"Đừng bắt trẻ con hao tổn trí tuệ vì những con số vô hồn"

02/09/2014 07:04
Ngọc Quang
(GDVN) - "Kiến thức vào đời của mỗi người chỉ có nền tảng vào những năm ngồi dưới trường trung học mà thôi, sau đó làm gì có cơ hội khác để học?", GS Nguyễn Lân Dũng.

Tiếp tục cuộc trao đổi về chủ đề đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, khi thi mà đỗ 99% thì không cần thi nữa mà chuyển sang xét tốt nghiệp. Học sinh nào không đủ điều kiện tốt nghiệp thì phải bị lưu ban.

Chuyển từ thi sang xét tốt nghiệp

Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta cần có phương án thay thế như thế nào để đánh giá chất lượng dạy và học hiện nay?

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, hết lớp 12, Hội đồng nhà trường sẽ xem xét một cách công minh đối với từng học sinh để có thể yêu cầu một số học sinh cần học lại. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy thực chất tại trường. Giáo viên phải có trình độ, phải nghiêm túc trong giảng dạy và trong các kỳ kiểm tra giữa học kỳ.

“Chúng ta biết rằng kiến thức vào đời của mỗi người chỉ có nền tảng từ những năm ngồi dưới trường trung học mà thôi, sau đó làm gì có cơ hội nào khác để học? Vậy phải làm sao vẫn có bằng tốt nghiệp THPT một cách xác đáng mà không cần thi? Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Đó là học sinh phải thường xuyên kiểm tra từng môn học và có ghi học bạ. Cuối từng năm học căn cứ vào học bạ mà các thầy cô giáo quyết định cho lên lớp hay phải lưu ban. Thời chúng tôi đi học trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ mà vẫn làm được, sao bây giờ không làm được?”, GS Dũng nêu quan điểm.

GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và chuyển sang xét tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Quang.
GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và chuyển sang xét tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Quang.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét học bạ để cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm, chạy thành tích để đủ điều kiện chứng nhận tốt nghiệp?

GS Dũng cho rằng, khi đã có kiểm tra thường xuyên, có học bạ nghiêm chỉnh, cộng thêm tinh thần trách nhiệm của từng thầy cô giáo và sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì khó có thể xảy ra các hiện tượng tiêu cực như chạy thầy, chạy cô hoặc chạy theo thành tích một cách vô lý. Trách nhiệm của các Sở Giáo dục là theo dõi quá trình đánh giá của từng trường để có sự chấn chỉnh cần thiết. Sở Giáo dục phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách hội đồng các trường gửi lên xem có đúng không. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì nhất thiết  không được xét tốt nghiệp.

Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng cũng như sự phát triển của ngành giáo dục không?

“Chúng ta không cần phải đợi tới năm 2015 mới bắt đầu thay đổi chương trình dạy và học, rồi sau đó là thí điểm chương trình, soạn sách giáo khoa, thí điểm sách giáo khoa… chắc kéo dài hàng chục năm, những thầy giáo U80 như chúng tôi chắc không nhìn thấy kết quả.

Thực ra việc này đâu có quá khó khi số năm học của học sinh ta không khác nước ngoài, học sinh Việt Nam không kém thông minh, trên 1 triệu thầy cô tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn tận tụy với nghề. Tôi đề nghị giao việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông cho các hội chuyên ngành, các hội sẽ phối hợp với giáo viên giỏi để sớm làm ra chương trình đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Hội nhập quốc tế; Chính xác nhưng phù hợp với hoàn cảnh nước ta; Phù hợp với trình độ dạy và học, phù hợp với giờ học thực; Có thể sử dụng ổn định lâu dài trong nhiều năm”, GS Nguyễn Lân Dũng.

GS Nguyễn Lân Dũng nhận định, nếu không tiến hành một cách có hệ thống như những gì đã nêu trên đây mà vội vã bỏ thi sẽ phá hỏng hoàn toàn bậc học phổ thông. Thầy không muốn dạy, trò không thèm học. Và khi thầy cô giảng các môn học mà học sinh không định thi Đại học, Cao đẳng thì sẽ bỏ học hoặc ngồi học nhưng làm việc riêng.

“Chúng ta cần có một chương trình sâu mà không nặng, khác hoàn toàn hiện nay là rất nặng nhưng lại thấp hơn các nước trên thế giới. Làm sao để mỗi ngày đến trường là một niềm vui, mỗi kiến thức thu nhận được là quan trọng, là hữu ích nhưng lại dễ nhớ, và đổi mới phù hợp với thời đại sẽ không còn học sinh ngồi nhầm lớp”, GS Dũng nói.

Có một điểm đặc biệt là kết quả thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng năm nay khá cao, liệu đó có phải tín hiệu mừng cho ngành giáo dục? GS Dũng bình luận: “Nhiều trường đã nâng điểm chuẩn lên cao khác thường, thậm chí có trường bình quân mỗi môn 9 điểm mà chưa chắc trúng tuyển. Không thể coi đó như sự tiến bộ đột xuất của ngành giáo dục, vì vẫn chương trình ấy, vẫn sách giáo khoa ấy, vẫn chất lượng thầy và trò như vậy, lại còn tổ chức thi nghiêm túc hơn mà điểm cao hơn thì chỉ có một lý do duy nhất là đề thi dễ, ít phải suy luận mà chỉ cần học vẹt.

Không có lý gì để tồn tại giáo viên chưa đạt chuẩn

Để khắc phục những bất cập hiện nay của giáo dục phổ thông, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 4 yếu tố cần phải chú trọng:

Thứ nhất, cần hội nhập quốc tế về trình độ đào tạo cả ở bậc phổ thông. Không có lý gì khi chúng ta không tiếp thu nổi kiến thức chung mà học sinh các nước khác đang được truyền thụ. Càng không có lý gì với muôn vàn khó khăn về trình độ giáo viên, về phòng thí nghiệm, về đời sống mà học sinh ta lại phải học một chương trình nặng nề hơn học sinh các nước khác. Với thời đại thông tin phát triển như hiện nay đừng bắt bọn trẻ phải hao tổn trí tuệ để nhét vào đầu những con số thống kê vô hồn và thường xuyên biến động. Những gì thầy cô cũng không nhớ nổi thì có lý gì bắt học sinh phải nhớ?

Thứ hai, cần chấn chỉnh xu hướng tốt nghiệp THPT, nhất thiết phải cố gắng bằng được việc thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Ngay các nước công nghiệp phát triển vẫn có rất nhiều học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông tự nguyện vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề. Muốn vậy cần chấn chỉnh ngay nội dung chương trình và chất lượng đào tạo ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề.

Vì sao chủ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường phàn nàn là học sinh tốt nghiệp tại các trường này đều có tay nghề kém, hầu hết phải đào tạo lại ngay tại doanh nghiệp. Tại sao trong Luật Giáo dục đại học lại quy định chương trình dạy nghề thấp nhất phải cần 3 tháng? Trên thực tế, ở những trung tâm dạy nghề ngắn hạn tại một số doanh nghiệp liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi đào tạo rất tốt, vừa học vừa thực hành đối với một nghề chỉ trong vài tuần.

Thứ ba, cần chọn khâu đột phá như xác nhận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục là chú trọng nâng cao trình độ của giáo viên. Không có lý gì giáo viên tiếp tục dạy theo kiểu thầy dạy trò ghi, kể cả bắt chép lại nguyên văn như trong sách giáo khoa? Không có lý gì tồn tại những giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn đứng lớp. Đồng thời với việc nâng cao trình độ của giáo viên thì cũng cần quan tâm tới đời sống của họ, nhưng hiện nay khó có thể tăng lương cho mọi giáo viên khi biên chế ăn lương từ ngân sách nhà nước của mọi ngành còn quá nặng nề như hiện nay.

Thứ tư, không tách việc dạy chữ và dạy người. Dự thảo Nghị quyết của Bộ Giáo dục đang dành 630 tiết cho môn Đạo đức - Giáo dục công dân, và còn 840 tiết cho môn Thể chất. Trong khi đó phân ban dành cho Khoa học xã hội chỉ vỏn vẹn 700 tiết, phân ban Khoa học tự nhiên chỉ có 665 tiết. Dạy người phải lồng vào từng tiết học, phải thông qua tấm gương từng thầy cô giáo, đạo đức của cha mẹ và sự ổn định của xã hội.

Ngọc Quang