Đừng vội vàng quy kết dung tục, khi học sinh sân khấu hóa trích đoạn văn học

30/03/2019 07:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học thì nhiều người đã làm chứ không gì riêng thầy giáo Phạm Quốc Đạt. Do đó, không nên vôi vàng quy kết là dung tục.

Thầy Phạm Quốc Đạt – giáo viên Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật không được giảng dạy vì sân khấu hóa một số trích đoạn trong các tác phẩm văn học đang trở thành đề tài tranh luận của nhiều nhà giáo.

Không ít người cho rằng, việc dùng ý chí chủ quan áp đặt để kỷ luật thầy Đạt là đang giết đi sự sáng tạo của người thầy trên bục giảng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sự sáng tạo của giáo viên cũng phải có giới hạn. Không nên để các em tham gia diễn một số trích đoạn nhạy cảm như vậy sẽ phản giáo dục.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm (ảnh nguồn: giaoduc.net.vn).
Thầy Nguyễn Tùng Lâm (ảnh nguồn: giaoduc.net.vn).

Xung quanh câu chuyện trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và được thầy chia sẻ, việc sáng tạo của nhà giáo rất cần thiết, phải được ủng hộ.

Việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học thì nhiều người đã làm chứ không phải thầy giáo Phạm Quốc Đạt đầu tiên.

Tuy nhiên, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, tính sáng tạo phải đảm bảo được tính giáo dục, tính thẩm mỹ.

Đi sâu vào vụ việc của thầy Phạm Quốc Đạt, thầy Tùng Lâm cho rằng, phải cần một hội đồng chuyên môn để thầy Đạt trình bày, và học sinh diễn thử để người làm văn học, nghệ thuật có trình độ xem và đánh giá có phản cảm hay không.

Học sinh trường Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đang sân khấu hóa trích đoạn Tám Bính bị hãm hiếp trong giờ học văn ngoại khóa (ảnh chụp từ VTV 24h).
Học sinh trường Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đang sân khấu hóa trích đoạn Tám Bính bị hãm hiếp trong giờ học văn ngoại khóa (ảnh chụp từ VTV 24h).

Thầy Tùng Lâm nhấn mạnh: “Nếu chỉ dùng hình ảnh thôi thì chấp nhận được” và cho rằng, khi có một hội đồng thẩm định thì sẽ khách quan.

Việc thầy Đạt làm đúng hay làm sai phải có hội đồng nghệ thuật, sư phạm đánh giá còn nếu một mình hiệu trưởng cảm nhận đánh giá là không khách quan.

Cuối cùng thầy Tùng Lâm khẳng định: “Không được áp đặt ý chí cá nhân làm thui chột sáng tạo nhưng cũng không được làm bừa bãi, sáng tạo một cách thái quá phản giáo dục”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 28/1/2019, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản – ông Lương Văn Định đã có các thông tin cung cấp cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về trường hợp thầy Phạm Quốc Đạt bị kỷ luật cảnh cáo.

Đừng vội vàng quy kết dung tục, khi học sinh sân khấu hóa trích đoạn văn học ảnh 3Giáp tết, giáo viên kêu cứu vì cho rằng bị kỷ luật oan sai

Có rất nhiều nguyên nhân mà thầy Đạt bị kỷ luật, nhưng việc mới nhất là thầy Đạt tổ chức chương trình sân khấu hóa các tác phẩm Văn học, nhưng không có đơn, kế hoạch gửi Ban Giám hiệu nhà trường đúng như quy định.

Thầy Phạm Quốc Đạt chỉ giải thích, do các đời Hiệu trưởng cũ không yêu cầu làm việc này (ông Định mới về làm Hiệu trưởng từ đầu năm học này), nên thầy Đạt chỉ báo miệng, và tự ý đưa học sinh ra ngoài học ngoại khóa.

Các tiết mục sân khấu hóa tác phẩm Văn học, thầy Đạt không kiểm tra kỹ, dẫn đến việc học sinh thể hiện, đóng các cảnh nhạy cảm, có cả video clip chứng minh, lọt ra bên ngoài, khiến cho phụ huynh và giáo viên của trường bức xúc.

Trong khi đó, thầy Phạm Quốc Đạt cho biết, ngày 18/3/2019, sau một thời gian nhà trường không thay đổi quyết định kỷ luật mình, thầy Đạt đã quyết định nộp đơn kiện nhà trường, đại diện là ông Lương Văn Định – Hiệu trưởng ra Tòa.

Trinh Phúc