Đừng để Lễ tổng kết năm học trở nên nặng nề

27/05/2017 06:29
Nhật Duy
(GDVN) - Làm sao để Lễ tổng kết được tổ chức gọn gàng, ý nghĩa, để niềm vui được trọn vẹn, nỗi buồn nhanh chóng trôi luôn là điều mà nhà trường phải hướng tới.

LTS: Phản ánh những vấn đề khiến nhiều học sinh cảm thấy mệt mỏi và chán nản trong Lễ tổng kết năm học, thầy giáo Nhật Duy cho rằng các nhà trường cần điều chỉnh, thay đổi nội dung chương trình cho gọn gàng và ý nghĩa hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong một năm học, có nhiều buổi lễ mà nhà trường phải tổ chức và huy động toàn bộ giáo viên và học sinh trong nhà trường. Nhưng, có lẽ ngày tổng kết năm học để lại nhiều cảm xúc cho cả thầy cô và học trò. 

Bởi ngày này không chỉ là chuyện phát thưởng mà là cả sự nô nức của những ngày nghỉ hè đã tới. Các em học sinh và thầy cô trong trường tạm thời có những ngày tháng nghỉ ngơi trong sau một năm công tác và học tập.
   
Làm sao để Lễ tổng kết được tổ chức gọn gàng, ý nghĩa, để niềm vui được trọn vẹn, nỗi buồn nhanh chóng trôi luôn là điều mà các Ban giám hiệu và thầy cô trong trường phải hướng tới cho học trò. 

Thế nhưng, nhiều đơn vị trường học chưa làm tốt việc này. Đôi lúc lại trở nên nỗi ngán ngại cho người tham dự buổi lễ.

Hãy để Lễ tổng kết năm học trở thành một ngày ý nghĩa của cả thầy và trò. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)
Hãy để Lễ tổng kết năm học trở thành một ngày ý nghĩa của cả thầy và trò. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

Vì học sinh của một số nhà trường đông, nhất là các trường loại I nên ghế ngồi của học sinh không đủ.

Vì thế, nhiều trường không huy động tất cả học sinh vào trường mà chỉ yêu cầu những em được phát thưởng vào dự buổi Lễ tổng kết. 

Việc làm này vô tình thầy cô đã xúc phạm đến một bộ phận học trò. Làm cho các em chán nản và tủi thân khi không được cùng bạn bè vào dự buổi Lễ tổng kết của một năm học. 

Xét đến cùng thì việc này được xuất phát từ chuyện thiếu ghế ngồi của học sinh.

Bởi lâu nay, học sinh học hai buổi nên chuyện chào cờ hàng tuần đều có ghế đầy đủ, khi tổ chức buổi lễ nếu học sinh của cả hai buổi học vào thì không có ghế ngồi. 

Thành ra nhà trường chỉ huy động những em có thành tích vào trường. Thế nhưng, không hiểu tại sao năm nào nhà trường cũng thu tiền ghế chào cờ của những em học sinh đầu cấp?
    
Ngày tổng kết còn là dịp để các Ban giám hiệu báo cáo thành tích trước các lãnh đạo và các đại biểu khách mời.

Đừng để Lễ tổng kết năm học trở nên nặng nề ảnh 2

Lễ tổng kết năm học nên tổ chức như thế nào?

Những bản báo cáo dài lê thê hàng chục trang giấy kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ khiến cho khách mời và học sinh ngán ngại không muốn nghe. 

Có cần thiết phải kể lể quá nhiều như vậy không khi mà đối với cấp trên thì nhà trường đã báo cáo hết cả rồi.

Trong trường thì thầy cô và học trò cũng đã biết kết quả qua các buổi họp Hội đồng sư phạm hay chào cờ đầu tuần. 

Vậy thì Ban giám hiệu cần gì phải dông dài, lê thê làm gì? Chỉ cần lướt qua một vài điểm trọng tâm, nổi bật và phổ biến cho học sinh một số nhiệm vụ trong là đủ. Thời gian còn lại để chuyển sang các phần khác.

Ngoài báo cáo tổng kết của Ban giám hiệu thì đến lãnh đạo các ban ngành ngang và dọc lên phát biểu chỉ đạo và biểu dương cũng chiếm một lượng lớn thời gian. 

Hết lãnh đạo lại đến Hội phụ huynh, đại diện giáo viên, đại diện học sinh phát biểu…

Buổi tổng kết mà chỉ nghe báo cáo, phát biểu của hết cấp này đến cấp khác trong thời tiết mùa hè cũng đủ khiến cho những người có mặt trong buổi lễ nản lòng.
   
Sau phần “tổng kết” là đến phần “phát thưởng” cũng được các nhà trường tổ chức rất “trang trọng”. Đầu tiên là phát thưởng giáo viên rồi đến học sinh. 

Cứ loạt này đến loạt khác, giới thiệu người lên nhận giải, người lên trao giải, rồi bắt tay, trao giải, xếp đội hình để chụp hình sau mỗi lần trao khiến cho buổi lễ trở nên dài đằng đẵng. 

Bởi một thực tế là ngoài các phong trào, các cuộc thi mà nhà trường đạt được thì có học sinh danh dự toàn trường, học sinh nhất khối, nhất lớp, học sinh giỏi đại trà, học sinh tiên tiến…

Trong khi, nhiều trường có học sinh khá giỏi đến trên 50% thì việc trao giải thưởng kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ là chuyện tất yếu. Vì thế, trường nào tổ chức buổi lễ cũng phải mất từ 3-4 tiếng đồng hồ mới xong.
   
Thực ra, từ lâu buổi tổng kết năm học chỉ quan trọng và được chờ đợi từ những em học sinh khá giỏi hay với những em học sinh cuối cấp học. 

Đừng để Lễ tổng kết năm học trở nên nặng nề ảnh 3

"Thực thực, hư hư" chuyện khen thưởng cuối năm ở cấp Tiểu học

(GDVN) - Mỗi tấm vài chục nghìn để chụp ảnh làm kỉ niệm cuối năm, cuối cấp hay ken vào tấm giấy khen cũng ý nghĩa lắm chứ… Nhưng đằng sau đó là nhiều chuyện buồn...

Những học sinh không được phát thưởng các em không có cảm xúc chờ đợi và thích thú.

Nên, việc nhiều em học sinh vào trường mà phải ngồi suốt buổi để nghe các bài báo cáo và phát biểu cùng xem các bạn được nhận thưởng đôi lúc trở thành một cực hình. 

Vì thế, phần nhiều các trường khi phát thưởng như cái chợ nhỏ, mỗi người một việc, mỗi người một chuyện…
   
Việc tổ chức buổi tổng kết gọn nhẹ, trang trọng thiết nghĩ không cần cầu kì quá mức đối với các nhà trường.

Bởi ngoài chuyện tổng kết thì còn là buổi chia tay giữa thầy cô với học trò, giữa các em học sinh với nhau. Nhất là đối với những em cuối cấp học. 

Vì thế, những bản báo cáo cũng cần thiết ngắn gọn và thông qua bản báo cáo ấy có những nhắn gửi đến những em học tập chưa tốt, đến những em chuẩn bị ra trường. 

Những bài phát biểu của lãnh đạo ngành và địa phương không nhất thiết cấp nào đến cũng phát biểu mà nên chọn lựa một người đại diện phát biểu để giảm bớt thời gian không cần thiết. 

Khi trao giải thưởng cho học sinh cũng nên nhanh gọn, khi gọi học trò lên thì giới thiệu nhiều người cùng phát thưởng. 

Chứ một người trao cho rất nhiều người mỗi lần mà qua các thủ tục bắt tay, chúc mừng mới trao rồi lại dàn hàng ngang chụp hình đi, chụp lại là điều không cần thiết.
   
Mỗi năm học chỉ có một ngày tổng kết, vì thế các nhà trường phải tính toán thật kĩ càng để làm sao hạn chế tối đa thời gian cho buổi lễ. 

Bởi kết thúc sớm không chỉ là chuyện không gây ức chế cho người dự  mà các em học sinh có thể lưu lại, ngồi với nhau chuyện trò trong những giờ phút cuối cùng của năm học.

Nhật Duy