Đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi Quốc gia 2017, có phải là hơi muộn?

23/10/2016 06:16
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Phải chăng đến bây giờ những kiến thức cần thiết cho một công dân khi bước vào cuộc sống mới được đánh giá đầy đủ và xem là quan trọng?

LTS: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa môn Giáo dục công dân làm một môn thi trong kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 đã thể hiện sự coi trọng việc rèn luyện đạo đức, nhân cách đối với sự phát triển học sinh.

Đánh giá về sự thay đổi này, thầy giáo Trần Trí Dũng (một giáo viên dạy học ở Quảng Ninh) đã đặt ra vấn đề rằng, liệu bây giờ mới đưa môn học này vào hệ thống các môn thi có phải là đã muộn?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Ngày 28/9/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án thi, xét tuyển và tuyển sinh năm 2017, theo đó, môn Giáo dục công dân chính thức được dùng để thi dưới dạng tổ hợp cùng với hai môn Lịch sử và Địa lý.

Đây là một đổi mới tạo ra một bước chuyển không chỉ trong nhận thức dạy và học mà còn có tác động chung đối với xã hội.

Từ trước tới nay, môn Giáo dục công dân trong chương trình phổ thông luôn bị xem nhẹ, đươc xem là môn phụ trong giảng dạy và học tập; đây là cách nhìn sai lầm.

Chúng ta đã biết, một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học là "học để làm người". Trong mục đích cao cả ấy, sự hoàn thiện về mặt nhân cách, nâng cao sự hiểu biết và vốn sống được đặt lên hàng đầu.

Giáo dục Việt Nam trong một thời gian dài được xem là nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, nặng về "dạy chữ" mà nhẹ về "dạy người".

Những mục tiêu phát triển lớn của giáo dục mà Đảng và Nhà nước ta đề ra và ghi nhận trong Hiến pháp là "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dường nhân tài"; môn học Giáo dục công có vai trò không hề nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Đề thi minh họa kì thi Quốc gia 2017 môn Giáo dục công dân (Ảnh: infonet.vn).
Đề thi minh họa kì thi Quốc gia 2017 môn Giáo dục công dân (Ảnh: infonet.vn).

Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, từng có quan điểm chỉ đạo được quy định tại Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục:

"Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội".

Ở đây, cần thiết phải phân tích vai trò của môn học Giáo dục công dân trong tổng thể các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

Nếu như môn Toán nhằm phát triển tư duy và khả năng lý luận, môn Ngữ văn giúp hình thành nhân cách và khả năng lý luận ngôn ngữ, môn Vật lý, Hóa học và Sinh học cung cấp lý thuyết cơ bản về tự nhiên và giới sống, môn Địa lý và Lịch sử cung cấp kiến thức chung về khoa học xã hội thì môn Giáo dục công dân cung cấp nhận thức, kiến thức xã hội và hoàn thiện con người về mặt xã hội.

Đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi Quốc gia 2017, có phải là hơi muộn? ảnh 2

Công bố 14 đề thi minh họa trong kỳ thi quốc gia 2017

Con người là một thực thể của xã hội. Sống trong một xã hội có Nhà nước và pháp luật, con người phải có nhận thức đầy đủ về mặt xã hội, với những mục tiêu giáo dục mà Nhà nước ấy đề ra.

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, những vấn đề thuộc phạm trù Triết học được môn Giáo dục công dân đặt ra trước tiên, ở những bậc học ban đầu. Đây là giai đoạn đầu của quá trình hình thành nhận thức về xã hội và thế giới, có thể dẫn đến việc con người có thể cải tạo xã hội và thế giới.

Nhận thức chung về thế giới trong phần triết học của môn Giáo dục công dân là phần thu gọn cua Triết học Mác-Lênin mà Bác Hồ của chúng ta là người đầu tiên truyền bá vào Việt Nam, dẫn đến thắng lợi trong công cuộc giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Triết học Mác-Lênin là nền tảng phương pháp luận và định hướng tư tưởng cho việc xây dựng và phát triển một xã hội tốt đẹp.

Bộ môn Giáo dục công dân cung cấp những kiến thức về nhận thức xã hội, tình yêu thương đồng loại, tình yêu thế giới, tình đồng chí, tình cảm gia đình, và đặc biệt là những sự hiểu biết cơ bản và ban đầu về pháp luật.

Như thế, có thể nói môn học Giáo dục công dân trang bị kiến thức để hình thành tư cách công dân và hoàn thiện nhận thức xã hội theo đúng nghĩa của từ này.

Nói một cách khác, môn học Giáo dục công dân là môn học để vào đời. Ở đây, ta chưa bàn đến những nội dung của môn học này đang được dạy dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa hiện nay có thực sự đầy đủ không?

Nếu không có môn Giáo dục công dân, học sinh chỉ còn là một cái máy, hay nói một cách vui rằng, đó chỉ là những người máy biết lý sự (!).

Môn Giáo dục công dân quan trọng là thế nhưng một thời gian dài môn học này bị xem nhẹ, một phần do sự khô cứng của môn học, được cho là giáo điều, một phần do nhận thức chung của giáo dục trong từng thời điểm.

Nay, môn Giáo dục công dân đã được xét là môn học chính thức phải thi trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, điều này khiến chúng ta phải nhận thức đầy đủ hơn nền giáo dục của quốc gia.

Phải chăng đến bây giờ những kiến thức cần thiết cho một công dân khi bước vào cuộc sống mới được đánh giá đầy đủ và xem là quan trọng?

Sau khi đọc bài viết "Trường chuyên nói gì về thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân?" trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn đọc Xuân Vi bình luận:

"Rất mừng. Bây giờ mới thi là quá muộn rồi. Cần coi trọng tình huống pháp luật vì sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật ở nước ta còn rất kém".

Đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi Quốc gia 2017, có phải là hơi muộn? ảnh 3

Trường chuyên nói gì về thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân?

Câu nói này của một độc giả khiến chúng ta không thể không suy nghĩ, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật của công dân trong thời gian qua luôn là vấn đề nhức nhối.

Phải chăng bây giờ mới thi môn Giáo dục công dân là đã quá muộn? Phải chăng đến bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo mới nhận thức đúng về giáo dục toàn diện cho học sinh?

Vẫn biết học và thi là hai vấn đề khác nhau, "học gì thi nấy" nhưng tâm lý có thi thì mới học vẫn đang đè nặng trong cách nghĩ của học sinh hiện nay, nhưng đến bây giờ chúng ta mới xem môn Giáo dục công dân là cần thiết và quan trọng thì tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần xem lại các vấn đề Giáo dục hiện nay.

Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục dược đề ra từ năm 2011, kể từ khi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI mà đến nay vẫn chưa có một sự đổi mới nào được cho là đáng kể, nói theo như Phó Giáo sư Văn Như Cương là mới có sự đổi khác chứ chưa phải là đổi mới.

Việc thay đổi trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017 tới đây được xem là khá tích cực, tuy còn những điều cần bàn nhưng cũng đã tạo hiệu ứng đồng thuận đối với xã hội, đặc biệt là đặt ra yêu cầu về giáo dục toàn diện.

Cùng với việc môn Giáo dục công dân là một môn thi chính thức trong kỳ thi thì có thể xem đây là một khởi đầu mới trong giáo dục, với yêu cầu giáo dục thiết thực và toàn diện.

Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần thiết xem xét lại đối với cơ cấu của nền giáo dục quốc dân. Đặc biệt, cần rà soát lại những nội dung của môn học Giáo dục công đân để cho hoàn chỉnh với đúng tên của môn học này.

Các giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, để cho môn học trở nên ngày càng sinh động và hữu ích, bớt đi phần khô cứng và trừu tượng và để học sinh sớm thoát khỏi tâm lý thi thì mới học.

Trên thực tế trong nhiều năm môn học này đã bị xem nhẹ và thường kết thúc sớm chương trình để dành thời gian cho việc ôn tập các môn khác.      

Mặt khác cần có sự đánh giá đúng và đầy đủ đối với các môn học khác mà học sinh hiện nay đang được học dưới mái trường Trung học Phổ thông, để kịp thời sửa đôi, bổ sung vào kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, nhằm đảm bảo xây dựng một nền giáo dục toàn diện, hiện đại và đầy đủ.

Trần Trí Dũng