“Đừng chê nữa, mà hãy làm để trẻ không nhầm Nguyễn Du là Quang Trung”

14/07/2015 07:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Vì sao trẻ có thể ngồi hàng giờ để xem những bộ phim lịch sử Trung Quốc? Hay miệt mài xem những cuốn truyện tranh Nhật Bản?

LTS: Chương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?” đã nhận nhiều câu trả lời khiến người xem ngã ngửa. 

Cô giáo Phan Tuyết mạnh dạn đưa ra giải pháp để thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử ở các cấp học như hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 


Con học trường Nguyễn Du mà Nguyễn Du chính là Quang Trung” - Một câu trả lời đầy tự tin của một học sinh bậc Trung học cơ sở học tại ngôi trường mang tên vị anh hùng áo vải Quang Trung khi được phóng viên hỏi Quang Trung là ai?

Đứng ngay địa danh Gò Đống Đa - Hà Nội, là di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với trận đại phá và chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, nơi có tượng đài ghi dòng chữ Quang Trung – Nguyễn Huệ nhưng nhiều em học sinh khi được hỏi: “Ông vua Quang Trung và ông vua Nguyễn Huệ có mối quan hệ nào với nhau?”.

Có em nói không biết, em nói biết Quang Trung, không biết Nguyễn Huệ, em trả lời là anh em, bố con, là bạn chiến đấu cùng nhau. 

Nhiều câu trả lời nhầm lẫn tai hại như Gò Đống Đa gắn liền với chiến công của Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Đại phá quân Thanh trên sông Bạch Đằng...

Kiến thức lịch sử của học sinh bậc Trung học cơ sở ở ngay địa danh Gò Đống Đa - Hà Nội, còn mù tịt như thế. Đến cả học sinh học tại ngôi trường mang tên người anh hùng còn không hiểu được họ là ai thì thật đáng buồn.

Thử làm cuộc điều tra nhỏ: “Em thích ông vua nào nhất?”. Có lẽ câu trả lời còn làm nhiều người sửng sốt hơn. 

Học sinh có thể kể tên vua Khang Hi, Càn Long hay Võ Tắc Thiên... những việc làm, câu nói của họ một cách hào hứng. Hay tên một số diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc đóng phim gì, ra đĩa nhạc nào? Giờ họ yêu ai, bỏ ai?...

Trẻ “mít đặc” với lịch sử dân tộc vì sao?

Tôi đã làm cuộc phỏng vấn nhỏ với một số học sinh ở các bậc học về việc có thích học môn Lịch sử không, vì sao? 

Một số em Tiểu học trả lời: “Con chỉ thích nghe truyện kể về lịch sử nhưng không thích học thuộc”. 

Một số học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trả lời: “Em không thích vì phải học nhiều khó thuộc và khó nhớ quá”.

Ngay từ lớp 4 ở Tiểu học, các em đã được làm quen với các nhân vật lịch sử, các trận đánh lớn của cha ông giành độc lập, sự thay đổi các triều đại phong kiến. 

Nội dung chương trình dạy học theo hướng đồng tâm vì thế lên cấp 2, cấp 3 học sinh vẫn được học lại một số kiến thức ấy nhưng được mở rộng hơn. 

“Đừng chê nữa, mà hãy làm để trẻ không nhầm Nguyễn Du là Quang Trung” ảnh 1
Làm sao để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn? (Ảnh: tuyengiao.vn)

Điều đáng nói là sách giáo khoa biên soạn chưa hấp dẫn, những chi tiết, sự kiện được trình bày theo hướng liệt kê, nhiều số liệu về ngày tháng, số lượng, diễn biến, nguyên nhân, kết quả buộc phải nhớ chính xác. 

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô dạy sử còn sử dụng  phương pháp đọc chép, thuyết trình... Chưa nói đến vốn kiến thức môn Lịch sử cũng chưa phong phú. 

Có thầy cô lên lớp dạy từ đầu tiết đến cuối tiết chỉ nhìn sách giáo khoa giảng và buộc học sinh về học thuộc trong phần sách giáo khoa. Một học sinh cấp 3 bức xúc: “Thầy dạy như thế con ở nhà đọc sách thích hơn”.

Một đồng nghiệp của tôi nói: “Lịch sử Việt Nam hay thật, giá chúng ta cũng xây dựng được thành những bộ phim nổi tiếng như Trung Quốc thì tốt biết bao. Giáo dục các em thông qua những bộ phim lịch sử như thế tác dụng gấp nhiều lần việc rao giảng đơn thuần”.

Làm thế nào để những giờ dạy Lịch sử trở nên sinh động?

Ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học như việc giáo viên phải biến những bài học lịch sử khô khan ấy thành một câu chuyện lịch sử đầy sinh động. Điều này cần có sự đầu tư, đòi hỏi thầy cô phải có vốn kiến thức về lịch sử phong phú. 

Giáo viên phải đọc và sưu tầm những câu chuyện, giai thoại lịch sử trong dân gian về triều đại mình sẽ dạy, về nhân vật lịch sử các em sẽ học hoặc cập nhật kịp thời những diễn biến thời sự có liên quan đến từng giai đoạn lịch sử... Giữa quá khứ và hiện tại có mối quan hệ, tác động gì với nhau ?...

Nhớ lại một hôm, đồng nghiệp bị ốm, tôi dạy thay tiết Lịch sử lớp 4 bài: “Nhà Trần thành lập”. Khác với việc dạy theo quy trình của một tiết Lịch sử với nội dung cố định của sách giáo khoa. 

Tôi đã kể cho các em nghe câu chuyện về cuối đời của vị vua nhà Lý và việc truyền ngôi cho cô con gái út Lý Chiêu Hoàng. Kể về những trò chơi của đôi bạn tí hon và tình cảm thơ ngây của vị vua nữ với cậu bé Trần Cảnh... 

Những kiến thức này không có trong chương trình học của các em. Học sinh trong lớp lặng như tờ vì những điều mới mẻ và hấp dẫn. Sau đó, cho các em đọc vài lượt bài học và chia nhóm đóng vai. 

Tiết học bỗng trở nên sôi nổi, náo nhiệt khác thường. Một số nhóm trung thành với bài học ở sách giáo khoa nhưng cũng có vài nhóm biết kết hợp câu chuyện kể của cô để phần diễn phong phú sinh động hơn. 

“Đừng chê nữa, mà hãy làm để trẻ không nhầm Nguyễn Du là Quang Trung” ảnh 2

Học và thi môn sử, góc nhìn của sinh viên khoa sử trường sư phạm

(GDVN) - Bộ GD&ĐT nên đưa môn Sử vào hệ thống các môn thi bắt buộc; thầy cô giáo cần phải đổi mới cách giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo tinh thần dạy học đổi mới.

Khi các nhóm trình bày, các em chăm chú theo dõi để nhận xét và bình chọn nhóm chiến thắng.

Nhờ thế phần củng cố bài, nhiều em đã xung phong trả lời vì sao Nhà Lý bị mất ngôi, vì sao Nhà Trần được thành lập mà không tốn một giọt máu...

Và các em hiểu được vai trò của Trần Thủ Độ đối với việc thành lập nhà Trần. Kết thúc tiết học, tôi nhận được nhiều lời đề nghị: Hôm nào cô kể chuyện nữa, cô nhé!

Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Vì sao trẻ có thể ngồi hàng giờ để xem những bộ phim lịch sử Trung Quốc? Hay miệt mài xem những cuốn truyện tranh Nhật Bản? Đơn giản vì chúng hấp dẫn.

Chúng ta có bề dày lịch sử với biết bao nhân vật lẫy lừng thế giới cùng những trận đánh chấn động địa cầu nhưng cách biên soạn sách học cũng như sách tham khảo cho các em còn đơn điệu, khô cứng, cùng với cách dạy thiếu sự linh hoạt, sáng tạo của nhiều thầy cô giáo chính là những nguyên nhân để học sinh chúng ta không yêu sử và không hiểu gì về Lịch sử.

Phan Tuyết