Đừng thay thế "chủ nghĩa lý lịch" bằng "chủ nghĩa bằng cấp"!

29/09/2011 13:12
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Một số "quan lớn" ngang nhiên sử dụng bằng giả, kiến thức giả trong thời gian qua đang bị xã hội lên án kịch liệt.
Để dư luận có thêm góc nhìn thẳng thắn về vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi cởi mở với GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh chuyện bằng giả, bằng thật và kiến thức giả đang bị đảo lộn như hiện nay.

PV: Từ lâu đã xảy ra hiện tượng một số quan chức dùng bằng giả vào những mục đích khác nhau. Theo ông, đây có phải là thói “háo danh” của một số người đương chức, đương quyền?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, nguyên nhân háo danh cũng có nhưng ít thôi. Người ta dùng bằng giả chủ yếu là để thăng tiến. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, cho nên tất cả chuyện tuyển dụng, cất nhắc đều đòi hỏi bằng cấp. Nhiều cán bộ chịu khó học hành, có bằng cấp thật và trình độ thật. Nhưng cũng không ít người trình ra cái bằng giả cho... nhanh.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Không nên thay thế "chủ nghĩa lý lịch" trước đây bằng "chủ nghĩa bằng cấp".
GS Nguyễn Minh Thuyết: Không nên thay thế "chủ nghĩa lý lịch" trước đây bằng "chủ nghĩa bằng cấp".
Theo ông, hậu quả mà xã hội phải hứng chịu là gì khi có những cán bộ "lớn" sử dụng bằng giả để tiến thân?

Răng giả, tay chân giả thì có ích, hoa giả thì vô hại, còn hàng giả, thuốc giả hay bằng giả, cái gì cũng có hại cả. Người có năng lực thực sự thì không quá câu nệ chuyện bằng cấp, càng không việc gì phải sử dụng bằng giả. Người đã sử dụng bằng giả thường trình độ yếu mà nhân cách cũng kém. Những người như vậy mà cầm cân nảy mực, chỉ đạo điều hành thì chết nước chết dân; không trước thì sau cũng làm hỏng việc.

Ở mặt nào đó, theo ông, việc sử dụng bằng giả, kiến thức giả nhiều như hiện nay liệu có liên quan đến tham nhũng hay không? 

Theo tôi, hai chuyện này nhìn chung không liên quan trực tiếp, nhưng cũng có những trường hợp liên quan. Ví dụ, người không đi học ngày nào mà vẫn trình ra được một tấm bằng thì người sử dụng cán bộ phải biết thừa bằng ấy là giả. Thế mà vẫn cất nhắc, trọng dụng thì đó là vì cớ gì? Dư luận cũng từng xì xào chuyện một số cán bộ "lớn" được trường nọ trường kia mang bằng đến "biếu". Họ biếu như vậy nhằm mục đích gì? Chắc chắn là để trục lợi rồi. Nhưng vì sao họ không bị cán bộ "lớn" chấn chỉnh, xử lý?

Chuyện bằng cấp giả có liên quan đến tình trạng thương mại hoá giáo dục không, thưa ông?

Thực ra, in, bán, mua và sử dụng bằng cấp giả là vi phạm pháp luật. Tổ chức in và bán bằng giả còn là tội phạm hình sự. Những chuyện như vậy thuộc lĩnh vực trật tự xã hội, gắn với trách nhiệm ngành công an, không liên quan gì đến thương mại hóa giáo dục.

Liên quan đến thương mại hóa giáo dục là chuyện bằng thật trình độ giả. Đó là trường hợp một số cơ sở giáo dục đào tạo qua quýt, xô bồ, chỉ cốt thu học phí, không quan tâm gì đến chất lượng hoặc trường hợp thầy cô làm tiền học trò trong kiểm tra, thi cử.

Cũng có trường hợp biểu hiện thương mại hóa quanh co hơn một chút là trường hợp liên kết đào tạo với một số trường "rởm", tức là những trường không được công nhận chất lượng, của nước ngoài.

Tôi nói đây là trường hợp chạy theo lợi nhuận quanh co hơn một chút vì có thể có những cơ sở giáo dục của ta chưa hiểu rõ về đối tác, về hệ thống giáo dục quốc tế, cứ thấy trường nước ngoài, nhất là trường của nước phát triển thì vồ vập, liên kết với họ. 
Nhiều người vì mục đích cá nhân nên bằng mọi giá, mọi cách kiếm tấm bằng để tiến chức tại các cơ quan nhà nước. Ảnh minh họa Internet
Nhiều người vì mục đích cá nhân nên bằng mọi giá, mọi cách kiếm tấm bằng để tiến chức tại các cơ quan nhà nước. Ảnh minh họa Internet
Ông suy nghĩ như thế nào về câu nói của Đại biểu Lê Văn Cuông khi cho rằng: “Ở các nước, người ta đào tạo tiến sĩ để làm việc ở các trường, viện nghiên cứu. Còn ở ta, tiến sĩ là để làm quan”?

Ở nước nào cũng thế, đào tạo tiến sĩ là để làm công tác nghiên cứu khoa học. Chức năng nghiên cứu là của các viện khoa học, trường đại học. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng có những bộ phận thực hiện chức năng nghiên cứu để tham mưu về chính sách, chiến lược; ở đó cũng cần tiến sĩ.

Cán bộ phụ trách một số ngành chuyên môn như giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế cũng nên có học vị. Còn nhìn chung thì việc tuyển chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ, công chức cần dựa vào năng lực và phẩm chất thực sự của người ta, không nên câu nệ ở cái bằng, nhất là không nên đòi hỏi thạc sĩ hóa, tiến sĩ hóa tất cả.

Chạy theo bằng cấp là lãng phí, sai lầm. Nhưng hình như cả xã hội ta đang chạy theo bằng cấp. Cha mẹ nào cũng muốn con mình vào đại học, rồi thành thạc sĩ, tiến sĩ, chẳng mấy ai thích cho con em đi học nghề, từ đó làm cho sự học của trẻ từ nhỏ đã vô cùng căng thẳng. Một xã hội chạy theo bằng cấp chỉ làm lợi cho những người kinh doanh giáo dục. Và rồi nạn bằng giả cũng từ đó mà nảy sinh.

Để hạn chế việc sử dụng bằng cấp không rõ ràng, bằng giả hiện nay, theo ông, chúng ta cần nhìn nhận và có hướng giải quyết như thế nào cho đúng?

Trước hết, Nhà nước cần có chính sách cán bộ đúng. Không nên thay thế "chủ nghĩa lý lịch" trước đây bằng "chủ nghĩa bằng cấp". Tuyển chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ phải theo năng lực thực tế; bằng cấp chỉ nên là một căn cứ để xem xét, chứ không nên tuyệt đối hóa nó.

Thực tế, ai cũng thấy nhiều nhân vật xuất chúng trên thế giới, từ nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho tới chính trị gia không hề có bằng cấp cao, thậm chí bằng trung học phổ thông cũng không có. Câu nệ bằng cấp không chỉ bỏ mất những người có tài năng thực sự mà vô hình trung còn khuyến khích người không có điều kiện học tập tìm đến bằng giả.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục công tác rà soát văn bằng của cán bộ, công chức, viên chức. Hơn mười năm trước, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan rà soát bằng cấp, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức.

Việc đó rộ lên một thời và cũng giúp phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng bằng giả. Nhưng từ đó tới nay các cơ quan không còn kiểm tra thường xuyên nữa. Bây giờ là lúc nên tiếp tục làm. Khi kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ, nếu phát hiện bằng giả thì cần xử lý nghiêm. Chỉ "rút kinh nghiệm sâu sắc" thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn này.

Thứ ba, các cơ quan tư pháp cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các ổ làm bằng giả, bán bằng giả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đàm phán để ký kết hiệp định công nhận bằng cấp tương đương với các nước, tránh những trường hợp rắc rối như đã xảy ra trong thời gian gần đây.

Xin cảm ơn ông!
Xuân Trung (thực hiện)