Đừng xúc phạm thầy Hồ Ngọc Đại và thầy Bùi Hiền

04/09/2018 14:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Sản phẩm của thầy Hồ Ngọc Đại, thầy Bùi Hiền là công trình khoa học chuyên ngành hẹp, không dễ bàn luận. Nhưng cách triển khai của Bộ Giáo dục thì có vấn đề.

Sau khi đoạn video cô giáo Đỗ Thị Phương Trang, Trường Tiểu học Dương Đông 1, Phú Quốc, Kiên Giang hướng dẫn cha mẹ học sinh cách đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được một vị phụ huynh ghi lại và tải lên mạng internet, một làn sóng tranh luận đã xuất hiện trên cả mặt báo lẫn mạng xã hội.

Bên cạnh một số phân tích và phản biện trên tinh thần khoa học, khách quan thì đang xuất hiện trên mạng xã hội một trào lưu chỉ trích gay gắt, thậm chí xúc phạm thầy Hồ Ngọc Đại.

Có những người còn cố tình lôi cả Phó giáo sư Bùi Hiền vào vấn đề cách đánh vần của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục với những quy chụp rất nặng nề, vô lối, vô lý.

Bản thân chúng tôi cũng đã có nhiều bài viết phân tích về cách thức triển khai Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vào nhà trường phổ thông và các vấn đề về cơ sở pháp lý của nó.

Thông tin nào chưa hiểu, chưa rõ nhưng lại ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn gia đình, thì chúng tôi đặt câu hỏi, trước hết là với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục tiểu học, sau đó là Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục.

Nhận thấy trào lưu bình luận theo cảm xúc mang tính miệt thị và xúc phạm người khác trong dư luận hiện nay do thiếu thông tin hoặc vì nguyên nhân nào khác nữa, chúng tôi xin nêu một vài nhận xét của mình;

Chúng tôi hy vọng rằng quý bạn đọc có cái nhìn bình tĩnh, khoa học, khách quan và tìm ra bản chất của vấn đề, không để cảm xúc tiêu cực dẫn đến những nhận định sai lệch.

Ý tưởng và sản phẩm của thầy Hồ Ngọc Đại, thầy Bùi Hiền là công trình khoa học và hoàn toàn khác biệt

Thứ nhất, xin được nhắc lại những ầm ỹ trên truyền thông và mạng xã hội về công trình khoa học của thầy Bùi Hiền. 

Phó giáo sư Bùi Hiền, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.
Phó giáo sư Bùi Hiền, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.

Ngày 27/11/2017, Báo Dân Trí dẫn lời Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam Phạm Văn Tình cho biết:

Ý tưởng cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền nằm trong bản tham luận ông gửi tới hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức tháng 9/2017.

Phó giáo sư Phạm Văn Tình nhấn mạnh:

“Một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú. 

Nhưng tôi phải khẳng định, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng đã từng có. 

Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.

Bởi không dễ dàng thay đổi chữ viết tiếng Việt. Người Anh, người Pháp còn đi trước ta về việc xóa bỏ các bất hợp lí về chữ viết nhưng cũng chịu bó tay cơ mà!". [1]

Theo cách hiểu của cá nhân người viết, công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền là đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt, còn công trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là thay đổi quy tắc đánh vần tiếng Việt từ dựa vào Chữ như chương trình hiện hành, sang đánh vần theo âm / ký âm, mà không làm thay đổi chữ cái tiếng Việt.

Sở dĩ bản tham luận khoa học của Phó giáo sư Bùi Hiền làm dậy sóng dư luận, vì ai đó đã tuồn nội dung của nó cho một số tờ báo khai thác. Một công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành hẹp bỗng chốc trở thành đề tài bàn tán của đại chúng!

Người ta cứ nhắm mắt chỉ trích và lên án tác giả mà không hề để ý đến mấy điều sau: 

Đừng xúc phạm thầy Hồ Ngọc Đại và thầy Bùi Hiền ảnh 2

Khi tranh luận lạc đường

Một là Phó giáo sư Bùi Hiền đã về hưu, đây là công trình nghiên cứu của cá nhân ông, không sử dụng ngân sách nhà nước, không phải đề tài ứng dụng có thể gây ảnh hưởng đến đại chúng.

Hai là, theo hiểu biết của người viết thì Phó giáo sư Bùi Hiền không có ý định công bố công trình này lên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng dường như có ai đó đã làm việc này.

Ba là một công trình khoa học chuyên ngành hẹp mới dừng ở nghiên cứu lý thuyết không phải ai cũng đủ am tường kiến thức chuyên môn để bàn về nó.

Còn với công trình nghiên cứu về Công nghệ giáo dục, cụ thể là tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự, người ta đã xoáy vào cách đánh vần mà mình chưa được học, để chỉ trích, thậm chí lên án gay gắt.

Trên tinh thần khách quan, đa chiều về một vấn đề dư luận quan tâm và có ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn gia đình, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận và đăng tải ý kiến của các bên liên quan:

Bài viết Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao? nêu lên những băn khoăn, thắc mắc của một vị cha mẹ học sinh có con học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Chúng tôi cũng đăng tải nội dung phân tích, phản hồi, trao đổi từ các thầy cô Trường Thực nghiệm qua bài Bênh thầy Hồ Ngọc Đại, giáo viên trường Thực nghiệm lên tiếng;

Phản hồi từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam qua bài viết Nhà xuất bản Giáo dục trả lời "lo lắng cho tương lai" khi con trẻ học sách Giáo sư Hồ Ngọc Đại;

Cũng như phản hồi từ Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sau cuộc trao đổi với thầy Hồ Ngọc Đại tại văn phòng của Giáo sư, qua bài Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đến dấu phẩy cũng không vô giá trị.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: Báo Nhân Dân.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: Báo Nhân Dân.

Để có thể hiểu và thảo luận về cách đánh vần của Công nghệ giáo dục, chúng tôi thiết nghĩ quý bạn đọc nên tìm hiểu thêm về nó. Giáo sư Hồ Ngọc Đại có chia sẻ khá cởi mở và dễ hiểu về nó với một nhà báo của VTC14, video đầy đủ mời quý bạn đọc theo dõi qua link đính kèm cuối bài. [2]

Vấn đề nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phải Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Loạt bài của chúng tôi tập trung phân tích cách triển khai Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vào trường học qua dự án VNEN và đường dây bán sách, tài liệu hoàn toàn khép kín của ngành giáo dục, chứ không phải bản thân công trình của thầy Đại.

Có những dẫn chứng, có những vấn đề đặt ra chúng tôi buộc phải dẫn lời thầy Đại đã phát biểu, đã viết trên truyền thông chính thống, để minh họa và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ vấn đề.

Ví dụ thông tin Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải bỏ 50 triệu đồng tiền túi thuê luật sư tư vấn cho ông về việc sử dụng từ "thí điểm" để "lách luật", triển khai đại trà Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, nếu đúng như thầy Hồ Ngọc Đại phát biểu trên Báo Nhân Dân, thì đó là một sự việc nghiêm trọng.

Nó đặt ra dấu hỏi rất lớn về bản lĩnh cũng như trình độ của người quản lý đầu ngành giáo dục nước nhà, trong khi quyền hạn đầy đủ trong tay mà lại phải làm cái việc "lách luật", thì quốc pháp còn đâu? 

Thầy Hồ Ngọc Đại chia sẻ điều này trên Báo Nhân Dân, Báo VietnamNet và có nhắc lại trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Dường như dư luận chẳng ai để ý đến những bất thường này, mà chỉ xoáy vào cái mình chưa biết rõ, chưa từng được học, là cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục.

Hoặc ví dụ như đường dây bán sách VNEN khép kín, trong đó có chèn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục mà Vụ Giáo dục tiểu học tổ chức, đã mang về khoản thu khổng lồ. 

Đừng xúc phạm thầy Hồ Ngọc Đại và thầy Bùi Hiền ảnh 4

Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa

Rất nhiều cha mẹ học sinh đã phải bỏ tiền mua những thứ không phải sách giáo khoa nhưng lại được nhà trường, phòng, sở chèn vào "danh mục sách giáo khoa" theo gợi ý từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mà không hề hay biết. 

Vấn đề không nằm ở Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, mà nằm ở cách triển khai nó vào nhà trường cùng việc thiết lập đường dây bán sách độc quyền, nằm ở cuộc thí điểm trường kỳ 40 năm không ra được kết luận.

Nói cách khác, vấn đề nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể hơn là Vụ Giáo dục tiểu học và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chứ không phải thày Hồ Ngọc Đại.

Dường như đã có ai đó đang thao túng giáo dục đằng sau việc phát hành các cuốn "sách giáo khoa" và các tài liệu ăn theo. 

Chúng tôi quan tâm và nỗ lực tìm câu trả lời cho thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ học sinh, tại sao năm nào ngành giáo dục cũng thay sách, tại sao họ phải mua những cuốn sách sử dụng 1 lần, tại sao em không thể học sách của anh chị như trước đây?

Chúng tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm lên tiếng trả lời trước dư luận, bao giờ thì kết thúc các hoạt động "thí điểm" như VNEN hay Công nghệ giáo dục?

Nếu Bộ mà còn "lách luật" bằng "thí điểm" như lời thầy Hồ Ngọc Đại, thì các địa phương cũng sẽ học theo. 

Thực tế đề án thí điểm song bằng của Hà Nội hay Chương trình Cambridge (2010-2014) và chương trình tiếng Anh tích hợp ở thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ.

Phân tích, phản biện và góp ý về chính sách nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Trong các bài phân tích, phản biện và góp ý về chính sách giáo dục, chúng tôi buộc phải nhìn thẳng vào thực trạng và trên cơ sở đó góp ý giải pháp.

Cũng giống như bắt trúng bệnh thì mới mong bốc đúng thuốc, đó là phương châm tham gia góp ý của chúng tôi.

Điều chúng tôi mong muốn là làm sao để tất cả các nhà khoa học, giáo dục đều được tham gia đóng góp vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà một cách công bằng, bình đẳng, cạnh tranh bằng chất lượng và không có độc quyền, đặc quyền đặc lợi.

Đừng xúc phạm thầy Hồ Ngọc Đại và thầy Bùi Hiền ảnh 5

Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

Nguyên tắc mà chúng tôi luôn bám sát về các giải pháp chính sách khi bàn về chương trình và sách giáo khoa là:

Thứ nhất, không trái pháp luật (Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành có nhiều bất cập, cần phải sửa đổi, chúng tôi xin phân tích trong một bài viết khác); 

Thứ hai, không phản khoa học; Thứ ba là không dùng ngân sách nhà nước, để tạo ra cạnh tranh lành mạnh và có nhiều bộ sách tốt, giá cả phù hợp và sử dụng ổn định.

Thứ tư là, bất kỳ hoạt động thí điểm / thực nghiệm nào đều phải là kết quả của sự thỏa thuận và nhất trí giữa 3 bên: nhà khoa học - nhà trường - cha mẹ học sinh, để tìm ra những giải pháp tối ưu và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của xã hội.

Thứ năm, người sử dụng dịch vụ giáo dục phải được tham gia và có vai trò quyết định trong việc lựa chọn dịch vụ / sản phẩm giáo dục nào.

Thứ sáu, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục từ nhà trường cho đến các vụ chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn bản thân Bộ, không làm tiếp thị cho bất kỳ nhà cung cấp sách giáo khoa / dịch vụ giáo dục / dịch vụ khác có thu phí nào trong nhà trường.

Trong quá trình đó, chúng tôi hy vọng luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ, góp ý, trao đổi và phản biện từ quý bạn đọc xa gần, đặc biệt là các nhà khoa học, các nhà giáo, cha mẹ học sinh về thực trạng và giải pháp.

Chúng tôi đặc biệt đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phản hồi chính thức và thẳng thắn, thực sự cầu thị về các vấn đề chính sách mà dư luận đặt ra, trong đó có Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vì vậy chúng tôi có mấy lời mộc mạc, chân thành gửi tới quý bạn đọc gần xa để cùng tìm đến bản chất sự việc và giải pháp phù hợp, tránh để những cảm xúc tiêu cực do thiếu thông tin dẫn dắt đến những phản ứng thái quá, thậm chí vô tình xúc phạm các nhà khoa học mà chúng ta chưa hiểu hết.

Nguồn:

[1]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tong-thu-ki-hoi-ngon-ngu-hoc-vn-khoan-voi-nem-da-de-xuat-tieq-viet-20171127070537334.htm

[2]https://www.facebook.com/tuyetnhung.nguyen.31/videos/10204925435972047/UzpfSTgyNjU4NjM4OToxMDE1NjUyMDg1NTUxNjM5MA/

Hồng Thủy