Dùng SGK số thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020

07/12/2011 12:00
Xuân Trung
(GDVN) - Các Giáo sư, chuyên gia nước ngoài góp ý cần áp dụng SGK số trong giảng dạy để nâng cao việc học và dạy Ngoại ngữ trong Đề án 2020.
Mới đây, Ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức Hội thảo quốc tế về SGK cho thế kỷ 21. Buổi Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia quốc tế, các giáo sư đầu ngành, các ý kiến phân tích tầm quan trọng của Ngoại ngữ trong thế kỷ 21, cách dạy và học Ngoại ngữ hiện nay ở các trường phổ thông, thậm chí cả đại học cũng được bàn thảo. Những ý kiến chia sẻ từ kinh nghiệm làm SGK đến từ quốc tế, với mong muốn giúp Việt Nam thực hiện tốt Đề án Ngoại ngữ quốc gia năm 2020.
GS Susan Fiksdal (Trường Evergreen State College) cho biết: Đề án Ngoại ngữ 2020 của Việt Nam vẫn phù hợp, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu. Ảnh Xuân Trung
GS Susan Fiksdal (Trường Evergreen State College) cho biết: Đề án Ngoại ngữ 2020 của Việt Nam vẫn phù hợp, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu. Ảnh Xuân Trung

Ưu việt của sách số?

TS Se Yeoung Chun (ĐH quốc gia Chungnam – Hàn Quốc) cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ giáo dục, lớp và môi trường học đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Sự tiến bộ của công nghệ cũng đã từng bước làm biến đổi và thúc đẩy việc học tập và SGK.

TS Chun so sánh, so với SGK giấy SGK số cung cấp một lượng lớn thông tin và kiến thức với nhiều hình thức  học tập và giảng dạy mới, hơn nữa khi sử dụng công cụ này sẽ lấy  học sinh làm trung tâm và khuyến khích các em tham gia đóng góp cho lớp  học nhiều hơn, đó là lượng kiến thức, sự tương tác và sáng tạo.
“SGK số giúp học sinh tăng thêm giá trị qua trao đổi thông tin, có thể mở ra những giấc mơ vượt ra ngoài lớp học. Đó là một định hướng cho nền giáo dục thông minh. SGK số giúp cá nhân hóa theo yêu cầu, đạt tới giáo dục chuẩn mực có thể thỏa mãn người học. SGK số mở ra một kho kiến thức, đa dạng kiến thức, giúp học sinh thỏa sức sáng tạo và có được kết quả kiểm tra cao hơn so với SGK giấy” TS Chun chia sẻ. 
Theo TS Chun, với SGK số hay điện tử học sinh có thể  chủ động đến lớp bất kỳ đâu và bất kỳ thời gian nào. Muốn làm được điều đó thì giáo viên phải là người tiên phong trong giáo dục thông minh.

“Nói gì cũng phải có điều kiện thực tế, tôi cho rằng những chính sách cho nền giáo dục thông minh nằm ở chỗ phải cải cách lại hệ thống giáo dục, xác định năng lực của giáo viên và cơ sở vật chất trường học. Tất cả nhằm hướng tới một công nghệ phục vụ học tập thông minh trong tương lai mà trước mắt là Đề án Ngoại ngữ (của Việt Nam) 2020” TS Chun cho biết.
SGK cũng góp phần cung cấp kỹ năng giúp học sinh không còn ngủ gật khi ngồi học Ngoại ngữ, "cần dạy cho các em những kỹ năng để các em có thể thích ứng trong tương lai". Ảnh GS Susan Fiksdal cung cấp
SGK cũng góp phần cung cấp kỹ năng giúp học sinh không còn ngủ gật khi ngồi học Ngoại ngữ, "cần dạy cho các em những kỹ năng để các em có thể thích ứng trong tương lai". Ảnh GS Susan Fiksdal cung cấp
Đồng quan điểm, bà Sherry Preiss, Phó chủ tịch Tổ chức phát triển Quốc tế chuyên nghiệp Pearson cho rằng, mục tiêu của giáo dục toàn cầu là phát huy tối đa tiềm năng của học sinh và giáo viên, thúc đẩy tư duy phê phán.

Thực tế hiện nay, theo bà Sherry Preiss trường học đang tạo ra một không khí nhàm chán đối với học sinh khi vẫn áp dụng cách học và dạy cổ điển, không theo hướng mở. Thời đại công nghệ nhất thiết phải được áp dụng  trong mọi lĩnh vực để tạo ra sự phát triển, trong công tác giảng dạy và học tập cần có những cuốn SGK hiện đại để phục vụ tốt hơn, đó chính là SGK số, cuốn sách sống và hoạt động, kiến tạo và sáng tạo những tri thức của người học, giáo viên và cộng đồng.
“Với cuốn sách số, học sinh có thể tạo dấu ấn cá nhân, tự đánh giá hoặc hướng dẫn theo nhịp độ của bản thân. Ngoài ra, nó còn có các liên kết dẫn đến thời gian thực, khi cần chỉ việc gõ phím là có giáo viên hướng dẫn trực tuyến, khám phá các khái niệm thông qua trò chơi hoặc những tấm hình và mô phỏng. Do vậy rất dễ hiểu và gần gũi với học sinh” bà Sherry Preiss cho biết.

SGK tiếng Anh cho Đề án 2020

Xung quanh câu chuyện tầm quan trọng của Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong thời đại hiện nay, nhiều chuyên gia cùng nhận định, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu. 
Bà Sherry Preiss, Phó chủ tịch Tổ chức phát triển Quốc tế chuyên nghiệp Pearson cho rằng: Với cuốn sách số, học sinh có thể tạo dấu ấn cá nhân, tự đánh giá hoặc hướng dẫn theo nhịp độ của bản thân. Ảnh Xuân Trung
Bà Sherry Preiss, Phó chủ tịch Tổ chức phát triển Quốc tế chuyên nghiệp Pearson cho rằng: Với cuốn sách số, học sinh có thể tạo dấu ấn cá nhân, tự đánh giá hoặc hướng dẫn theo nhịp độ của bản thân. Ảnh Xuân Trung
GS Susan Fiksdal (Trường Evergreen State College) cho biết, trong giáo dục không thể chỉ đào tạo học sinh, sinh viên những công việc đã biết, thay vào đó cần dạy cho các em những kỹ năng để các em có thể thích ứng trong tương lai. Tiếng Anh và nhân sinh quan về thế giới là những kỹ năng như vậy.

“Chúng ta có thể không nghĩ nhiều đến lý do tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu hoặc thậm chí là nó có nghĩa gì để là một ngôn ngữ như vậy, việc xem xét hiện tượng mới mẻ này rất quan trọng. Nguyên do trên thế giới, chính phủ dành nghiều nguồn lực cho việc giảng dạy tiếng Anh. Ngôn ngữ toàn cầu có thay đổi không? Đề án Ngoại ngữ của Việt Nam có phù hợp vào năm 2020? Tôi tin rằng, Đề án này vẫn phù hợp, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu” GS Susan Fiksdal khẳng định. 
Đánh  giá về tầm quan trọng và tính thực tiễn của Đề án Ngoại ngữ GS Fiksdal cho biết, tiếng Anh vẫn đóng vai trò quan trọng, đó là ngôn ngữ làm việc trong kinh doanh, bộ máy chính quyền, tòa án và các trường đại học.

Hiện đã có 70 nước trên thế giới dùng tiếng Anh như một cách chính thức, do vậy tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ của chính phủ, của truyền thông, giáo dục và hành pháp. “Vài quốc gia như Ghana, Ấn Độ, Nigieria, Singapore và Ruanda đã sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày như một ngôn ngữ chính” GS Fiksdal dẫn chứng. 
Có cái nhìn theo hướng khác, ở góc nhìn cho chương trình SGK Ngoại ngữ trong Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, TS Hoàng Văn Vân (ĐHQGHN) cho rằng, SGK là một tác nhân thay đổi cùng với các yếu tố khác như giáo viên, học sinh, nhà quản lí giáo dục, các cơ sở giảng dạy và học tập đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Đề án 2020. 
TS Vân thông tin, để góp vào chương trình dạy Ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh phổ thông theo Đề án 2020, đến nay đã hoàn thành hai bộ SGK tiếng Anh lớp 3 và 4. Theo TS Vân, những tính năng cơ bản của SGK tiếng Anh phục vụ cho Đề án Ngoại ngữ 2020 sẽ bao gồm; phương pháp tiếp cận hiện đại. Bộ sách được tổ chức theo chủ đề quen thuộc với học sinh Việt Nam. Tiếp cận theo hướng đa thành phần, mục tiêu là giao tiếp tương tác thông qua các kỹ năng ngôn ngữ, và coi kiến thức ngôn ngữ (phát âm, từ vựng, ngữ pháp) là phương tiện cung cấp cho các sinh viên. 
“Bộ sách này sẽ sử dụng theo phương pháp giao tiếp, tập trung vào kỹ năng nghe nói, sử dụng đầy đủ các minh họa bằng hình ảnh. Ở cấp tiểu học, tỉ lệ nghe là 35%, nói 35%, đọc 15%, viết 15%. Trung học cơ sở, nghe 30%, nói 30%, đọc 20%, viết 20%. THPT nghe 25%, nói 25%, đọc 25%, viết 25%” TS Vân liệt kê các tỉ lệ phân chia trong chương trình SGK phục vụ cho Đề án Ngoại ngữ 2020.
TS Hoàng Văn Vân cũng cho rằng, SGK tiếng Anh  là một thành phần quan trọng trong tất cả các chương trình ngoại ngữ và, do đó là một thành phần quan trọng trong việc triển khai Đề án 2020. Nhưng TS Vân lưu ý, cũng không nên chỉ trông đợi vào SGK tiếng Anh để hoàn thành mục tiêu của Đề án. 
Xuân Trung