Dự thảo xét tuyển đại học, cao đẳng: Bình cũ, rượu cũng cũ

26/04/2014 07:05
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) -Những bất cập trong thi ba chung không được khác phục; nội dung cơ bản không có điểm gì mới so với những quy định xét tuyển trước đây.

Đây là quan điểm của TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) khi trao đổi xung quanh bản dự kiến xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.

Thay chữ, không khác về nội dung

Vừa qua Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến quy định về công tác xét tuyển trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, so với những quy định cũ liên quan, theo ông có gì mới không?

TS. Lê Viết Khuyến: Về cơ bản quy định xét tuyển năm nay không có gì khác so với những quy định trước đây. Vì quy định cũ trước đây có điểm sàn, trong khi dự thảo năm nay vẫn đưa ra điểm sàn nhưng chỉ sử dụng thay thế bằng một thuật ngữ khác là “mức điểm xét tuyển tối thiểu”.

Dự thảo này vẫn dựa vào tổng điểm của ba môn theo từng khối thi cứng: Khối A, A1, B, C, D và vẫn dựa vào tổng điểm của ba môn, các năm trước cũng tính như vậy. 

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung
Dự thảo năm nay có nói tới cái mới là cho các trường được nhân hệ số cho một số môn chính, thực tế các năm trước việc nhân hệ số vẫn có.

Bộ GD&ĐT có nói tới điểm mới là với quy định xét tuyển này sẽ giúp cho việc xếp hạng các trường theo chất lượng đầu vào (yêu cầu các trường lựa chọn 1 trong 4 mức xét tuyển). Thực ra những năm trước tuy không đưa ra 4 mức xét tuyển nhưng lại quy định các trường phải công bố điểm chuẩn xét tuyển vào mỗi trường. Xã hội vẫn có thể căn cứ vào đó để đánh giá chất lượng nguồn tuyển sinh vào mỗi trường 

Vậy những hạn chế của việc tuyển sinh “ba chung” có được khắc phục trong quy định xét tuyển năm nay hay không, thưa ông?

TS. Lê Viết Khuyến: Về cơ bản những hạn chế đó vẫn không được khắc phục. 

Một là, vẫn bắt các trường phải thi theo một số khối thi cứng nhắc (A, A1, B, C, D) chứ không để cho các trường được thi theo những khối thi mềm dẻo do các trường tự quyết định (có thể ghép nhóm môn với nhau).

Hai là, không có cơ sở khoa học khi xét điểm sàn nếu chỉ dựa vào phổ của tổng điểm 3 môn thi do chuẩn của 3 môn đó không giống nhau. Lý ra phải căn cứ vào phổ điểm của từng môn để xác định điểm sàn hay mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng môn thi.

Ba là, vẫn không loại được tình trạng thí sinh ảo.

Ngoài ra dự thảo này vẫn không bảo đảm tính “tiêu chuẩn” của các đề thi .

Theo ông, về lâu dài việc xét tuyển nên như thế nào?

TS. Lê Viết Khuyến: Việc này đã được thể hiện trong Công văn mà Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gửi cho Bộ GD&ĐT cách đây mấy tháng, nhưng không thấy Bộ tiếp thu trong phương án này. 

Cụ thể, Bộ hãy tập trung làm đúng trách nhiệm của mình: Thứ nhất, Bộ cần quản lý tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT (cả chất lượng của đề thi lẫn kỷ cương của kỳ thi), nếu làm tốt thì điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tin cậy hơn, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng điểm đó như là một trong những căn cứ để xét tuyển thí sinh vào trường.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT phải làm sao quản lý được chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, bảo đảm phù hợp với năng lực đào tạo của các trường, và với yêu cầu thực tế của xã hội. 

Nếu Bộ GD&ĐT quản lý tốt chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT và chỉ tiêu tuyển sinh thì không lo các trường sẽ lấy những học sinh không đủ chất lượng vào học đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó Bộ hãy để các trường tự quyết định lấy phương thức  tuyển sinh cho mình. Có như vậy các trường mới thể hiện được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh như Điều 34 Luật giáo dục đại học quy định.

Cần có quy định cứng điểm sàn cho từng loại trường

Vậy, nếu với quy định năm nay vẫn đưa ra các mức xét tuyển cơ bản thì việc này có nên làm hay không?

TS. Lê Viết Khuyến: Như tôi đã nói ở trên, nếu như quy định của Bộ để cho các trường hoàn toàn được quyền quyết định chọn mức xét tuyển như thế nào thì chỉ cần đưa ra mức thấp nhất, mức cơ bản tối thiểu, không cần phải có những mức cao hơn. Còn nếu như Bộ muốn hướng vào đó để xếp hạng, phân tầng các trường thì việc chia ra nhiều mức xét tuyển sẽ có lợi. Tuy nhiên kèm theo đó Bộ cần phải đưa ra quy định cứng về điểm sàn cho từng loại trường. Nếu Bộ làm được như vậy việc xét tuyển vào các trường sẽ bớt rối và sẽ giữ được thương hiệu của các trường theo cơ chế phân tầng đại học. 

Hiện nay tuy Bộ chưa thực hiện phân tầng các trường quá cụ thể nhưng vẫn có thể thực hiện phân tầng ở mức thô. Thí dụ: Trường trọng điểm, trường xuất sắc phải chấp nhận điểm sàn rất cao. Trường trung ương do nhà nước tập trung đầu tư nên có thể được xếp ở cấp thứ hai, cấp thứ ba là trường địa phương và các trường mới thành lập có thể nhận mức điểm sàn khá thấp. Bộ có thể làm được những quy định này ngay năm nay.

Hai là, việc phân chia này chỉ có ý nghĩa nếu như Bộ GD&ĐT xem kỳ thi chung không phải là một kỳ thi quốc gia, mà chỉ là một dịch vụ công ích được nhà nước đứng ra thực hiện để giúp các trường dễ dàng thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh. 

Nếu theo dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra về xét tuyển thì việc tính mức xét tuyển sẽ nên như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Viết Khuyến: Căn cứ vào kết quả tuyển sinh chung Bộ cần công bố các mức xét tuyển cơ bản chi tiết hơn, cho từng môn thi, từng khu vực thi (KV1, KV2, KV3). Công việc này tưởng như phức tạp nhưng hoàn toàn nằm trong tay của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT).

Dựa vào kết quả công bố của Bộ, các trường tự quyết định khối thi mềm dẻo (Không nhất thiết phải theo 5 khối cứng của Bộ) và quyết định mức xét tuyển cơ bản cho từng môn thi tương ứng với từng ngành đào tạo.

Ngoài ra nên khuyến khích các phương tiện truyền thông xếp hạng các trường theo chất lượng nguồn tuyển nhằm giúp xã hội có điều kiện đánh giá các trường và giúp thí sinh tự lựa chọn ngôi trường thích hợp cho mình. 

Tất cả các điều nêu trên đều có thể làm được ngay trong năm nay và có làm được như vậy thì mới thực sự có đổi mới. 

Trân trọng cảm ơn ông. 
Xuân Trung (thực hiện)