Đồng tiền biết nói!

24/01/2019 06:52
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Cùng một trường, hoạt động tương tự nhau thế nhưng với hiệu trưởng cũ không có tiền thưởng Tết; thay hiệu trưởng, tiền thưởng lên dăm bảy triệu.

LTS: Câu chuyện thưởng Tết trong ngành giáo dục có rất nhiều điều để nói.

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra một số thực trạng bất cập và kiến nghị giải pháp cho vấn đề thưởng Tết giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tết đến, xuân về, cũng là dịp giáo viên “ngóng dài cổ” tiền thưởng Tết (tiết kiệm chi). Nơi có, nơi không, nơi nhiều, nơi ít, năm nhiều, năm ít chả khác gì thời tiết Việt Nam!.

Thế nhưng, thưởng Tết là đồng tiền “biết nói” nhiều nhất với nhà giáo. 

Thưởng Tết là đồng tiền “biết nói” nhiều nhất với nhà giáo. Ảnh: VnEconomy.vn
Thưởng Tết là đồng tiền “biết nói” nhiều nhất với nhà giáo. Ảnh: VnEconomy.vn

Thiếu thống nhất trên bình diện vĩ mô!

Cũng là giáo dục, có địa phương có, có địa phương không, khi áp dụng chính sách “tiết kiệm chi” theo Thông tư 71/2014/TTLT-BTC-BNV. 

Có nơi giáo viên cho biết “chưa hề biết tiết kiệm chi là gì”. Cuối năm, nếu hiệu trưởng không “chi hết, xài hết” ngân sách cấp, sẽ thu hồi. 

Chính việc này, thúc đẩy cán bộ quản lý “hợp lý hóa sổ sách”, người lao động “tặc lưỡi, tiền nhà nước mà”, ngân sách đầu tư không đúng chỗ cho giáo dục!

Thiếu công bằng!

Cũng một địa phương cấp huyện, chứ chưa nói cấp tỉnh; chênh lệch tiền thưởng Tết đã “khủng khiếp”; trường mẫu giáo BC, không có đồng nào; trong lúc đó trường mẫu giáo HH hơn mười triệu. 

Khi giáo viên thắc mắc, được trả lời do trường BC thiếu giáo viên, không hợp đồng giáo viên được, ngân sách chi trả tăng giờ, nên không có tăng thu nhập.

Đúng ra, ngân sách phải cấp theo biên chế, chứ không thể cấp theo biên chế hiện có!

Ngược lại, trường HH, giáo viên nghỉ hậu sản, hợp đồng giáo viên được, dư ngân sách nên nhiều thu nhập hơn (lương trả hợp đồng thấp hơn nhiều với lương nghỉ hộ sản). 

Thiếu minh bạch!

Đồng tiền biết nói! ảnh 2Giáo viên đừng mơ thưởng Tết nữa

Cùng một trường, năm trước và năm sau, hoạt động tương tự nhau, ngân sách cũng vậy; thế nhưng với hiệu trưởng cũ không có tiền thưởng Tết; thay hiệu trưởng, tiền thưởng lên dăm bảy triệu. 

Chỉ một hai năm sau, cơ cấu thanh tra nhân dân, công đoàn, chi bộ, thay đổi theo hiệu trưởng mới, tiền thưởng Tết cũng biến mất luôn. 

Còn có hiện tượng “đi đêm” của các hiệu trưởng, sao cho tiền Tết các trường na ná nhau, tránh “dòm ngó” của giáo viên; trường nào có tiền Tết cao thường bị “cô lập”, cạnh khóe, thanh tra dòm ngó kĩ hơn!

Tại sao vậy? Ai trong ngành cũng có câu trả lời, tiền Tết giáo viên phụ thuộc vào tâm của hiệu trưởng và kế toán! 

Nếu lãnh đạo vun vén, tư lợi cá nhân; các ban ngành trong trường là của hiệu trưởng, bù nhìn, cho có, quyền lợi tập thể bị bỏ sau quyền lợi cá nhân, giáo viên lại hóa “cổ cò” chờ tiền Tết.

Giải pháp nào cho giáo viên tiền Tết? 

Cần phổ biến, áp dụng Thông tư 71/2014/TTLT-BTC-BNV, đến tất cả các trường học trên cả nước. 

Kêu gọi tiết kiệm điện, nước…. đến mọi người. Tiết kiệm, sử dụng đúng, đủ, hợp lý, là bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, tăng cường tiền Tết cho chính mình. 

Đồng tiền biết nói! ảnh 3Trời ơi, có mấy đồng thưởng Tết, sao khổ sở thế này!

Tôn trọng, mở rộng, áp dụng các “sáng kiến” tiết kiệm, tái sử dụng vật tư trong trường học như thông báo, mời họp qua mail, tin nhắn VNEDU, tránh hội họp lãng phí.

Chống tham nhũng trong trường học, minh bạch mua sắm, sửa chữa; chỉ quyết toán khi các nội dung thu chi tài chính đúng sự thật, đúng giá thị trường đã được công khai với người lao động. 

Chọn người trung thực, dũng cảm làm thanh tra nhân dân, ban chấp hành công đoàn;

Phải có hành lang pháp lý cho phép thanh tra nhân dân giám sát thực tế việc mua sắm, sửa chữa trong trường học (hiện nay chỉ là hình thức, làm báo cáo cho đẹp, không có khung pháp lý để thực hiện). 

Luân chuyển kế toán hai năm một lần, Hiệu trưởng ba năm một lần, tránh được bội số lặp lại trong cơ cấu đại hội bầu thanh tra, công đoàn. Hiệu trưởng không có đủ thời gian thành lập “nhóm lợi ích”. 

Trên tất cả, đó là giáo dục tính trung thực, lòng yêu thương con người, trách nhiệm giáo dục nêu gương của cán bộ quản lý trong ngành.

Hiệu trưởng tốt, tạo ra môi trường tốt, rất nhiều giáo viên tốt, học sinh là người hưởng lợi đầu tiên.

Hiệu trưởng tốt, phải có lãnh đạo các cấp trên tốt, có như thế băn khoăn của Bộ trưởng về đổi mới giáo dục mới được giải tỏa, mới thực sự vì học sinh thân yêu.

Tài liệu tham khảo: 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-71-2014-TTLT-BTC-BNV-che-do-tu-chu-tu-chiu-trach-nhiem-su-dung-kinh-phi-nha-nuoc-235366.aspx

Sơn Quang Huyến