêm sau giờ học chính khóa thì lại thay đổi giờ học. Kế hoạch này phải thay đổi vì học như vậy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cháu, thời gian trên lớp đã kéo dài mà lại đi học thêm sau đó chắc không ai chịu được” ông bố này phân bua.
Đối với chị Trần Thị Thơm có con học tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội, việc đổi giờ học của con khiến chị đang băn khoăn không biết có nên cho con đi học thêm ở khu nội thành nữa hay không.

“Nếu cho em nó học trong khu nội thành, tốt thì tốt thật nhưng trong ngày chỉ có buổi tối sau giờ học chính là chống thời gian, như vậy học thêm ở đó em nó sẽ về rất muộn. Nhà lại xa, hiện hầu như em phải đi học bằng xe đạp hàng ngày nên tôi đang tính, chắc bố mẹ phải đưa đi đưa về thôi” chị Thơm cho biết. 

Tại sao lại điều chỉnh vào giữa học kỳ?
Nhiều ý kiến bày tỏ của các em học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho rằng, đây là thời gian chuẩn bị và tập trung trí, lực để ôn và học thêm cho hai kỳ thi nhưng giờ giấc thay đổi khiến các em rơi vào tình thế bị động. 

Khi được hỏi, hầu hết các em lớp 12 bày tỏ phải chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho sau tiết cuối để kịp “ấm bụng” cho thời gian học thêm sau đó.

“Lớp chúng em các bạn phải làm như vậy mới có sức học tiếp. Em sau buổi học chính phải đi học thêm ở nhà cô tới 23 giờ đêm, nếu không có thay đổi giờ chỉ học tới 22 giờ thôi” một học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội nói.
Như vậy, trong thời gian tới việc áp dụng khung giờ học mới không chỉ những đối tượng học sinh cấp ba ảnh hưởng mà trực tiếp là những em học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. 

"Chưa nói đến chuyện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm thế này có bớt tắc đường hay không. Nhưng việc điều chỉnh vào giữa năm học đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học, nghỉ và kế hoạch ôn thi của con tôi. Nếu vì việc này mà chất lượng học của con tôi bị giảm sút thì ai chịu trách nhiệm?", một phụ huynh lo lắng chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục


Xuân Trung