Đối với ngành y, trăm hay không bằng tay quen

05/07/2018 14:40
Thùy Linh
(GDVN) - 1 giáo sư ở Singapore, 3 tháng mới thực hiện 1 ca mổ nội soi bướu cổ, trong khi đó 1 bác sĩ tại Việt Nam, trong 1 buổi sáng đã thực hiện tới 9 ca.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 4/7, Trường cao đẳng Y Dược Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quyết định và bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường.

Sau khi nhận quyết định, tân Hiệu trưởng – Giáo sư Lê Trung Hải đã có những trăn trở về việc đào tạo cũng như mong muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở tất cả các khâu: kiến thức, tay nghề, y đức, y nghiệp. 

Bởi lẽ, khi nguồn nhân lực có chất lượng thì cơ sở y tế tuyển được một điều dưỡng giỏi, người dược sĩ giỏi thì chắc chắn công việc của cơ sở đó sẽ tốt, tạo thương hiệu, niềm tin cho người bệnh. 

Tiến sĩ Lê Đức Mạnh (trái) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng cho Giáo sư Lê Trung Hải (Phải). (Ảnh: Công Luân)
Tiến sĩ Lê Đức Mạnh (trái) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng cho Giáo sư Lê Trung Hải (Phải). (Ảnh: Công Luân)

Chia sẻ với phóng viên, tân Hiệu trưởng nói: “Tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp là rất lớn, trong đó có ngành y tế.

Thế nhưng, theo thống kê những năm gần đây của phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội, số sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp xin được việc đúng ngành là trên 60%.  

Với hy vọng tiếp tục nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong thời gian tới, nhà trường đặt vấn chất lượng đào tạo (đặc biệt là tay nghề của sinh viên) lên hàng đầu đồng thời tích cực hợp với các đơn vị để đưa thí sinh đi làm việc tại các quốc gia đang rất cần điều dưỡng, người chăm sóc người già… như Đức, Nhật...”.

Đối với ngành y, trăm hay không bằng tay quen ảnh 2Chất lượng là sống còn, Bộ tiếp tục mạnh tay với các trường đại học chưa đảm bảo

Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội xác định đào tạo ngành Y Dược phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, vật tư, học cụ, phòng thực hành, bệnh nhân lâm sàng phải được đồng bộ với nhau. 

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng hiện nay, nhiều người dân có xu hướng ra nước ngoài để chữa bệnh vì cho rằng, nước ngoài có trang thiết bị tốt, trình độ bác sĩ giỏi. 

Về vấn đề này, Giáo sư Lê Trung Hải thừa nhận ở nước ngoài có trang thiết bị mới, máy móc hiện đại, tác phong chuyên nghiệp nhưng trong nước cũng có nhiều thế mạnh. 

Vị này nêu dẫn chứng, 1 giáo sư ở Singapore, 3 tháng mới thực hiện 1 ca mổ nội soi bướu cổ, trong khi đó 1 bác sĩ tại Việt Nam làm việc ở một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội 1 buổi sáng đã thực hiện đến 9 ca. 

Nói như vậy cũng để thấy, muốn cho chất lượng tay nghề của sinh viên nâng lên thì các em cần được thực hành, thực tập thường xuyên dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ giỏi, những thiết bị tốt.

“Đối với ngành y, trăm hay không bằng tay quen”, ông Hải nhấn mạnh. 

Để thực hiện được điều đó, Giáo sư Lê Trung Hải cho biết, Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội đã và sẽ hợp tác cùng Bệnh viện 354, bệnh viện Y học Phòng không – Không quân, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương và nhiều bệnh viện lớn khác để cho sinh viên thực hành - thực tập.

Ngoài chú trọng vào mặt chuyên môn, nhà trường còn đẩy mạnh cho sinh viên học ngoại ngữ.

Theo Giáo sư Lê Trung Hải, ngoài chuyên môn tốt các bạn được trang bị thêm ngoại ngữ sẽ có cơ hội tìm hiểu tài liệu của nước ngoài phục vụ cho việc học tập và đi làm, tránh tình trạng bệnh nhân phải tiêm bắp thịt thì lại đi tiêm tĩnh mạch thì hỏng bét.

Thùy Linh