Dư âm ngày Nhà giáo Việt Nam

23/11/2018 07:02
Nhật Duy
(GDVN) - Ngày 20/11 đã đi qua được mấy ngày, niềm vui, sự xốn xang trong suốt tuần qua của các thầy cô rồi cũng sẽ qua đi để chuẩn bị bước vào ôn tập kiểm tra học kỳ.

LTS: Dù đã qua dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Nhật Duy vẫn tiếp tục nhận những câu hỏi về những món quà tặng thầy cô nhân dịp này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết bày tỏ những suy nghĩ của mình.

Kể cả trước và sau ngày 20/11, nhiều bạn bạn bè của tôi ở xa nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng nhau. Có người hỏi tôi ngày này nhận được nhiều tiền của phụ huynh và học sinh tặng không.

Tôi chỉ biết cười mà không thể trả lời câu hỏi của nhiều người. Bởi, không chỉ riêng tôi mà đa phần đồng nghiệp nơi chúng tôi đang công tác rất hiếm khi có phụ huynh hay học sinh tặng phong bì cho thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Nếu có, đa phần thầy cô cũng đều trả lại cho học trò.

Suốt tuần cả qua, sự kiện ngày Nhà giáo Việt Nam đã liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh với muôn sắc màu khác nhau. Có nhiều ý kiến bàn luận về chuyện tặng thầy cái gì cho thuận tiện, phong bì hay quà?

Ảnh minh họa: vietnamtrongtoi.net
Ảnh minh họa: vietnamtrongtoi.net

Có ý kiến chê trách thầy cô nhưng cũng có ý kiến không đồng tình với phụ huynh khi tặng phong bì, tặng quà cho thầy cô…

Ngày Lễ, khắp nơi trong cả nước tưng bừng trong hân hoan với sắc hoa rực rỡ và đa phần tổ chức văn nghệ chào mừng. Cả năm mới có một ngày nên trường nào cũng tổ chức trang trọng.

Nhiều thầy cô được ca ngợi trong ngày thầy giáo, nhiều kỷ niệm về tình thầy trò được kể lại.

Và, đâu đó, hình ảnh thầy cô trên các rẻo cao đang tận tình giảng dạy cho học trò, đang cống hiến tuổi thanh xuân của mình ở những nơi rừng sâu, núi thẳm đang nhận của học trò những bó hoa dại thấy thật trong sáng và cảm động.

Rồi, hình ảnh cả gia đình cô giáo mầm non ở Nhan Trong gặp nạn lở núi và đưa tang trong ngày 20/11 khiến chúng ta cảm thấy xót xa…

Dư âm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 2Giáo viên có nên mở quà tặng trước lớp không?

Chúng tôi cứ nghĩ rằng, đâu đó trên đất nước này vẫn còn nhiều thầy cô đang thất nghiệp, nhiều em sinh viên sư phạm ra trường chưa xin được việc làm.

Rồi biết bao nhiêu đồng nghiệp đang sống trong cảnh thiếu thốn ở những vùng khó khăn của đất nước.

Dù không dạy ở những trường có điều kiện ở phố phường nhưng chúng tôi vẫn đang dạy ở đồng bằng, gia đình luôn bên nhau, nghĩ thế thôi cũng đã và đang hạnh phúc hơn nhiều đồng nghiệp của mình…

Mới cách đây 2 tuần, trong một lần ra nhà xe để lấy xe về nhà, một chị đồng nghiệp đi theo và đưa cho chúng tôi một chiếc phong bì.

Nói rằng thấy em vất vả khi ôn thi cho mấy đứa nhỏ mà trường thì không có chế độ cho giáo viên ôn thi nên anh chị gửi em ít tiền uống cà phê.

Thì ra, chị đồng nghiệp thấy tôi đang ôn học sinh giỏi cho con chị nên định bồi dưỡng cho thầy tiền nước.

Rất cảm động nhưng tôi đã cương quyết chối từ, không phải chị là đồng nghiệp cùng trường mà nếu như một phụ huynh nào trong mấy em đang được tôi ôn thi nếu đưa phong bì tôi cũng làm thế.

Nhưng ngược lại, nhà trường bồi dưỡng cho thầy cô đang ôn thi bằng kinh phí của đơn vị, tôi sẵn sàng và vui vẻ nhận ngay. Còn đây là phụ huynh học sinh thì không thể nào nhận được.

Tiền dù chúng tôi rất cần nhưng nhất thiết khi cầm đồng tiền phải cảm thấy mình thanh thản.

Dư âm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 3Có một giáo viên chưa bao giờ nhận quà của học sinh

Ngày 20/11, có một học sinh cũng trong đội tuyển tôi đang ôn thi cầm chiếc phong bì đưa cho tôi và nói: ba mẹ em gửi thầy và chúc thầy nhiều niềm vui trong ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nhìn qua phong bì thấy không phải là tấm thiệp mà là những đồng tiền hiện lên mờ mờ qua lớp giấy mỏng, tôi cũng đã trả lại cho học trò.

Tôi gửi lời cảm ơn em học sinh và ba mẹ em đã dành tình cảm cho thầy nhưng thầy gửi lại món quà này.

Mặc dù em học trò đó cứ nằng nặc đòi thầy phải nhận để cho ba mẹ em vui nhưng tôi đã cương quyết từ chối.

Tôi không chê tiền ít hay tiền nhiều khi phụ huynh tặng bởi tôi chưa mở phong bì nên không biết được số tiền ấy. Nhưng, tôi vẫn chối từ bởi một lẽ hiển nhiên là làm vậy… kì lắm.

Ngày xưa, chúng tôi đi học, đa phần thầy cô cũng không nhận tiền của chúng tôi mà vẫn dạy dỗ chúng tôi những điều tốt đẹp. Thầy cô cũng không phân biệt học trò, luôn đối xử công tâm với tất cả học sinh trong lớp.

Lẽ nào, bây giờ tôi làm thầy lại đi nhận tiền của học trò hoặc không dạy học sinh đến nơi đến chốn.

Ngày 20/11 đã đi qua được mấy ngày, niềm vui, sự xốn xang trong suốt tuần qua của các thầy cô rồi cũng sẽ qua đi để chuẩn bị bước vào ôn tập kiểm tra học kỳ cho học sinh.

Dù cuộc sống của nghề giáo còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin vẫn có rất nhiều thầy cô cự tuyệt với “phong bì”.

Vì vậy, chuyện bạn bè điện thoại, nhắn tin cho tôi hỏi được nhiều tiền trong ngày 20/11 hay không, tôi chỉ biết cười mà thấy thanh thản cõi lòng vô cùng.

Nhật Duy