Dự thảo thì không ý kiến, khi áp dụng liền "than trời, gọi đất"

29/08/2015 05:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Để tránh tình trạng ban hành Dự thảo gặp phải phản ứng gay gắt như Thông tư 30. Bộ GD&ĐT cũng cần mở thêm một kênh thông tin riêng để trực tiếp lấy ý kiến.

LTS: Chủ đề “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới” (giáo dục tổng thể, tích hợp), cô giáo Phan Tuyết đưa ra một vài suy nghĩ về việc đóng góp ý kiến của giáo viên hay những người quan tâm đến các quy định của ngành giáo dục, ngay từ khi còn đang được thai nghén, dự thảo. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Thời gian này, các trường học trong cả nước đang được triển khai lấy ý kiến đóng góp về của Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên về Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới

Từng tổ chuyên môn họp, phổ biến toàn văn Dự thảo chương trình, tổng hợp ý kiến góp ý của các thành viên, gửi về nhà trường. 

Từng trường, ban giám hiệu sẽ tổng hợp chung ý kiến các tổ chuyên môn gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo. 

Từ phòng Giáo dục và đào tạo lại tổng hợp ý kiến các trường để gửi về Sở Giáo dục và đào tạo...Dù gọi là ý kiến công khai theo kiểu dân chủ nhưng chẳng mấy ai dám đưa ra chủ kiến của mình trái với những điều Dự thảo đã nêu. 

Dự thảo thì không ý kiến, khi áp dụng liền "than trời, gọi đất" ảnh 1
Có thể nói Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục lần này là cuộc cải cách lớn, tổng thể của ngành Giáo dục (Ảnh: Xuân Trung)

Đơn giản vì họ sợ bị “soi”. Bởi trước khi triển khai việc góp ý, mọi người thường được nghe cấp trên nhắc nhở theo kiểu: “Góp ý theo tinh thần đổi mới…Đây là chủ trương lớn của ngành nên giáo viên phải hiểu và ủng hộ…”.

Nhớ lại lần lấy ý kiến góp ý về Thông tư 30 trước đây, qua việc áp dụng Thông tư 30 vào thực tế giảng dạy đã có nhiều khó khăn vướng mắc.

Phần lớn giáo viên thì than trời, gọi đất nhưng khi cần đưa ý kiến góp ý lên Nhà trường lại toàn nghe những lời có cánh, những lời ca ngợi trên mây. Hỏi thì họ nói: “Nói ra được gì mà rước thiệt vào thân. Ai sao mình vậy đỡ bị để ý”.

Dự thảo thì không ý kiến, khi áp dụng liền "than trời, gọi đất" ảnh 2

Những điểm còn thiếu ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới

(GDVN) - Chương trình giáo dục phổ thông tổng thế cần có một đội ngũ thầy cô giáo đủ năng lực để đảm nhiệm được mục tiêu truyền thụ kiến thức, kĩ năng tới học trò.

Hay như việc im lặng của 700 hiệu trưởng trong cuộc họp trực tuyến bàn về Thông tư 30 của Bộ Giáo dục đào tạo thời gian qua.

Chẳng phải các vị hiệu trưởng im lặng là đồng ý hay không có gì để nói. Đơn giản vì họ cũng sợ, cũng ngại bị cấp trên để ý nên hiệu trưởng cũng không dám nói thật suy nghĩ của mình. 

Thực tế ở trong ngành Giáo dục, tất cả đều phải răm rắp làm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên, nếu ai đó đưa ra chủ ý của mình trái ngược với Thông tư, với Nghị định hay với quy định đã đề ra được xem như là thành phần “cứng đầu” đi ngược với xu thế đổi mới…

Có thể nói Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục lần này là cuộc cải cách lớn, tổng thể của ngành Giáo dục. 

Chương trình mới đang trong thời gian hoàn thiện để đưa vào áp dụng rộng rãi, cũng rất cần những lời góp ý chân thành từ những chuyên gia giáo dục, đặc biệt từ các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp hay những tâm tư nguyện vọng cần chia sẻ, gửi gắm…

Từ những góp ý ấy, sẽ giúp những người làm công tác nghiên cứu Dự thảo có cái nhìn tổng quát, thực tế hơn, giảm thiểu được những bất cập, những sai sót không đáng có sau khi được ban hành. 

Để tránh được tình trạng ban hành Dự thảo gặp phải phản ứng gay gắt như Thông tư 30 trước đây. Bộ cũng cần mở thêm một kênh thông tin riêng để trực tiếp những thầy cô giáo, những người quan tâm đến Giáo dục, họ mạnh dạn đóng góp ý kiến của mình mà không sợ hay ngại bất kì điều gì.

Phan Tuyết