Dừng đề án 322: Đau xót, Thạc sỹ quay trở lại trường để... “trả nợ”

30/05/2012 06:00
Kim Ngân (ghi)
(GDVN) - “Một tuần nhận được tin dừng học bổng 322, mình đã sút 3 cân. Tiền bạc có thể lo, nhưng niềm tin bị mất mới là quan trọng. Mất phương hướng, giờ chỉ còn cách mình sẽ quay lại trường cố gắng làm việc để trả nợ ngân hàng…”.

Bỏ nhiều cơ hội công việc, đi học để tập trung học tiếng trong suốt hơn 1 năm qua, nhiều ứng viên thạc sỹ chỉ biết chờ đợi, chấp nhận về việc dừng đề án 322 (ảnh Hoàng Thùy).
Bỏ nhiều cơ hội công việc, đi học để tập trung học tiếng trong suốt hơn 1 năm qua, nhiều ứng viên thạc sỹ chỉ biết chờ đợi, chấp nhận về việc dừng đề án 322 (ảnh Hoàng Thùy).

Đó là lời bộc bạch của Th.s Trần Ngọc Quốc - ứng viên đi học thạc sỹ ở Pháp theo diện học bổng 322 của Chính Phủ. Vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin dừng đề án, anh nói: “Một tuần nhận được tin, mình đã sút 3 cân. Vào sáng ngày 15/5 nhận được thư mời từ trường ĐH bên Pháp và 2 tiếng sau mình nhận được thông báo dừng học bổng. Lúc đó, cảm thấy người mệt mỏi, mất phương hướng, không biết mình sẽ làm gì, tương lai sẽ như thế nào để trả nợ gần 100 triệu suốt những năm mình đi học”.
Hỏi ra, tôi mới biết gia đình anh nghèo. Bố làm thợ hồ, mẹ hay đau ốm, chỉ phụ giúp dì bán hàng tạp hóa ở dưới chợ. “Vì gia đình khó khăn không có điều kiện cho mình học đại học, nên năm đấy mình thi ĐH Sư Phạm Đà Nẵng để bớt chi phí. Trong quá trình học đại học, mình đi gia sư, năm nào cũng giành được học bổng nhưng gia đình vẫn phải vay tiền ở ngân hàng chính sách để nuôi 2 anh em ăn học. Tốt nghiệp xong đã nợ gần 30 triệu, đi làm chưa trả được bao nhiêu…”, anh Quốc cho hay.

Anh Quốc kể lại trong buồn rầu, ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng với tấm bằng giỏi và giành được huy chương Olympic Toán toàn quốc giúp anh được nhiều trường ĐH mời về giảng dạy, nhưng anh muốn về quê hương Quảng Nam làm việc. Sau 1 năm tập sự tại Trường ĐH Quảng Nam, anh vỡ òa hạnh phúc khi nhận được thông báo sẽ được du học Pháp theo học bổng 322 của Chính Phủ. Vui vì nhà mình không có điều kiện, mà được nhận đi học ở Pháp. Đó là một niềm mơ ước.

Hơn một năm ra Hà Nội mọi thứ đều đắt đỏ hơn, số tiền lương ở trường 1,7 – 1,8 triệu/ tháng không đủ cho anh trang trải sinh hoạt ngoài này. Thời gian gần 1 năm học tiếng, tranh thủ buổi trưa anh chạy bàn quán cơm trước trường kiếm được 1, 5 triệu/ tháng. Đi học tiếng không đủ để nuôi em gái đang học ĐH Bách Khoa Đà Nẵng nên bố mẹ đành phải tiếp tục vay tiền ở ngân hàng chính sách.  Đang trong quá trình học tiếng, nghe thông tin phong phanh sẽ dừng dự án, cả lớp chán nản, bất mãn nên lớp ít người đi học. Bàng hoàng khi nhận được thông tin chính thức. Bố mẹ mình động viên: “Coi như gặp phải chuyện xui xẻo. Không đi năm này thì đi năm khác”. 
Anh trần tình: “Mình trở lại trường để giảng dạy, nhiều người trong trường hỏi thăm “Sao chưa đi à?”, cảm giác khó chịu, mặc dù biết đó là câu hỏi vô tình. Mình đã từng hãnh diện vì được đi học bổng danh giá, giờ khó biết nói sao. Tiền bạc có thể lo, nhưng niềm tin mới là quan trọng, giờ lòng tự trọng, sỹ diện bị tổn thương, mất đi niềm tin, mình không biết tương lai sẽ như thế nào.

Sau khi nghe được thông báo trên website Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ có đưa ra hai phương án giải quyết, ngay lập tức mình email đăng ký đi Nga bởi lúc đó mình mất phương hướng, con đường trước mắt như bị cắt quãng. Nhưng sau đó mình nghĩ lại ngành học ở Nga không phù hợp với chuyên ngành Toán giải tích mình đang nghiên cứu nên mình đã hủy”.

“Năm sau được đi, mình vẫn phải đợi thôi. Nhưng hiện giờ niềm tin chẳng còn. Mình sẽ làm trong 1 năm để trả nợ ngân hàng gần 100 triệu, trong đó có 10 - 20 triệu vay nóng ở Hà Nội trong thời gian mình thi chứng chỉ, phỏng vấn... hoặc cuối năm nay mình thi vào lớp cao học ở Viện Toán. Mong muốn lớn nhất của mình là Bộ có hướng giải quyết cho mình là đi được trong năm nay, đúng chuyên ngành, đúng nước mà mình đã chọn”, anh Quốc thiết tha nói, anh Quốc bộc bạch về kế hoạch tương lai của mình.
.

Kim Ngân (ghi)