Đừng để con phải cô đơn khi trượt đại học

16/08/2018 06:09
Nguyễn Cao
(GDVN) - Sự động viên, định hướng của phụ huynh khi con trượt đại học không chỉ giúp các em có tinh thần tốt mà còn để cùng tìm ra con đường đi phù hợp cho tương lai.

LTS: Con cái thi trượt đại học là điều không mong muốn của bất kì gia đình nào. Do đó, các bậc phụ huynh cũng cần động viên, cảm thông, định hướng nhằm giúp cho các em tìm ra con đường phù hợp trong tương lai.

Theo đó, từ vấn đề này, tác giả Nguyễn Cao đã đưa ra bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đỗ đại học chưa chắc đã có một tương lai tương sáng, trượt đại học cũng chưa hẳn đã là một thảm họa đối với các em vừa tham dự kì thi Trung học phổ thông Quốc gia bởi thực tế đã chứng minh điều này.

Tuy nhiên, trái ngược với những thí sinh đỗ vào đại học thì những thí sinh trượt hoặc không đỗ vào trường đăng ký nguyện vọng 1 bao giờ cũng có những tâm trạng u uất, chán chường và vô cùng nhạy cảm với mọi người xung quanh.

Chỉ một cử chỉ, lời nói của cha mẹ, người thân đôi lúc cũng làm cho các em tổn thương về tinh thần.

Tâm lý buồn bã khi thi trượt đại học (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Tâm lý buồn bã khi thi trượt đại học (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Người Việt ta từ xưa đến nay có truyền thống hiếu học, truyền thống ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ của bao nhiêu thế hệ con người.

Chính vì truyền thống hiếu học đó sinh ra người Việt mình trọng bằng cấp nên luôn mong muốn con em mình phải đỗ đạt cao.

Tư tưởng: “Con hơn cha là nhà có phúc” hay “con gà tức nhau tiếng gáy” cũng từ đó mà ra.

Suy cho cùng, tư tưởng ấy không hề xấu bởi nó sẽ đòn bẩy, là động lực để các thế hệ người Việt ta có ý chí cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập.

Tuy nhiên, tính hiếu học đó đôi lúc lại trở thành áp lực cho con cái trong gia đình. Nhiều em thi trượt đại học chưa hẳn là quá kém mà do cách định hướng, yêu cầu của cha mẹ khi không căn cứ vào học lực của con em mình.

Nhiều khi con muốn đăng ký trường này phù hợp với sở trường, năng lực nhưng cha mẹ lại muốn con phải đăng ký trường khác, trường nằm ở tốp trên để có tương lai hơn.

Đừng để con phải cô đơn khi trượt đại học ảnh 2Đừng đánh mất con, nếu trượt đại học

Điều quan trọng là để con em mình bằng bạn bè, không phải phải “thua chị kém em” với mọi người xung quanh.

Chính cách định hướng như vậy nên nhiều em đã nộp hồ sơ vào những trường quá sức học tập của mình mà trượt nguyện vọng 1, 2. Chỉ thế thôi thì đất trời như sụp đổ trước mặt cha mẹ.

Sự kỳ vọng của cha mẹ, rồi công sức đầu tư không đạt được, một số người như mất ăn, mất nói trước mọi người thành ra cáu gắt con em mình.

Có người lặng lẽ không nói gì nhưng ánh mắt buồn đăm chiêu cộng với những tiếng thở dài thườn thượt cũng đủ để cho các em nghĩ suy đau đớn khi không đạt được mục tiêu mà cha mẹ đề ra.

Cũng có những bậc cha mẹ không buồn, không chửi con em mình nhưng lại lấy chuyện “con người ta” đỗ trường đại học này, đại học học khác để hàm ý chê trách con mình.

Những tiếng thảng thốt của cha mẹ: Thằng (con) bé đó giỏi thật. Không chỉ được điểm cao mà lại còn đỗ vào trường uy tín nữa, cha mẹ nó cũng bõ công vất vả…

Chỉ thế thôi thì những cô cậu học trò thi trượt cũng hiểu được thân phận của mình và hiểu cha mẹ đang ngầm nói ai.

Một số em ở thành phố thì ít phải chịu đựng những lời thị phi hơn những em ở vùng thôn quê.

Bởi, ở nông thôn thường thì văn hóa cộng đồng gắn bó nhiều hơn nên chuyện của nhà này thì nhà khác biết, chuyện ở xóm này, xóm khác cũng biết.

Đừng để con phải cô đơn khi trượt đại học ảnh 3Hãy ứng xử có văn hóa, phù hợp khi con thi trượt

Vì thế, đôi lúc những em đỗ, em trượt lại trở thành đề tài bình phẩm, so sánh trong các bàn tiệc, chén trà và rồi cũng đến tai các em, cha mẹ các em.

Dĩ nhiên, những chuyện như thế cộng hưởng với nhau thì những nỗi buồn lại càng chất chứa nhiều hơn.

Vậy, cha mẹ khi thấy con không đỗ được các nguyện vọng 1, thậm chí trượt đại học thì có buồn không. Buồn. Thậm chí là rất buồn nữa - đó là điều chắc chắn rồi.

Nhưng, điều quan trọng là cha mẹ biết giấu đi nỗi buồn đó trước con em mình. Dẫu sao, các bậc cha mẹ cũng bình tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn. Vì thế, sự gần gũi, bên cạnh các em những lúc khó khăn nhất là vô cùng cần thiết.

Những lời động viên thấu tình đạt lý không chỉ xóa đi nỗi buồn của con mình mà chính các em cũng thấu hiểu sự kỳ vọng của cha mẹ mà bình tĩnh vượt qua những khó khăn, thị phi của mọi người.

Thật ra, chuyện đỗ đại học cũng tốt, mà không đỗ đại học cũng chưa phải là hết hy vọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều em cứ cố học và phải đỗ đại học, rồi cao học nhưng rồi lại quay về đi học nghề để làm công nhân. Cái vòng luẩn quẩn đó còn lãng phí và khổ sở cha mẹ hơn gấp nhiều lần.

Trong khi, nhiều em lại chỉ thi Trung học phổ thông xong lấy kết quả để đi học nghề. Sau 2 đến 3 năm học nghề chuyên tâm thì các em trở thành những người thợ giỏi, ít khi thất nghiệp và đương nhiên thì vị trí vẫn có, thu nhập vẫn cao mà không phải bận tâm chuyện đỗ, trượt đại học hay phải chạy đôn đáo để xin việc.

Nói như vậy, không có nghĩa là đi học nghề hay hơn học đại học nhưng điều quan trọng là phụ huynh và các thí sinh cần căn cứ vào hoàn cảnh, thực tế học tập để lựa chọn cho tương lai của mình.

Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, có nhiều thành công nhưng cũng đan xen cả thất bại. Vì thế, chuyện trượt đại học cứ hãy xem là chuyện rất bình thường trong học tập, thi cử.

Đừng để con phải cô đơn khi trượt đại học ảnh 4Đại học đâu phải là tất cả

Trong số hàng ngàn học trò mà chúng tôi đã dạy, có nhiều em không học đại học nhưng vẫn gầy dựng được một tương lai tốt đẹp.

Có em làm thợ, có em kinh doanh, buôn bán nhỏ và cuộc sống tương đối ổn định chỉ sau vài năm.

Ngược lại, có rất nhiều em sau khi học đại học xong không xin được việc làm đúng với chuyên môn.

Vì thế, có những em phải xin làm tiếp viên ở các quán cà phê, quán nhậu, giao hàng cho các công ty, các cửa hàng… mà những việc này chỉ cần lao động phổ thông cũng có thể làm được, thậm chí còn làm tốt hơn những người có trình độ đại học.

Bởi, các em có sức khỏe làm toàn toàn tâm, toàn ý. Không mặc cảm và cũng không “đứng núi này trông núi nọ” như những em cử nhân đại học.

Vậy nên, chuyện cha mẹ gần gũi bên con là cần thiết trong những ngày tháng các em buồn chán, mặc cảm với bạn bè.

Sự động viên, định hướng không chỉ giúp các em có tinh thần tốt mà còn để cùng tìm ra con đường đi phù hợp cho tương lai là cần thiết.

Nếu không đỗ đại học năm nay, có nghị lực, ý chí thì ôn thi lại vào năm sau, mỗi năm cũng có hàng ngàn em như vậy hoặc chuyển sang học nghề cũng chẳng sao.

Đại học không phải con đường duy nhất

Nghề nào cũng cao quý nếu chúng ta biết trân trọng.

Suy cho cùng, mục đích của mỗi con người khi trưởng thành là thu nhập ổn định và thấy cõi lòng mình thanh thản với công việc mà mình gắn bó.

Hơn nữa, ai cũng muốn làm thầy thì ai sẽ làm thợ. Làm thợ mà giỏi hơn chán vạn làm thầy mà ngu ngơ, non nớt chuyên môn.

Vì thế, khi con không đỗ đại học, các bậc phụ huynh cần ở cạnh con mình, đừng để các em phải cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Nguyễn Cao